Thương mại nội địa – chủ động cho thị trường cuối năm (Kỳ 2): Chủ động hướng về cuối năm

19:45 26/10/2019

Nhìn lại tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ, thương mại 9 tháng qua, cho thấy tổng cầu xã hội đã tăng đáng kể. Điều này được thể hiện trên bình diện kinh tế vĩ mô, thông qua chỉ số giá tiêu dùng CPI làm cơ sở đánh giá cường độ hoạt động của thị trường. Thông thường CPI luôn tỷ lệ thuận với nhịp độ tăng của tổng cầu tiêu dùng, nếu giao dịch thị trường ảm đạm, CPI sẽ bị tác động theo chiều suy giảm, và ngược lại.

Chủ động tích trữ hàng tiêu dùng cho dịp tết truyền thống

Tính đến thời điểm này, chỉ số CPI bình quân trên địa bàn thành phố tăng khoảng 2,27% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đi vào chi tiết lại tiềm ẩn dấu hiệu chưa thực sự ổn định và đồng bộ, ngoài tính tác động theo mùa vụ, thời tiết, hàng hóa còn bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố chi phối khác.

Chẳng hạn, sức tiêu dùng hàng hóa trong 9 tháng trên địa bàn thành phố tập trung nhiều vào các dịp lễ, tết, mùa du lịch… trong khi đó do ảnh hưởng của thời tiết, trong thời gian qua nhiều giai đoạn cục bộ cán cân cung cầu bị mất cân đối khá lớn.

Mặt khác, biến động của một số mặt hàng nhạy cảm cũng là nguyên nhân làm xáo động thị trường, như các đợt điều chỉnh liên tục của xăng dầu là một ví dụ. Chưa kể dịch tả lợn châu Phi hoành hành đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi thương phẩm, từ đó chi phối tiêu cực đến các ngành hàng khác.

Ở góc nhìn khác, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhưng chưa thực sự giải quyết được bài toán về giải phóng hàng tồn, vốn dĩ ảnh hưởng rất tiêu cực tới nền kinh tế. Đây là thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp nội địa nói chung và khu vực kinh tế ngoài nhà nước nói riêng.

Trong 9 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố tăng 24,03% so với cùng kỳ 2018, riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất mạnh. Một phần lớn hàng hóa trong đó sẽ được tiêu dùng trên thị trường nội địa, nhưng chỉ số tiêu thụ 9 tháng chỉ tăng 2,03%, chủ yếu tập trung vào một số ngành sản xuất, chưa phản ánh đúng nhu cầu thị trường.

Chưa kể như đã đề cập ở kỳ trước, nhiều nhóm ngành hàng tiêu thụ tốt lại tập trung vào thị trường xuất khẩu, vì chủ yếu thực hiện gia công theo đơn hàng có sẵn, dẫn đến áp lực tăng nhập khẩu. Trong bối cảnh công nghiệp đang phục hồi và phát triển mạnh, ngoài việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ gia công xuất khẩu ít mang lại hiệu quả, thì một lượng lớn sản phẩm tiêu dùng tràn vào sẽ gây khó cho tiêu thụ sản phẩm nội địa.

Đáng lo nhất là những nguồn hàng nhập lậu, sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh kém lành mạnh, đồng thời gây khó khăn cho việc kiểm soát thị trường cũng như điều chỉnh các chính sách khác. Hơn nữa, những diễn biến liên quan đến biến động tỷ giá ngoại tệ gần đây cũng đang có ảnh hưởng tiêu cực đến việc thanh khoản hai chiều, nhất là đối với các doanh nghiệp phải lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn, công nghệ và nguyên vật liệu nhập khẩu.

Theo thông lệ hàng năm thì trong quý 4, tổng lượng hàng hóa thương mại, dịch vụ hướng nhiều vào thị trường nội địa, nhất là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu liên quan đến tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trên thực tế, khả năng thúc đẩy thương mại toàn diện sẽ tập trung vào những tháng cuối năm, là lúc mật độ đáo hạn các hợp đồng kinh tế dày hơn, chưa kể các hoạt động thanh khoản và xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ khiến thị trường tiền tệ thêm nhộn nhịp.

Một số nhóm sản phẩm khác sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, hoặc các nhóm hàng phục vụ cho nông nghiệp, ngư nghiệp khi chuyển đổi thời vụ. Ví dụ thời tiết mùa đông sẽ tạo điều kiện tốt để tiêu thụ các sản phẩm quần áo rét, giày dép, chăn ga gối đệm; mùa cưới sẽ gia tăng các dịch vụ và sản phẩm liên quan; việc đầu tư nuôi trồng chuẩn bị cho hàng tết sẽ dẫn đường giải tỏa nguồn sản phẩm phụ thức ăn gia súc, phân bón, cây con giống, thuốc bảo vệ thực vật…

Theo nhận xét của những người có kinh nghiệm, việc điều tra nắm bắt tính chất tác động đối với thị trường nêu trên sẽ góp phần tích cực vào quy hoạch bình ổn hàng hóa thị trường cuối năm. Về chính sách, thành phố cũng đã đề ra nhiều giải pháp, quyết tâm tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Trong đó, liên quan đến thương mại, dịch vụ là tiếp tục tích cực giải quyết  kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh. Nhưng điều quan trọng hơn, với mục tiêu dài hạn, thương mại thành phố sẽ có cơ hội phục hồi mạnh hơn và tăng trưởng ổn định, nhất là việc đổi mới mô hình đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu.

Chỉ có điều, nếp cũ trong công tác quản lý vẫn còn hiện hữu, dường như các cơ quan chức năng chưa thực sự “quản” được hết hoạt động của khối thương mại, dịch vụ ngoài nhà nước, bất cấp này cần phải khẩn trương khắc phục.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở này, có nhiều chính sách cụ thể đã được ban hành, có thể coi là tín hiệu vui cho kinh tế tư nhân nói chung và khu vực thương mại, dịch vụ ngoài nhà nước nói riêng.

Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục hội nhập, nhiều sản phẩm thuần Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa đến từ những nước phát triển, đòi hỏi sự linh hoạt cao của các thành phần kinh tế.

Hy vọng rằng trong tương lai gần, các công trình dự án hạ tầng, phân ngành sản xuất ứng dụng công nghệ cao được đưa vào hoạt động, sẽ là cơ sở vững chắc để đổi mới các mô hình thương mại, dịch vụ.

Trước mắt, thị trường cuối năm đã khởi động, đây cũng chính là cơ hội cho thương mại, dịch vụ ngoài nhà nước thể hiện vai trò của mình, với vị thế đang nắm giữ trên 90% tổng mức doanh thu toàn thành phố.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông