Tiếng rao quê giữa lòng thành phố

18:16 30/10/2008

Nội dung Có rất nhiều lý do để ngày càng nhiều nông dân rời quê lên phố kiếm cơm. Lên phố, với hành trang duy nhất là sự cần cù chịu khó, họ đành chấp nhận mưu sinh với công việc mà người thành phố không ai muốn làm, đó là nghề... mua bán rong. Và tiếng rao của người quê là một thứ âm thanh trở thành một phần trong dòng chảy hối hả nơi chốn thị thành.

Nội dung

Có rất nhiều lý do để ngày càng nhiều nông dân rời quê lên phố kiếm cơm. Lên phố, với hành trang duy nhất là sự cần cù chịu khó, họ đành chấp nhận mưu sinh với công việc mà người thành phố không ai muốn làm, đó là nghề... mua bán rong. Và tiếng rao của người quê là một thứ âm thanh trở thành một phần trong dòng chảy hối hả nơi chốn thị thành.

Những người bán rong nhọc nhằn mưu sinh
Những người bán rong nhọc nhằn mưu sinh

“Ai mua chiếu không, chiếu Thái Bình nào! Chiếu một, chiếu đôi, chiếu cói, chiếu nhựa cao cấp đây”, “Bàn là, tủ lạnh, quạt điện, ti vi hỏng bán đi”, “Bánh mỳ, bán rán, bánh đa kê đây”, rồi thì “Chai lon nhựa, đồng, nhôm bán đi”, hay là “Hoan nghênh đo chiều cao, cân nặng, đo huyết áp, thử sức kéo”… Những âm thanh này gần như đã là một phần tất yếu của cuộc sống, bởi trên mọi nẻo đường góc phố, không nơi nào, ngày nào mà thiếu đi những “điệp khúc” quen thuộc này.

Đó là chưa kể những bản nhạc lúc thì lâm ly theo kiểu “sến”, lúc thì “bốp, chát” với những kiểu nhạc trẻ, nhạc chế… của những tay hát rong, hay những âm thanh phát ra từ những chiếc loa rè của những chị bán hàng tạp hoá bằng xe đẩy… tất cả, tất cả… đã làm nên sự sôi động, nhộn nhịp của “thế giới hàng rong”.

Vào một buổi sáng mùa thu, trời hơi se lạnh, tôi cuộn tròn trong chăn mà bụng thì cứ sôi sùng sục. Nhà kề bên đang rán bánh, mùi thơm bốc lên khiến tôi không còn thể chịu được nữa… “Bánh bao đây, ai mua bánh bao nóng nào”, ôi món khoái khẩu của mình đây rồi, tôi vội bật dậy, tay mở cửa còn miệng gọi lớn: “Bánh bao ơi!”.

Tức thì tôi nghe tiếng thắng xe kít kít, một người đàn ông trạc 40 tuổi, nước da ngăm đen tươi cười: “Bánh bao hả, lấy bao nhiêu hả cháu?”. “Cho cháu hai cái” - tôi trả lời. Người đàn ông vội mở vung nồi ra, khói bốc lên nghi ngút, thơm phức đến lạ kỳ. “Bánh của cháu đây, cho chú xin 10 nghìn”. Cầm tiền từ tay tôi người đàn ông vội buông lời cảm ơn và không quên chúc tôi có được một ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ.

Tôi chưa hết ngạc nhiên bởi hành động lịch thiệp của người bán bánh bao thì anh ta đã vội đạp xe đi và lại tiếp tục tiếng rao của mình “Bánh bao đây, ai mua bánh bao nóng nào”…

Cầm chiếc bánh bao bẻ đôi, mùi thơm của thịt lợn, trứng gà, hành, mộc nhĩ bốc lên nghi ngút. Đưa lên miệng cắn một miếng, tôi cảm thấy như chưa bao giờ được ăn một thứ bánh ngon đến vậy! Không biết là do bụng đói hay vì lời chúc ngọt ngào của người bán bánh bao, chỉ biết rằng sau bữa đó, thực đơn buổi sáng của tôi là… bánh bao và tôi đã trở thành “khách ruột” của người đàn ông bán bánh bao lúc nào không hay.

Rồi dần dà, người đàn ông ấy đã không giấu thân phận của mình với tôi. Anh xuất thân từ một người nông dân ở quê lúa Thái Bình, làm bánh bao là nghề truyền thống của gia đình anh.

Để mở mang “ngành nghề”, anh quyết định cùng vợ thuê nhà ở phường Cầu Tre và bán bánh bao từ 4 năm nay. Anh cho biết, nghề làm bánh bao cũng lắm công phu, từ việc ủ men nở từ hôm trước cho đến nhào bột, làm nhân rồi hấp, nấu phải rất bài bản mới có chiếc bánh bao ngon được. Nhưng mà bánh ngon thôi chưa đủ, điều quan trọng là khi đi bán bánh mình phải có thái độ lịch sự, nhã nhặn thì mới mong lấy được lòng “thượng đế” em ạ. Triết lý này của người bán bánh bao thực sự đã làm tôi cảm phục, bởi tôi biết rằng, trong muôn màu của âm thanh cuộc sống, cái thứ âm thanh mà người ta thích nhất là “câu cảm ơn” cho dù đó chỉ là một câu nói xã giao…

“Ai mua trăng tôi bán trăng cho, trăng nằm trên cành liễu đợi chờ. Ai mua trăng tôi bán trăng cho, chẳng bán tình duyên ước hẹn hò…”, câu hát này vang lên từ chiếc loa của một chị đang đẩy chiếc xe hàng “tạp hoá” về phía chúng tôi. Thi sỹ có thể bán trăng, mua trăng, còn chị, chị bán những nhu yếu phẩm phục vụ những sinh hoạt hàng ngày của con người. Thế nhưng có mấy ai quan tâm đến xe hàng rong của chị. Và chị cứ bước đi, chiếc loa vẫn ngân lên những khúc nhạc não nề…

Có thể, trong thế giới này, nhiều người từng ngày, từng đêm vẫn nghe thấy tiếng rao của những người mua bán hàng rong nhưng chẳng mấy ai quan tâm bởi họ coi là điều bình thường của cuộc sống. Còn đối với tôi, những âm thanh tưởng như quen thuộc đó lại gợi nên nỗi nhớ quê hương…

PHAN ĐỨC TÙNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông