Tiết kiệm, hiệu quả để hướng tới sử dụng năng lượng bền vững

16:47 30/11/2018

Trong những năm qua, nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nước ta đang gia tăng mạnh mẽ kèm theo đó là thách thức to lớn về nguy cơ hủy hoại môi trường. Khi nguồn tài nguyên năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt thì vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang là một trong những vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Vừa qua, Trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn (Sở Công thương Hải Phòng) đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả điều tra khảo sát tình hình sử dụng năng lượng trong các trường học trên địa bàn thành phố. Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn Đào Sỹ Thanh xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết lý do Trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn lại chọn đối tượng điều tra khảo sát vấn đề sử dụng năng lượng là các trường học?

Ông Đào Sỹ Thanh: Căn cứ vào Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy định về y tế học đường. Do đó các trường học của ngành giáo dục là đối tượng của luật điều chỉnh.

Mặt khác, thực tiễn hiện nay làm sao để các trường học sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất nhằm tạo môi trường sạch đẹp thoải mái,bảo đảm sức khỏe cho các học sinh và giáo viên là vấn đề rất cần được quan tâm. Muốn vậy ngành giáo dục phải đưa nội dung này vào trong chương trình giảng dạy bởi việc giáo dục ý thức tiết kiệm điện cho các em học sinh là một trong những hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa ý thức tiết kiệm điện đến từng gia đình và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc tật khúc xạ của các em học sinh ngày càng gia tăng theo các cấp học. Qua tìm hiểu chúng tôi xác định được một trong những nguyên nhân cơ bản là do việc bố trí và lắp đặt các nguồn sáng hiện nay không đúng, vừa lãng phí điện, vừa gây ra các bệnh về mắt của học sinh.

Xuất phát từ những lý do trên, Trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn đã chọn các trường học là đối tượng để điều tra khảo sát tình hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để có được một bức tranh toàn cảnh về việc sử dụng năng lượng trong các trường học. Từ đó đưa ra các giải pháp cho các trường học về sử dụng chiếu sáng nói riêng và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện nói chung nhằm chống và giảm thiểu tối đa các tật khúc xạ về mắt của các học sinh hiện nay.

 

Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn Đào Sỹ Thanh

Phóng viên: Xin ông cho biết cụ thể hơn về thực trạng sử dụng năng lượng tại các trường học đã được điều tra?

Ông Đào Sỹ Thanh: Chúng tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát 372 trường học (bao gồm các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên…) trên địa bàn thành phố trong khoảng thời gian 4 tháng. Trên cơ sở số liệu thu thập được, qua tiến hành tổng hợp, phân tích, đánh giá hiện trạng chúng tôi nhận thấy: Các thiết bị tiêu tốn điện tại các trường học chủ yếu là đèn chiếu sáng. 68% nguồn sáng trong lớp học sử dụng đèn huỳnh quang, 16% sử dụng đèn sợi đốt, 7% là đèn compact, đèn led.

Qua đó cho thấy tỷ lệ sử dụng đèn dây tóc còn cao, cách bố trí đèn trong phòng học không đạt chuẩn khiến học sinh ngồi học không đủ ánh sáng như lắp đặt đèn trên quạt trần và khoảng cách chưa phù hợp từ đèn chiếu sáng tới bàn học còn quá xa... là những yếu tố này đã gây căng thẳng mắt cho học sinh.

Mặt khác, tỷ lệ đạt chuẩn chiếu sáng trong trường học đã quá ít, trong khi đó một số trường mặc dù được đầu tư tương đối hoàn chỉnh nhưng để tiết kiệm chi phí đã cắt giảm ánh sáng đèn chiếu. Ngoài ra, các trường khi thiết kế hầu như không quan tâm đến giải pháp chiếu sáng và không tận dụng được ánh sáng tự nhiên do khoảng cách chiếu sáng lớn (lớn hơn 2,8m), không được thiết kế chóa đèn, chụp hoặc lắp đặt không đúng vị trí. Những điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả giảng dạy và học tập cũng như thị lực của cả thầy và trò trong các trường hiện nay. Là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh cận thị cho học sinh.

Phóng viên: Vậy giải pháp mà trung tâm đưa ra và kế hoạch trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Đào Sỹ Thanh: Trên cơ sở phân tích kết quả điều tra khảo sát tình hình sử dụng năng lượng trong 372 trường học trên địa bàn thành phố. Chúng tôi đã đề xuất việc áp dụng mô hình phòng học sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các trường học. Các trường học sau khi áp dụng mô hình sẽ nhận biết được mức tiêu thụ năng lượng hiện tại, có ý thức sử dụng thiết bị tiết kiệm và có hiệu quả, hướng tới sử dụng năng lượng bền vững.

Sau khi hội nghị công bố kết quả điều tra này, trong năm 2018, sẽ có 13 trường được lựa chọn ứng dụng công nghệ thiết bị chiếu sáng đúng quy chuẩn. Trên cơ sở đó sẽ nhân rộng các mô hình này cho các lớp học khác trên địa bàn. Trong năm 2019, chúng tôi đang phấn đấu nhân rộng ra ít nhất cho 100 trường học trên địa bàn. Đồng thời chúng tôi đã và đang phối hợp với các trường đại học, viện hàn lâm xây dựng một đề tài khoa học về công nghệ 4.0 cho chiếu sáng học đường...

BÙI HẠNH thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông