17:19 22/10/2024 Sáng 22/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố tổ chức hội thảo khoa học “Bảo vệ nguồn nước ngọt thành phố Hải Phòng - Thực trạng, thách thức và giải pháp”. Dự hội thải có các đồng chí đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); đại diện các sở, ngành, quận, huyện, viện, trường, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố nêu rõ, việc tổ chức hội thảo nhằm tiếp thu, tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, làm cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt thành phố theo tinh thần Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2045, chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế- xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên nước tại thành phố; nhận diện các nguy cơ, thách thức trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Theo đó, do tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm về lượng, hiện tượng xâm nhập mặn đối với nguồn nước ngọt và tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các hệ thống sông, rạch, ao, hồ đang có xu hướng gia tăng và có nguy cơ báo động. Chất lượng nước nguồn thay đổi và suy giảm theo từng năm. Tình trạng suy thoái chất lượng nguồn nước diễn ra ở nhiều khu vực và đe dọa an ninh nguồn nước quốc gia, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và việc cung cấp đủ, bảo đảm chất lượng nước thô phục vụ sản xuất nước sạch sinh hoạt và các nhu cầu cấp nước phục vụ sản xuất, dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Từ những đánh giá trên, các đại biểu đề xuất, khuyến nghị các giải pháp định hướng ổn định bền vững chất lượng nguồn nước tại Hải Phòng như: Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới; triển khai các giải pháp phi công trình gồm nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước và kiểm soát xả thải; hoàn thiện chính sách, tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn nước; cải thiện chất lượng nước cấp đô thị và nông thôn, triển khai kế hoạch cấp nước an toàn; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xử lý ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt…
TÚ QUYÊN - HỮU ĐỨC
0956: Quang cảnh Hội thảo
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh