Tính khả thi trong kế hoạch hòa bình cho Ukraine của ông Trump

22:38 19/12/2024

Đề xuất của ông Trump xoay quanh một số trọng tâm: đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, trừng phạt kinh tế có điều kiện, thành lập khu phi quân sự (DMZ), gìn giữ hòa bình và tái thiết kinh tế.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine, bắt đầu từ việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và leo thang thành xung đột toàn diện vào năm 2022, đã gây ra thảm họa nhân đạo và kinh tế sâu rộng.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), ước tính, Ukraine đã chịu tổn thất nhiều hơn 500 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã đề xuất một kế hoạch đầy tham vọng nhằm chấm dứt chiến tranh, mang lại hy vọng tái thiết đất nước. Tuy nhiên, liệu kế hoạch này có thực sự khả thi?

Kế hoạch hòa bình của ông Trump

Đề xuất của ông Trump xoay quanh một số trọng tâm: đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, trừng phạt kinh tế có điều kiện, thành lập khu phi quân sự (DMZ), gìn giữ hòa bình và tái thiết kinh tế.

Ông tin rằng một cách tiếp cận thực dụng, kết hợp với kỹ năng đàm phán nổi tiếng của mình, có thể giúp chấm dứt cuộc chiến này.

Đàm phán trực tiếp: Một con đường đầy thách thức

Cốt lõi trong kế hoạch của ông Trump là tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ông cho rằng, giống như cách ông đã làm với Hiệp định Abraham tại Trung Đông, sự trung gian của Mỹ có thể phá vỡ thế bế tắc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Paris, Pháp, ngày 7/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, sự thù địch và mất lòng tin giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky là trở ngại lớn. Để đạt được tiến triển, cần có các biện pháp xây dựng lòng tin như ngừng bắn tạm thời, trao đổi tù nhân và hỗ trợ nhân đạo. Mặc dù vậy, sự ngờ vực sâu sắc giữa hai bên khiến kết quả đàm phán vẫn là dấu hỏi lớn.

Trừng phạt kinh tế: Cây gậy và củ cà rốt

Ông Trump đề xuất sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế như một công cụ mặc cả. Nga sẽ được nới lỏng trừng phạt nếu thực hiện các bước rút quân và tuân thủ ngừng bắn, nhưng sẽ đối mặt với cấm vận khắc nghiệt hơn nếu vi phạm.

Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt đã gây tổn thất lớn cho Nga, với GDP giảm 2,2% vào năm 2022. Tuy nhiên, trừng phạt chỉ có thể hiệu quả nếu được kết hợp với các giải pháp ngoại giao để giảm căng thẳng lâu dài.

Khu phi quân sự và lực lượng gìn giữ hòa bình

Ông Trump đề xuất thiết lập một khu phi quân sự (DMZ) tại các khu vực tranh chấp như Donbass, miền Đông Ukraine, lấy mô hình từ DMZ ở Triều Tiên. Khu vực này sẽ giảm nguy cơ xung đột leo thang và tạo điều kiện cho đối thoại.

Tuy nhiên, việc phân định ranh giới DMZ, nhất là khi Ukraine khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, là điều không dễ dàng. Hơn nữa, cần có lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế để giám sát khu vực này, một điều mà Nga luôn phản đối khi NATO tham gia.

Tái thiết kinh tế và độc lập năng lượng

Tổng thống đắc cử Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của tái thiết kinh tế, so sánh với Kế hoạch Marshall sau Thế chiến thứ 2. Các tổ chức quốc tế như WB và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có thể hỗ trợ xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Ukraine, nhưng điều này đòi hỏi minh bạch và trách nhiệm giải trình cao.

Binh sỹ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 trong xung đột với Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng thời, ông đề xuất thúc đẩy xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ để giảm sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga, qua đó hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Moskva.

Những thách thức và triển vọng

Kế hoạch của ông Trump dù tham vọng nhưng phải đối mặt với hàng loạt thách thức.

Thứ nhất là sự ngờ vực sâu sắc: Cả Nga và Ukraine đều không sẵn lòng nhượng bộ, đặc biệt là với các tranh chấp lãnh thổ tại Crimea và Donbas.

Thứ hai, căng thẳng địa chính trị: Sự đối đầu giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là NATO, làm phức tạp mọi nỗ lực đàm phán.

Thứ ba, khủng hoảng nhân đạo: Hơn 8 triệu người Ukraine phải di dời, tạo áp lực lớn lên các nỗ lực hòa giải.

Binh sỹ Ukraine tại khu vực giao tranh với Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc khởi đầu bằng những biện pháp nhỏ như ngừng bắn cục bộ, hành lang nhân đạo và trao đổi tù nhân có thể tạo nền tảng cho các giải pháp lâu dài.

Kế hoạch hòa bình của ông Trump là một khuôn khổ tổng thể với mục tiêu chấm dứt chiến tranh và xây dựng lại một Ukraine ổn định. Tuy nhiên, để biến lý thuyết thành hiện thực, cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các bên liên quan, cũng như hỗ trợ quốc tế không ngừng nghỉ.

Chấm dứt chiến tranh không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là trách nhiệm nhân đạo.

Hy vọng rằng, bất kể dưới hình thức nào, hòa bình sẽ sớm trở lại để Ukraine và người dân nước này có thể hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông