17:48 26/08/2018 Trong khuôn khổ chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018, sáng 22-8, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức tọa đàm “Kết nối, chia sẻ quan điểm, tầm nhìn và kinh nghiệm tiếp cận, triển khai công nghiệp 4.0 tại tỉnh Quảng Ninh”.
Tọa đàm “Kết nối, chia sẻ quan điểm, tầm nhìn và kinh nghiệm tiếp cận, triển khai công nghiệp 4.0 tại tỉnh Quảng Ninh”
Dự tọa đàm có đồng chí: Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN; về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Khách mời quốc tế là 110 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt trong và ngoài nước về các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics…
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc tọa đàm
Phát biểu khai mạc tọa đàm, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Trung ương đã tạo điều kiện để tỉnh Quảng Ninh được tiếp đón các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững, giảm dần phát triển dựa vào khai thác tài nguyên không tái tạo, nhất là than và đất; phấn đấu trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là dịch vụ, thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, nâng tầm thương hiệu và đẳng cấp quốc tế.
Trong tình hình hiện nay, khi khoa học công nghệ đang trở thành xu hướng tất yếu của thế giới và cuộc cách mạng 4.0 đang ở giai đoạn đầu, nhiều cơ hội mới đang mở ra cho đất nước cũng như cho mỗi địa phương. Tỉnh Quảng Ninh xác định cần thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập quốc tế, nhanh chóng nắm bắt xu thế mới để phát triển nhanh và bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh mong muốn, qua buổi tọa đàm, các đại biểu sẽ thống nhất phương thức để tỉnh Quảng Ninh được tiếp tục kết nối chặt chẽ với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam; qua đó, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nổi trội hơn nữa; gợi mở thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực với các nhà khoa học, các cơ sở khoa học công nghệ trong và ngoài nước.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trò chuyện với các nhà khoa học
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đánh giá cao sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua; trao đổi, hiến kế cho tỉnh về giải pháp liên quan đến phát triển Đề án chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh và Đề án xây dựng mô hình thành phố thông minh. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Du lịch thông minh; khai thác than hài hòa với các ngành, nghề khác nhằm bảo vệ môi trường; sử dụng hệ thống wifi trong thành phố thông minh; xây dựng y tế điện tử; quy trình đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong xây dựng đề án chính quyền điện tử; phát triển giao thông công cộng; xử lý nước thải đồng bộ...
Các nhà khoa học cũng dự báo, khuyến cáo với tỉnh về một số nội dung như: Đánh giá cơ cấu thu ngân sách; công nghệ mới đáp ứng nhu cầu và sự gia tăng về khách du lịch; tiếp cận nguồn nhân lực chuyên gia... Đồng thời, bày tỏ sẵn sàng hợp tác với tỉnh Quảng Ninh trong tư vấn, kết nối tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trên thế giới ở một số lĩnh vực du lịch, công nghệ, xây dựng...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng đánh giá cao những đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đối với tỉnh. Đồng chí cũng mong muốn các chuyên gia sẽ thường xuyên kết nối với tỉnh trên nhiều lĩnh vực. Thời gian tới, tỉnh sẽ mời một số chuyên gia, nhà khoa học sớm trở lại tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ của tỉnh.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, Quảng Ninh là địa phương tạo nhiều cảm hứng để các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, phát huy trí tuệ của mình. Với tinh thần cầu tiến, quyết liệt, tỉnh đã tạo ra sự đột phá rất lớn trên nhiều ngành, lĩnh vực, trở thành điểm sáng trong phát triển KT-XH. Đồng chí cũng lưu ý với tỉnh, phải xác định rõ mục tiêu trong phát triển công nghiệp 4.0 để khi ứng dụng phù hợp với thực tiễn, kêu gọi được các nguồn lực, là động lực để thúc đẩy phát triển; tránh đầu tư ồ ạt, không trọng tâm, lãng phí...
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cảm ơn đồng thời đánh giá cao những ý kiến mà các nhà khoa học đã đóng góp tại buổi tọa đàm cũng như những tâm huyết mà các nhà khoa học đã dành cho tỉnh. Đồng chí khẳng định, đây là những ý kiến rất xác đáng và tỉnh Quảng Ninh sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu. Sau buổi tọa đàm, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học trên nhiều phương diện. Qua đó, giúp tỉnh tiếp cận một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất với nền công nghiệp 4.0, tạo động lực để tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Tại buổi tọa đàm, một số nhà khoa học tiêu biểu đã cho ý kiến tại buổi tọa đàm trong việc tiếp cận, tận dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tại Quảng Ninh:
TS Nguyễn Hữu Hoàng, Đại học California (Mỹ): “Nguồn nhân lực đóng vai trò nòng cốt”
Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang bùng nổ, tôi rất ấn tượng với thành công và sự quyết tâm cao của Quảng Ninh trong Đề án xây dựng “Chính quyền điện tử”. Tuy nhiên, trong 6 trục năng lực cốt lõi của mô hình chính quyền điện tử là: Công nghệ - Quy trình nghiệp vụ - Con người - Chiến lược - Tổ chức và chính sách, tỉnh nên đặt yếu tố “Con người” làm mục tiêu hàng đầu.
Bởi lẽ hiện nay, đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin của tỉnh còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, cuộc cách mạng 4.0 muốn thành công thì bắt buộc phải có đội ngũ nhân tài trí thức trong lĩnh vực KH-CN làm nòng cốt, thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng.
PGS.TS Hồ Anh Văn, Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản: “Phải sáng tạo và đổi mới”
Qua tìm hiểu về sự phát triển KHCN của tỉnh, tôi nhận thấy, một số ngành của Quảng Ninh “vừa thừa, vừa yếu”. Ngay như trong ngành Than, một ngành công nghiệp nặng đóng vai trò quan trọng của tỉnh, nhưng suốt nhiều năm qua vẫn chưa có sự đầu tư bài bản về KHCN. Trong khi đó, ngành Than với vai trò đầu tàu có thể lôi kéo các công ty vừa và nhỏ phát triển. Hay như với mục tiêu tạo lập mô hình thành phố thông minh, tôi nhận thấy chưa có lộ trình cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, tỉnh cần có thêm các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài. Chỉ khi kết nối được nguồn lực trí tuệ của các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài thì chúng ta mới tạo lập được một mạng lưới sáng tạo và đổi mới. Riêng bản thân tôi là một người con của tỉnh Quảng Ninh, tôi rất sẵn lòng cùng doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo cao trong lĩnh vực KHCN mà tôi đang theo đuổi.
PGS.TS Trần Thị Như Hoa, Giảng viên Trường ĐH Gachon Univercity (Hàn Quốc): “Mạng lưới y tế cần xây dựng được nguồn dữ liệu chuẩn”
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế Quảng Ninh đã có những bước tiến rất lớn. Đơn cử như năm 2018, Bệnh viên Đa khoa tỉnh đã xếp thứ 4 cả nước về cải tiến chất lượng bệnh viện. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa, ngành Y tế tỉnh cần chú ý hơn nữa trong công nghệ chuyển giao các kỹ thuật cao từ các chuyên gia Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài để áp dụng vào tỉnh mình.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu lớn về bệnh nhân. Như tại Hàn Quốc, riêng về các bệnh ung thư, cơ sở dữ liệu thống kê lên tới 80.000 bệnh nhân. Đây là nguồn dữ liệu khổng lồ và rất quan trọng để áp dụng vào các thiết bị hiện đại, từ đó có những dữ liệu chuẩn để chẩn đoán chính xác bệnh ngay trong từng giai đoạn I, II và III.
GS Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm công nghệ nước tại Đại học Công nghệ Sydney (Australia): "Mặt bằng KHCN của Quảng Ninh đang có bước phát triển rất tốt"
Những kết quả bước đầu trong việc tiếp nhận, triển khai cuộc CMCN 4.0 tại Quảng Ninh cho thấy mặt bằng KHCN của tỉnh đang tương tự với những nước phát triển chứ không phải những nước đang phát triển nữa.
Theo đó, để phù hợp với bước đi của các đô thị thông minh đã thành công trên thế giới, Quảng Ninh nên sử dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 để tận dụng thế mạnh, tiềm năng sẵn có. Đơn cử như TP Hạ Long, với lợi thế địa hình là một thành phố trải dài theo bờ biển, Hạ Long có thể phát triển loại hình bến phà công cộng và áp dụng công nghệ 4.0 bằng cách đưa thông tin thời gian đến - thời gian đi cho người sử dụng. Thay vì phải đến trước 10 phút thì hành khách chỉ cần đến trước khoảng 3 phút.
Mặt khác, trước khi trở thành một thành phố thông minh, Hạ Long nên trở thành một thành phố đáng sống. Vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu thêm về triển khai công nghệ hồ chứa nước trên biển và công nghệ xử lý nước thải, rác thải...
TS Nguyễn Vinh Chương, Viện Nghiên cứu Quốc gia Australia: "Quảng Ninh đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn"
Việc Quảng Ninh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chương trình Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam ngay sau khi TP Hà Nội tổ chức cho thấy, quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh. Qua đó sẽ tạo cho Quảng Ninh nhiều sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh rất lớn trong cuộc CMCN 4.0.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra, tôi nhận thấy tỉnh vẫn thiếu một trường đại học chuyên ngành về KHCN. Để khắc phục vấn đề này, trước mắt tỉnh có thể kết hợp với các tài năng, trí tuệ Việt Nam và nước ngoài trên toàn thế giới. Sự hợp lực của hai bên sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, giúp Quảng Ninh tiếp tục là địa phương tiên phong, đi đầu cả nước trong lĩnh vực này.
Hải Hậu
(Theo Báo Quảng Ninh)
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh