22:54 10/08/2023 Chiều 10-8, đồng chí Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố tham dự Toạ đàm xây dựng hệ sinh thái phát triển ngành da giày tại thành phố Hải Phòng do Sở Công thương phối hợp với Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công thương tổ chức. Dự Tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công thương; các chuyên gia Kinh tế và Phát triển bền vững; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng; lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường cho biết, Ngành Công nghiệp da giày Hải Phòng là một trong những ngành công nghiệp đóng góp lớn cho nền kinh tế, đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn của thành phố. Đây là một trong các ngành công nghiệp truyền thống, được xác định là nhóm sản phẩm mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 10 đến 15%.
Hải Phòng từng được coi là “Thủ đô của Ngành công nghiệp giày dép”, luôn tiên phong, đứng đầu cả nước về phát triển ngành da giày cũng như kêu gọi đầu tư FDI, với các tổ hợp sản xuất giày dép và sản phẩm được tái lập bằng yếu tố đầu tư nước ngoài.
Năm 2022, số lượng doanh nghiệp sản xuất của ngành công nghiệp da giày dao động từ 130 doanh nghiệp đến 163 doanh nghiệp; số lượng lao động làm việc trong ngành khoảng trên 60 nghìn lao động. Chỉ số sản xuất có sự tăng trưởng vượt bậc 14,43%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 17 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD…
Tuy nhiên, Ngành Công nghiệp da giày Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: sản xuất theo phương thức gia công là chủ yếu, khâu thiết kế còn yếu và chưa được thị trường nước ngoài chấp nhận với định vị thương hiệu Việt Nam; còn thiếu lao động kỹ thuật được đào tạo chuyên sâu; trình độ công nghệ vẫn thấp so với các quốc gia sản xuất Ngành da giày trong khu vực; các sản phẩm hàng da giày còn ít chủng loại, mẫu mã còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ; cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Da giày vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế...
Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu duy trì, phát triển hiệu quả, bền vững ngành da giày thành phố Hải Phòng theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; có vai trò quan trọng trong chiến lược xuất khẩu hàng hóa của thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Tại chương trình, các đại biểu đã lắng nghe thông tin về thực trạng phát triển ngành da giày của thành phố Hải Phòng trong những năm gần đây; định hướng và giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); lắng nghe các chuyên gia, diễn giả chia sẻ các giải pháp xây dựng hệ sinh thái ngành da giày tập trung vào những nội dung: Các thị trường FTA tiềm năng của Việt Nam và những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp; việc tận dụng FTA của ngành da giày Hải Phòng; cách tận dụng hiệu quả các FTA bền vững (công nghệ, vốn và nhân lực) hướng đến xây dựng thương hiệu tầm cỡ khu vực và thế giới…
LIÊM ĐOÀN
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh