14:26 12/01/2022 Sáng 12-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ, do Bộ Nội vụ tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2021, Bộ, ngành Nội vụ luôn bám sát định hướng, quan điểm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chủ động tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Chính phủ đối với các nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trong đó đã tham mưu Hội đồng bầu cử Quốc gia và Chính phủ, phối hợp cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, ngành, địa phương. Nhờ đó cả nước giảm 7 tổ chức tổ chức chuyên môn cấp tỉnh, 1.648 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở; giảm 451 phòng chuyên môn thuộc cấp huyện; giai đoạn 2019-2021 đã giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Bên cạnh đó, Ngành Nội vụ cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm biên chế công chức và số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị; đồng thời tham mưu để cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương để bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp theo yêu cầu của Quốc hội.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đã chủ động rà soát, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức được dư luận đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, qua đó tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Hiện, 100% các cơ quan hành chính đã tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử và áp dụng đồng bộ công cụ theo dõi, đánh giá mới phục vụ kịp thời công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng thực chất, biểu dương, khen thưởng, suy tôn, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, tạo động lực cho phát triển. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được chú trọng, tăng cường, hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật và gắn bó với dân tộc.
Năm 2022, ngành Nội vụ đề ra phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả”, khắc phục những điểm nghẽn, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, tranh thủ thời cơ, phấn đấu thực hiện thắng lợi các lĩnh vực công tác của toàn ngành. Theo đó, ngành Nội vụ và Bộ Nội vụ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức nhất là xây dựng và hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu nêu nhiều vấn đề mà ngành Nội vụ và Bộ Nội vụ cần tập trung thực hiện như: vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; cải cách hành chính nhà nước; đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; về đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Nội vụ đã đạt được trong năm 2021, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại và hạn chế của ngành Nội vụ như công tác xây dựng thể chế, chính sách có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu đề ra, song chưa gắn kết chặt chẽ với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, sự nghiệp công lập.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị và xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh; tham mưu để việc sắp xếp con người, bố trí bộ máy linh hoạt, phù hợp với tình hình. Bên cạnh đó, Ngành nội vụ cần tập trung cho đột phá chiến lược về thể chế, rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hệ thống thể chế, chính sách phù hợp yêu cầu phát triển và quản trị của nền hành chính nhà nước các cấp nhất là tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Thủ tướng cũng lưu ý toàn ngành Nội vụ cần hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, giao thoa, bỏ sót nhiệm vụ giữa cơ quan, tổ chức, gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và kiểm soát quyền lực chặt chẽ; thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính; tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ; đẩy nhanh việc chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương nhằm xây dựng Chính phủ số, chính quyền số gắn với phát triển mạnh kinh tế số, xã hội số...
Thái Bình
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh