21:12 28/02/2017 Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Kiến Quốc
Kỳ 1 - Chợ đầu mối thủy sản Kiến Quốc
Theo chân Đoàn công tác của Quốc hội giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm tại Hải Phòng, chúng tôi đến với chợ đầu mối hải sản Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) lúc nửa đêm. Dù trời có mưa nặng hạt và gió lạnh, song cảnh buôn bán vẫn nhộn nhịp, tấp nập. Thủy hải sản đủ chủng loại, ô tô chở hàng vào ra liên tục. Chợ tự phát có tuổi trên 13 năm Vì là lần đầu tiên tới chợ đêm Kiến Quốc, chúng tôi không khỏi bất ngờ về quy mô của một trong những chợ đầu mối thủy sản lớn nhất thành phố. Khi thành phố đã vào đêm, nơi đây hàng trăm lượt xe chuyên chở hàng hóa chen chúc đến rồi đi. Người đi chợ thì đếm không xuể, hàng nghìn người đến đây mỗi đêm. Ông Đào Xuân Lập, Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc cho biết, chợ đầu mối thủy sản Kiến Quốc hình thành từ năm 2004. Trên cơ sở một số hộ dân tự phát buôn bán thủy hải sản (ở thôn 4), sau mở rộng dần ra và có quy mô lớn như bây giờ. Nơi đây bình thường tập trung khoảng 300 lao động (thu nhập bình quân 400.000/người/đêm). Họ làm đủ thứ việc từ mua bán, vận chuyển, bốc xếp, phục vụ ăn uống, trông xe, trông hàng... Kiến Quốc còn được xem là chợ đầu mối hàng thuỷ sản lớn nhất vùng, mỗi ngày có từ 10-15 tấn tôm, cá, cua, cáy và các loại thủy sản khác, đáp ứng yêu cầu mua bán của nhân dân địa phương, các huyện lân cận, nội thành Hải Phòng, kể cả các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội... cũng qua đây lấy hàng. Không chỉ người dân ở Kiến Quốc, nhiều thương lái đến từ các vùng khác vẫn tự hào về chợ đầu mối thủy sản này. Hàng hóa ở đây không chỉ tươi, ngon mà giá cả rất phù hợp. Bởi thế, các bà nội trợ quanh đây vẫn chịu khó dậy sớm đi chợ đêm để vừa cải thiện bữa ăn gia đình, vừa tiết kiệm chi phí. Một bộ phận người dân khác thì đi chợ đêm Kiến Quốc không chỉ để mua sắm mà còn thỏa mãn cái thú ngắm cảnh người bán mua, ngắm những con hải sản tươi sống quẩy tứ tung. Cũng theo ông Lập, chợ Kiến Quốc có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của xã. Đây không chỉ là chợ đầu mối để ngư dân và cả nông dân (vì ngoài thủy hải sản, chợ Kiến Quốc cũng là đầu mối hàng nông sản lớn) tiêu thụ sản phẩm làm ra, mang lại thu nhập ổn định, mà còn mang văn hóa đặc trưng rất riêng ở Kiến Quốc... Lấy đêm làm ngày Hơn 2 giờ sáng, chợ bắt đầu vãn, chúng tôi đã thấy rất nhiều người buôn bán đã mua xong hàng, cất lên xe máy chuẩn bị về đưa đi bỏ mối hoặc bán lẻ tại các chợ nội thành hoặc chợ lân cận. Để có mặt ở đây lấy hàng về kịp cho buổi chợ sáng, thường thì họ chẳng được ngủ đêm. Chín mười giờ tối đã phải lộc cộc chạy xe máy sang lấy hàng, lúc về đến nơi trời cũng tảng sáng. Đáng nói là những công việc khá nặng nhọc này phần lớn là phụ nữ đảm nhiệm. Chị Xoan - một người bán thủy sản ở chợ Lương Văn Can (quận Ngô Quyền) - đã hơn chục năm nay gắn bó với chợ Kiến Quốc.
Cũng chừng ấy năm, chị trắng đêm cùng những buổi chợ. Mỗi ngày, người phụ nữ này phải đi xe máy khoảng 40 km xuống chợ đầu mối Kiến Quốc lấy hàng, rồi đưa về thành phố, vừa bỏ mối cho một số chị em trong chợ Lương Văn Can, vừa tự mình ngồi bán lẻ. Những ngày thời tiết thuận lợi còn đỡ vất vả, những đêm trời mưa gió, một mình đi về với 2 thùng hàng nặng trĩu, mệt bởi hơi tai, có hôm còn bị ngã, cá tôm bắn tung tóe ra đường, bữa đó coi như lỗ nặng. Chị Xoan tâm sự: “Những người buôn bán nhỏ lẻ như chúng tôi vất vả để kiếm được đồng lãi là chuyện thường tình, cũng quen rồi. Quan trọng đến chợ Kiến Quốc có mối hàng quen nên công việc kinh doanh cũng trôi chảy. Sắp tới, vợ chồng tôi dự tính vay mượn thêm để mua một chiếc xe tải nhỏ, tới đây lấy hàng bỏ lại cho một số tiểu thương ở các chợ trong thành phố, lãi ít hơn nhưng còn có thời gian nghỉ ngơi, không như hiện nay mỗi ngày ngủ được 3-4 tiếng thì tổn thọ lắm”. Tâm sự với ông Thanh - một trong những người bán buôn lớn ở chợ đầu mối Kiến Quốc - chúng tôi càng thấy được nỗi vất vả của những người lấy đêm làm ngày ở đây. Giữa cái se lạnh cuối xuân, ông Thanh vẫn đánh trần thoăn thoắt nhặt tôm, chia cá thành từng thùng, sọt để chờ người đến lấy. Ông Thanh kể: Mấy năm trước làm nông không đủ ăn, vợ chồng mới quyết định đổi nghề đi buôn thủy sản. Với chiếc xe máy cà tàng, hai vợ chồng lân la các đầm nuôi thủy sản, ra tận các cảng cá lấy hàng về chợ Kiến Quốc bán. Những buổi đầu vì chưa quen nên toàn bị lỗ, lắm khi bị ế ươn thối cả ra, phải mang về cho lợn, sau dần có kinh nghiệm mới có lãi. Hơn 10 năm thức đêm cùng chợ Kiến Quốc, vợ chồng ông Thanh giờ đã là chủ một sạp thủy sản lớn, không cần phải bươn chải đi lấy hàng mà đã có ô tô đến bỏ mối, ông còn có cả xe tải để chở thủy sản đi giao cho một số chợ các quận nội thành, thu nhập vì thế cũng khá... Phải nói rằng, đằng sau nỗi vất vả của hàng trăm con người mưu sinh tại chợ đêm Kiến Quốc là cuộc sống gia đình sung túc, con cái được học hành, thành đạt. Đó là phần thưởng vô giá của những người từng đêm thức trọn cùng cá, tôm, thủy hải sản. Từ đây, những thực phẩm tươi sống tỏa đi muôn nơi, phục vụ nhu cầu ẩm thực phong phú của nhân dân thành phố. Và những điều trăn trở “Mặc dù là chợ đầu mối thủy sản lớn của thành phố, song Kiến Quốc thực tế vẫn đang là chợ tự phát nên việc quản lý chưa đi vào quy củ. Nguồn hàng tại chợ, từ người bán, người mua cho đến lãnh đạo xã, thôn chưa thể nắm rõ được nguồn gốc, công tác quản lý an toàn thực phẩm nói chung chưa sâu sát. Thế nên địa phương cũng rất muốn huyện Kiến Thụy cũng như thành phố Hải Phòng cần có quy hoạch lại chợ sát với điều kiện thực tế địa phương cũng như nhu cầu kinh doanh của các tiểu thương. Kế nữa là có các giải pháp xử lý vệ sinh môi trường, nhất là rác thải, nước thải thường gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân xung quanh chợ” - Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc Đoàn Xuân Lập chia sẻ. Còn theo bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm tại Hải Phòng, thời gian qua vấn đề an toàn thực phẩm luôn luôn nóng, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tục, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng, thậm chí nhiều người dân đi chợ không biết mua gì, ăn gì cho an toàn. Thế nên, bà Hải mong muốn bà con tiểu thương chợ Kiến Quốc lấy hàng phải hiểu rõ nguồn gốc, bảo đảm sạch, tươi sống, công tác bảo quản sản phẩm tuyệt đối không dùng hóa chất. Nói rộng ra, thành phố cần sớm rà soát, kiểm tra và xử lý những hạn chế trong thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, thanh tra công vụ nhằm kiểm soát chặt hơn các vi phạm, sớm ngăn chặn các nguy cơ liên quan đến an toàn thực phẩm. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành khi để xảy ra vi phạm tại địa bàn mình quản lý cũng cần được quan tâm hơn... (Còn nữa) ĐỨC TÙNG |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết