13:48 26/08/2024
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) vừa ban hành Công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025. Trong đó, Bộ nêu rõ, tránh sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa trong các đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn. Quy định này sẽ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong dạy và học; đồng thời rèn luyện tư duy, thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh.
Hạn chế rập khuôn trong dạy và học
Bước vào năm học 2024 - 2025, để nâng cao hiệu quả giáo dục, Bộ GD - ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, trước tiên cần đánh giá đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Trong đó lưu ý cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Đặc biệt, đối với môn Ngữ văn, Bộ chỉ đạo rõ: “Tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Trước thông tin này, em Phạm Hà Anh, học sinh lớp 10, Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: Năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, thời điểm em học lớp 8, 9 đã được các thầy, cô giáo hướng dẫn học tập và tiếp cận với các bài kiểm tra có ngữ liệu mở rộng ngoài sách giáo khoa. Bởi vậy, các em đã có thời gian làm quen với hình thức kiểm tra mới qua các đợt đánh giá năng lực trên lớp và gần nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Em nhận thấy với định hướng của Bộ GD - ĐT, mỗi học sinh sẽ phải nêu cao ý thức học tập nghiêm túc hơn nữa, thoát ly khỏi văn mẫu, cũng như chịu khó tìm đọc các tác phẩm văn chương ngoài sách giáo khoa để tích luỹ thêm vốn từ vựng, kỹ năng đọc - hiểu văn bản mới.
Với phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực mới, để học sinh không gặp khó khăn trong việc phân tích ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, giáo viên cần cung cấp cho học sinh cách nắm được đặc trưng của từng thể loại để không bị bỡ ngỡ khi gặp bất cứ tác phẩm mới nào.
Chia sẻ về phương pháp dạy và học theo định hướng của Bộ GD - ĐT, cô Nguyễn Thị Hoài Thu, Tổ trưởng tổ Văn, Sử, Địa, Trường THPT Quang Trung cho biết: Các phương pháp “đóng vai”, “sân khấu hoá”, “viết tích cực” thường được cô áp dụng trong nhiều bài giảng. Đây là cách tiếp cận kiến thức được học sinh hưởng ứng nhiệt tình và vô cùng thích thú vì các em có cơ hội phát huy năng khiếu, sở trường cá nhân.
Để hoá thân vào nhân vật, hay đóng vai tác giả, chuyên gia văn học, các em phải dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nội dung tác phẩm, sau đó tự cảm nhận, chắt lọc từ ngữ, các câu then chốt để trình bày và viết ra những suy nghĩ của bản thân.
Cùng với đó, cô Thu khuyến khích các em viết văn thật tự nhiên, phân tích các tác phẩm qua “góc nhìn”, quan điểm cá nhân của học trò, không câu nệ khuôn mẫu nào đó.
Với mong muốn mỗi học sinh hình thành kỹ năng cảm thụ văn học, tránh học tủ hay lúng túng trước những tác phẩm mới, từ mỗi câu chuyện, văn bản đã dạy, cô Thu đều tìm cách liên hệ, xâu chuỗi với câu chuyện thực tế để học sinh rút ra bài học về sự tích cực, tinh thần nhân văn của văn chương.
Được biết, nhằm phát huy năng lực, phẩm chất, sáng tạo của học sinh theo định hướng đánh giá chất lượng giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, nhiều năm trở lại đây, các giáo viên tích cực trau dồi năng lực chuyên môn để đổi mới phương pháp giảng dạy, dẫn dắt học sinh phát huy tính tích cực, chủ động trong việc tiếp cận tác phẩm văn chương.
Ngay sau khi các em học xong một thể loại văn học, thầy, cô chú trọng luyện tập cho học sinh cách vận dụng đọc, hiểu các văn bản ngoài sách giáo khoa. Đặc biệt, quan tâm yêu cầu dạy đọc theo đặc trưng thể loại.
Chọn ngữ liệu kiểm tra phù hợp
Theo chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố, yêu cầu tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu cho đề thi môn Ngữ văn đã được Bộ GD - ĐT chỉ đạo thực hiện từ năm học 2022 - 2023 tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD - ĐT.
Chỉ đạo này cũng phù hợp với nhu cầu thực tiễn và đúng với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Tuy nhiên, với thời gian thi môn Văn 120 phút như hiện nay, thì việc chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cần phù hợp về nội dung, độ ngắn - dài để học sinh thuận lợi khi tiếp cận, đọc hiểu.
Thầy Vũ Trọng Tài, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho rằng: Với chỉ đạo này của Bộ GD - ĐT, trong quá trình tổ chức các kì thi, người ra đề không còn bị bó hẹp phạm vi ngữ liệu, nội dung câu hỏi có thể đa dạng hơn. Đồng thời, thực tế cho thấy, học sinh sẽ cảm thụ văn chương tốt hơn khi hiểu rõ về tác giả và bối cảnh ra đời tác phẩm.
Bởi vậy, đối với việc lựa chọn ngữ liệu môn Văn trong các đợt kiểm tra trong nhà trường, giáo viên có thể sử dụng tác phẩm thơ, truyện ngắn có trong chương trình sách giáo khoa, nhưng mở rộng ra những đoạn trích khác, không phải những phân đoạn các em đã được học. Điều đó sẽ giúp các em có ý thức tìm hiểu sâu sắc các tác phẩm, phát huy văn hoá đọc.
Cùng trao đổi vấn đề trên, các giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn bày tỏ: Việc chọn ngữ liệu đưa vào đề kiểm tra cần bảo đảm về chất lượng, phù hợp với học sinh và mức độ tiếp cận của các em. Các ngữ liệu phải được lấy từ văn bản chính thống, của những nhà xuất bản uy tín.
Bởi nếu ngữ liệu có yếu tố phản cảm, xa rời thực tế hoặc không mang ý nghĩa đánh giá các năng lực của học sinh sẽ gây ra dư luận xã hội không tốt. Do vậy, ngữ liệu trong kiểm tra, đánh giá năng lực môn Ngữ văn phải hướng đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và bồi đắp giá trị sống tốt đẹp cho học sinh.
LINH ANH
10:41 22/12/2024
14:10 20/12/2024
17:36 19/12/2024
18:52 18/12/2024
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế