10:17 18/11/2023 Sáng 17-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại 62 Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với khoảng 160 đại biểu tham dự tại điểm cầu chính và gần 1.500 đại biểu tham dự tại các điểm cầu.
Dự tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố; các vị đại biểu Quốc hội; lãnh đạo một số ban, ngành liên quan…
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giám sát
Các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định, việc tổ chức hội nghị có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, góp phần tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa trong hoạt động của cơ quan dân cử từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp.
Đại diện các cơ quan của Quốc hội; Chính phủ; các ban, ngành, địa phương cũng nêu nhiều đề xuất, kiến nghị quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong thời gian tới.
Theo đó, đề nghị Quốc hội sớm tổng kết và xem xét sửa đổi, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới, trong đó, đề nghị nghiên cứu cụ thể hóa hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhất là việc thực hiện các công việc giữa 2 kỳ họp của HĐND.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vào một số lĩnh vực như: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.
Một số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổng hợp các kiến nghị sau giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội để chuyển đến các Bộ, ngành hữu quan xem xét giải quyết, có ý kiến trả lời cho địa phương; tiếp tục quan tâm cho công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đại biểu Quốc hội về quy trình giám sát, cách thức tổ chức giám sát, cách lựa chọn vấn đề giám sát; chọn lựa chuyên gia, hướng dẫn rõ hơn về cơ chế và quy định về thẩm quyền, chi phí cho chuyên gia…
Đồng thời đề nghị cần tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương; nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, thẩm tra, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước.
Giám sát thực chất, hiệu quả
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là hội nghị lần thứ 3 trong nhiệm kỳ về triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và nhấn mạnh, cách thức tổ chức hội nghị như vậy cho thấy hiệu quả cao, từ đó thống nhất được nhận thức và hành động để kết quả giám sát ngày càng tốt hơn; hiệu lực, hiệu quả các hình thức, phương thức giám sát của Quốc hội được tăng cường.
Đáng chú ý là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cố gắng rất lớn, cương quyết làm và có kết quả. Các đại biểu chất vấn và tranh luận sôi động và thực chất. Việc lựa chọn chủ đề chất vấn, cũng như việc tìm tòi để đổi mới công tác chất vấn ngày càng được quan tâm và có những hiệu quả cụ thể.
Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong tổ chức giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đó tạo ra chuyển biến rất lớn và cùng với Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai giám sát chuyên đề.Hoạt động tái giám sát được quan tâm nhiều hơn, theo đến cùng các vấn đề.
Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo cử tri và nhân dân, thực hiện đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; được tiến hành cẩn trọng, chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND ngày càng được phát huy mạnh mẽ, hiệu quả rõ rệt. Nhiều đại biểu cho biết, đã có một làn sóng tươi mới và một khí thế cũng như kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, HĐND các cấp, trong đó nổi lên là hoạt động giám sát khá đồng đều.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong công tác giám sát như xác định trách nhiệm trong giám sát, còn tình trạng nể nang, né tránh; hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội chưa có nhiều đổi mới và chưa có những kết quả nổi bật; công tác phối hợp cơ bản tốt nhưng vẫn còn những lúc vướng mắc khó khăn; giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và nhất là của đại biểu Quốc hội chưa có nhiều.
Nhất mạnh bối cảnh của năm 2024 là năm chuẩn bị cho đại hội các cấp, tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, do đó công tác phối hợp phải hết sức cân nhắc để vừa đạt được yêu cầu mục tiêu giám sát, vừa đỡ ảnh hưởng đến địa phương, cơ sở.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một số trọng điểm trong hoạt động giám sát của năm 2024. Theo đó, tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Các Đoàn giám sát chuyên đề cần tận dụng tối đa các tài liệu hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung là liên quan đến vấn đề giám sát, nhất là những nội dung mà trong quá trình thảo luận để thông qua các luật sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này hoặc là tại kỳ họp. Tập trung vào giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nhất là khâu tổ chức thực thi để luật và các chủ trương đi vào cuộc sống và thực hiện nghiêm.
Đối với các hình thức giám sát khác, tiếp tục nghiên cứu cách thiết tiến hành chất vấn tại các kỳ họp và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; làm tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về thẩm tra các báo cáo phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, trên cơ sở sử dụng tối đa các hoạt động giám sát thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các nguồn thông tin, tài liệu khác.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải sớm báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục công tác tổng rà soát theo Nghị quyết 101/2023/QH15; đặc biệt tập trung vào việc cải cách hành chính, nhất là về thủ tục hành chính.
Đặc biệt, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội; chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội; tăng cường hoạt động của công tác phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hệ thống chính trị ở địa phương.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Do đó, hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. Do đó, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung được xác định là một trong các khâu trọng tâm then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với nhiều nội dung giám sát, yêu cầu cụ thể hơn trong việc tổ chức thực hiện đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội
Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề:“Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7) và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 2 chuyên đề giám sát: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Hồng Thanh
08:20 09/01/2025
15:07 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh