Trung tâm Điều khiển dữ liệu quan trắc môi trường: Quản lý mới chỉ "phần ngọn"?!

14:36 19/07/2018

Kịp thời cảnh báo nguy cơ, sự cố gây ô nhiễm môi trường, hạn chế cao nhất rủi ro có thể xảy ra, đó là mục tiêu Dự án xây dựng Trung tâm Điều khiển, tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường và các trạm quan trắc môi trường tự động hướng tới. Tuy vậy, đến nay với chỉ vài chục chiếc màn hình ti vi, hệ thống kết nối, tiếp nhận thiếu đồng bộ thì dự án mới dừng ở quản lý “phần ngọn” và chưa thực sự là công cụ hữu hiệu, đủ mạnh khiến các doanh nghiệp tâm phục, khẩu phục.

                                                                   Nước thải là nguồn thải được giám sát chặt chẽ

Theo số liệu điều tra khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn thành phố có 124 cơ sở sản xuất phát sinh 162 nguồn thải lưu lượng lớn là khí thải và nước thải, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất điện năng, xi măng, cơ khí, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón, chế biến thực phẩm, giầy da, may mặc, y tế...

Với lưu lượng nguồn thải như trên thì công tác quan trắc, giám sát tự động chất lượng môi trường là rất cần thiết và dự án Xây dựng Trung tâm điều khiển, tích hợp dữ liệu quan trắc môi trườngcác trạm quan trắc môi trường tự động đã ra đời (gọi tắt là TTĐK).

Dự án nhằm cung cấp thông tin chính xác về hiện trạng và diễn biến môi trường của thành phố Hải Phòng, từ đó cung cấp cơ sở dữ liệu tin cậy cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Đồng thời, lập báo cáo hiện trạng môi trường thường niên và 5 năm, đưa ra những dự báo và cảnh báo kịp thời về tình hình diễn biến môi trường để các cơ quan quản lý kịp thời có biện pháp ứng phó và phòng chống hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.

Trung tâm điều khiển tích hợp dữ liệu mới chỉ quản lý “phần ngọn”

Theo ông Đàm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường, đơn vị chủ trì thực hiện dự án thì đến thời điểm hiện tại Trung tâm điều khiển, tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường bước đầu tiếp nhận được hình ảnh giám sát của 33 doanh nghiệp với 52 camera giám sát nguồn thải (30 nguồn thải lỏng và 22 nguồn thải khí), đã có 10 đơn vị dẫn truyền dữ liệu quan trắc tự động sẵn có của chủ nguồn thải về TTĐK và 28 công tơ điện của 11 chủ nguồn thải cũng truyền dữ liệu giám sát từ xa về hệ thống xử lý môi trường của Sở.

Qua quan sát trên hình ảnh camera giám sát, phát hiện nguồn thải lỏng hoặc nguồn thải khí có những dấu hiệu bất thường như màu sắc của nước thải, màu sắc của khí thải…, bộ phận vận hành TTĐK đã thông báo ngay cho chủ nguồn thải biết hiện trạng đang phát thải của cơ sở để chủ nguồn thải kịp thời ngừng xả thải và kiểm tra việc vận hành các công trình xử lý môi trường đảm bảo xả thải đạt quy chuẩn ra môi trường.

Đơn cử, ngày 5-3-2018, qua quan sát trên hình ảnh camera giám sát nguồn thải lỏng của KCN Đồ Sơn, nhận thấy màu nước thải tại điểm xả thải có màu vàng đỏ, bộ phận vận hành TTĐK đã trao đổi điện thoại với chủ nguồn thải yêu cầu dừng việc xả thải nước thải của KCN ra môi trường và tuần hoàn trở lại hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.

Tiếp đến, ngày 6-3-2018, qua quan sát thấy ống khói Công ty Liên doanh thép VOSCO có màu đen đậm đặc, bộ phận vận hành TTĐK đã trao đổi điện thoại với chủ nguồn thải yêu cầu dừng việc xả khí thải ra môi trường và kiểm tra lại việc vận hành hệ thống xử lý khí thải của cơ sở.

Tới ngày 27-3-2018, qua theo dõi kết quả quan trắc tự động truyền về từ trạm xử lý nước thải tập trung KCN Nomura, bộ phận vận hành TTĐK nhận thấy kết quả pH có giá trị dao động 5,7-5,8 gần dưới ngưỡng QCVN cho phép; yêu cầu chủ nguồn thải kiểm tra việc vận hành hệ thống xử lý nước thải….

Tuy nhiên việc triển khai vẫn còn tồn tại vướng mắc như số liệu thu nhận được thường xuyên bị gián đoạn từ các lý do về đường truyền internet; số liệu quan trắc tự động nhận được từ các chủ nguồn thải không có độ tin cậy cao do công tác kiểm chuẩn và hiệu chuẩn thiết bị của các chủ nguồn thải chưa được thực hiện nghiêm túc; mức độ bảo mật các số liệu tiếp nhận không cao.

Trong khi đó, phần mềm giám sát dữ liệu đang được đơn vị tư vấn hoàn thiện, nên việc theo dõi giám sát toàn bộ dữ liệu được truyền về từ các chủ nguồn thải còn nhiều bất cập. Tiếp đó, bộ phận đang thực hiện nhiệm vụ theo dõi, cập nhật thông tin từ TTĐK là kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên ngành về công nghệ thông tin.

Những hạn chế trên đã dẫn đến việc quản lý mới được “phần ngọn” và cơ quan chuyên môn mong thành phố tạo điều kiện hoàn thiện TTĐK nhằm tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa việc xả thải ô nhiễm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ra môi trường.

 Kim Oanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông