Trường nghề và nguy cơ “đóng cửa”

    08:11 10/08/2017

    Hải Phòng là địa phương thuộc tốp đầu cả nước về số lượng các cơ sở đào tạo nghề song không ít trường nghề đang có nguy cơ phải “đóng cửa” do rơi vào trình trạng “thừa thầy - thiếu trò”...

     “Vắng bóng” người học

    Có mặt tại Trường cao đẳng nghề (CĐN) Duyên Hải, trái với khung cảnh rộng, tòa nhà cao tầng khang trang là sự vắng vẻ, đìu hiu của người học. Cả trường có 40 phòng học thì có đến 2/3 là bỏ không, nhiều khoa của trường phải khóa cửa. Theo danh mục đào tạo, đơn vị có 14 nghề với các hình thức từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, liên thông. Tuy vậy, hiện Trường chỉ đào tạo với 3 nghề chính (gồm Kế toán, Điện, Công nghệ thông tin) và cũng chỉ tập trung đào tạo các lớp ngắn hạn.

    Tương tự, tại một cơ sở đào tạo nghề khác đóng trên địa bàn quận Kiến An cũng trong hoàn cảnh khan hiếm học sinh. Khuôn viên trường ngổn ngang các nguyên vật liệu từ công trình xây dựng nhà học đang dở dang bỏ lại. Một giáo viên ở đây chia sẻ, hiện trường chỉ có khoảng 50 sinh viên theo học với chuyên ngành may và nấu ăn. Nhà trường cũng liên tục tuyển sinh nhưng rất ít người đến đăng kí học.

    Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, hiện mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố có 46 cơ sở, gồm: 11 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 11 trung tâm dạy nghề, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và GDTX các quận, huyện. Ngoài ra còn có 13 cơ sở khác tham gia hoạt động dạy nghề. Năng lực đào tạo theo đăng ký dạy nghề của các cơ sở là hơn 60.000 người, trong đó cao đẳng nghề là 6.515 người, trung cấp hơn 7.000 người và sơ cấp hơn 46.000 người.

    Tuy nhiên, số lượng tuyển sinh năm 2016 của tất cả các cơ sở chỉ đạt hơn 48.000 người; trong đó trình độ cao đẳng chỉ bằng 44% và trung cấp chỉ đạt 41% năng lực đào tạo. Đáng chú ý, số cơ sở dạy nghề không tuyển sinh được là 16 đơn vị, trong đó có 6 cơ sở công lập là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp quận, huyện và 8 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Thực tế trên đã khiến nhiều cơ sở dạy nghề, nhất là các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên có quy mô nhỏ, không đủ cơ sở đào tạo luôn trong tình cảnh “vắng bóng” người học, nhiều cơ sở không đăng ký tuyển sinh ổn định.

    Giải thể cơ sở không đủ năng lực

    Phân tích về tình trạng “thừa thầy, thiếu trò”, ông Nguyễn Bách Phái - Giám đốc Sở LĐTB&XH đánh giá: Nguyên nhân là nhận thức về dạy và học nghề chậm được cải thiện, người lao động chưa nhận thức đúng về lợi ích của học nghề do vẫn “nặng” tư tưởng bằng cấp trong khi có sự cạnh tranh quyết liệt giữa đào tạo đại học và đào tạo nghề. Bên cạnh đó, công tác định hướng cho học sinh theo học các ngành nghề mặc dù đã thực hiện nhưng còn gặp nhiều khó khăn, việc phân luồng chưa thực sự tốt làm ảnh hưởng đến cơ cấu lao động. Ngoài ra, số ngành nghề còn chưa được đầu tư đồng bộ, công nghệ lạc hậu. Đặc biệt, tỉ lệ giảng viên có trình độ giảng dạy tích hợp kết hợp giữa lý thuyết và thực hành đạt chất lượng chưa nhiều.

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, trái với các cơ sở quy mô nhỏ hoặc mới bổ sung chức năng, một số cơ sở dạy nghề có uy tín, thương hiệu, đào tạo chuyên về công nghệ, đào tạo về công nghệ, kỹ thuật hoặc dịch vụ yêu cầu chuyên môn cao vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, ở trình độ đào tạo trung cấp và cao đẳng, tỷ lệ người học so với năng lực đào tạo cũng đạt thấp. Điển hình như Trường CĐN số 3 - Bộ Quốc phòng hay Trường CĐN du lịch và dịch vụ Hải Phòng, tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi ra trường luôn đạt con số cao. Lý giải điều này, đại diện Trường CĐN du lịch và dịch vụ Hải Phòng cho biết, hiện đơn vị tuyển sinh không dàn trải, chỉ tập trung vào một số lượng nhất định và liên kết với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện trực tiếp học tập, thực hành tại cơ sở, sau đó ra trường được chính các doanh nghiệp đón nhận.

    Đứng trước những tồn tại của một số trường nghề trên địa bàn thành phố hiện nay, Sở LĐTBXH cho biết đang hoàn thiện, tổ chức thực hiện đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề  đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Đặc biệt là Sở sẽ rà soát, sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề công lập của thành phố theo hướng ưu tiên phát triển các nghề phục vụ ngành kinh tế mũi nhọn, các nghề được lựa chọn đầu tư trọng điểm đạt trình độ các nước trung khu vực ASEAN và thế giới, đồng thời xem xét, giải thể các cơ sở dạy nghề không đủ năng lực đăng ký hoạt động đào tạo.

    THỦY NGUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông