Trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân): Về nguồn để học lịch sử địa phương

21:32 07/12/2018

Những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1989*22-12-2018) , Trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân) tổ chức chuyên đề tích hợp cấp thành phố “Tự hào truyền thống cách mạng quận Lê Chân anh hùng”. Đây là hoạt động đổi mới phương pháp dạy Lịch sử địa phương để các học sinh không còn “học chay” trên sách vở nữa mà được trải nghiệm, tiếp thu kiến thức một cách thú vị và bổ ích...

Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu Lê Thị Minh Tâm cùng học sinh trong hành trình tri ân các anh hùng, liệt sỹ

 Viết thư gửi cựu chiến binh

“Chúng con là thế hệ trẻ, không được chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, nên khó cảm nhận hết được những hy sinh, mất mát của các bác. Nhưng những câu chuyện kể của các bác đã giúp chúng con biết rằng, có được đất nước Việt Nam như ngày hôm nay chính nhờ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của các anh hùng, liệt sỹ, của những người cựu chiến binh như các bác…”, thư của em Lê Nguyễn Hương Giang đã viết tràn đầy xúc  động như vậy sau khi nghe các cựu chiến binh nói chuyện dưới mái Trường THCS Tô Hiệu.

Em Trần Quang Phúc nhớ như in những câu chuyện chiến trường đã được nghe các bác cựu chiến binh kể lại. “Cháu xúc động khi biết các bác đã phải ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ ngụy trang che mắt kẻ địch để tấn công chúng bất thần. Hình ảnh mãi còn đọng lại trong tâm trí của cháu là người đồng đội của bác đã buộc 7 quả bom quanh mình, xông thẳng vào dùng thân mình làm ngọn đuốc sống phá hàng rào của địch. Tinh thần hy sinh quên mình của các bác là bài học lớn để chúng cháu hôm nay noi theo và học tập.

Thư của học sinh Trường THCS Tô Hiệu gửi các cựu chiến binh

Hàng trăm lá thư như vậy của các học sinh Trường THCS Tô Hiệu đã được gửi đến các bác cựu chiến binh quận Lê Chân trong tháng 10-2018 này. “Một bức thư nhỏ, ngàn lời tri ân” là một hoạt động thiết thực trong khuôn khổ chuyên đề tích hợp cấp thành phố “Tự hào truyền thống cách mạng quận Lê Chân anh hùng” do nhà trường tổ chức thực hiện. Theo đó, sau buổi giao lưu, tiếp xúc với các cựu chiến binh của mỗi chi đội, mỗi học sinh viết một bức thư rồi trao tận tay các bác để bày tỏ lòng biết ơn và niềm tự hào đối với những hy sinh của các bác vì đất nước. Những dòng thư chân thành, mộc mạc của các em khiến các bác cựu chiến binh vô cùng xúc động. Có những bác cựu chiến binh đã dành 2, 3 giờ vào ban đêm để viết thư phúc đáp lại cho các cháu học sinh. Bác Chế Trung Hiếu, cựu chiến binh phường Kênh Dương, trú tại 23, Lê Văn Thuyết, quận Lê Chân viết thư có đoạn: “Ông đã đọc hết tất cả thư của các cháu, nhiều bức thư ông đã đọc đi đọc lại và rất cảm động vì các cháu đã hiểu được lịch sử cận đại. Ông càng bất ngờ hơn khi cô giáo Hiệu phó Hứa Thanh Mai, cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Kim Thanh và Ban chấp hành đoàn trường cùng các cháu đã đến thăm ông tại nhà...”.

Học sinh Trường THCS Tô Hiệu thăm nhà các cựu chiến binh phường Hồ Nam

 Hành trình tri ân

Thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên ý tưởng xây dựng một chủ đề dạy học tích hợp với nội dung “giáo dục truyền thống địa phương”- một nội dung dạy học quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tất cả coi đây là nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Chuyên đề đã nhận được sự ủng hộ, động viên, khích lệ to lớn từ các đồng chí lãnh đạo, các bác cựu chiến binh, các bậc phụ huynh học sinh và cộng đồng dân cư.

Từ tháng 7-2018 đến 11-2018, các học trò nhà trường tham gia trực tiếp vào hoạt động chăm sóc, tặng quà các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ trên địa bàn phường Hồ Nam. Cụ thể, mỗi chi đội nhận chăm sóc và tặng quà cho 1 gia đình chính sách của phường. Kết quả, toàn trường đã thăm và tặng quà 31 gia đình chính sách, trong đó có 5 trường hợp là phụ huynh học sinh của nhà trường. Học sinh các lớp được đến giao lưu cùng các cựu chiến binh cũ, những người trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường năm xưa. Các em đã được nghe những câu chuyện có thực từ chính những trải nghiệm của những người lính năm xưa khiến các em hết sức xúc động.

Học sinh Trường THCS Tô Hiệu thăm nhà các cựu chiến binh phường Hồ Nam

Từ những câu chuyện này, các em viết thư gửi và nhận phúc đáp từ các bác cựu chiến binh. Bài học giáo dục truyền thống lịch sử địa phương từ chính những người thật, việc thật và có viết thu hoạch để khắc sâu kiến thức giúp các em học thú vị và hiệu quả hơn rất nhiều. Đặc biệt, nhà trường đã tổ chức một chuyến đi 2 ngày vào Nghĩa trang thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 để viếng mộ các anh hùng, liệt sĩ là con em của quận Lê Chân nói riêng và của thành phố Hải Phòng nói chung. Chuyến đi là một trải nghiệm vô cùng xúc động và ý nghĩa với tất cả các thầy cô giáo và học sinh của nhà trường. Thăm viếng 3 nghĩa trang quốc gia, thấy bạt ngàn những bia mộ của các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do, mỗi người thấy thấm thía hơn giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay. “Sau khi được trải nghiệm ở hoạt động của chuyên đề, em thấy vô cùng tự hào và yêu mến hơn mảnh đất Lê Chân - nơi em đang học tập và gia đình em đang sinh sống. Qua mỗi hành trình tri ân, em thực sự thấm thía về giá trị của cuộc sống hòa bình ngày hôm nay. Em hứa sẽ cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện tốt hơn để xứng đáng trở thành chủ nhân tương lai của đất nước!”- em Nguyễn Thị Hoàng Yến, học sinh lớp 8C5 chia sẻ.

Mãi tự hào truyền thống quận Lê Chân

Thạc sĩ Hứa Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, với mong muốn tái hiện lại cả một giai đoạn lịch sử vô cùng hào hùng và anh dũng của mảnh đất quận Lê Chân trong hai thời kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược (từ 1945-1975) một cách sinh động và hiệu quả nhất, chúng tôi đã chọn hình thức sân khấu hóa để các em học sinh có thể dễ dàng tiếp cận kiến thức lịch sử địa phương, từ đó bồi đắp cho các em tình yêu, niềm tự hào với chính mảnh đất mà các em đang sống, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chuyên đề được tổ chức tại Đền liệt sĩ quận Lê Chân, dưới hình thức một tiết học với 200 học sinh khối 8. Học sinh được chia thành 3 nhóm thực hiện 3 phần: “Khái quát lịch sử vùng đất và con người quận Lê Chân” về vùng đất, con người và truyền thống đấu tranh; “Hào hùng Lê Chân trong thời kì kháng chiến chống Pháp” với sự kiện đón Bác Hồ về thăm (21/10/1946), phong trào đấu tranh của nhân dân Lê Chân từ 1946-1954, 300 ngày đấu tranh cam go, quyết liệt với kẻ thù sau Hiệp định Giơ-ne-vơ; “Rực cháy Lê Chân trong thời kì kháng chiến chống Mĩ” nói về nhân dân Lê Chân tích cực sản xuất góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc, nỗ lực chi viện cao nhất cho miền Nam thân yêu, chiến thắng chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1964) và lần thứ hai (1968) của đế quốc Mĩ. Kết lại là “Thắp lửa tri ân”, liên hệ bài học lịch sử với thực tế cuộc sống… Mỗi nhóm sau khi nghiên cứu nội dung dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo phụ trách sẽ lựa chọn các hình thức báo cáo sao cho nội dung kiến thức được truyền tải một cách sinh động, hiệu quả nhất. Thông qua chuyên đề nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội trong việc phối hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giá trị sống cho thế hệ trẻ; đồng thời tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân thành phố về công trình Đền liệt sĩ quận Lê Chân - công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của nhân dân quận Lê Chân…

HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông