TTATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa bão: Không thể xem nhẹ

18:04 23/06/2014

 

 

Phương tiện cũ nát, chở quá tải hoạt động trên sông Cấm
Phương tiện cũ nát, chở quá tải hoạt động trên sông Cấm

Mặc dù mới vào đầu mùa mưa bão nhưng tình hình TTATGT trên các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va quyệt, tai nạn giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng đường thủy…

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo báo cáo của các cơ chức năng thành phố, trong quý I-2014, trên địa bàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ). Tuy nhiên, sự cố xảy ra trên tàu khách Thống Nhất BKS: 12T-HP 1467 trên hành trình Hải Phòng - Cát Bà xảy ra vào 15h ngày 29-3-2014 khiến chúng ta lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn trong công tác bảo đảm TTATGT.

Khi đó, tàu Thống Nhất BKS: 12T-HP 1467 do anh Tô Quang Trung, sinh 1974, ở tổ 4, khu thị trấn Cát Hải, làm thuyền trưởng, chở 58 khách (trong đó có 10 trẻ em, 18 phụ nữ và 5 khách quốc tịch Pháp) ra Cát Bà dự Lễ hội làng cá và du lịch, khi đi đến khu vực phao số 8 luồng vào cảng Hải Phòng thì bất ngờ bị hỏng máy, phải thả trôi. Trong lúc đó, sương mù, mưa phùn phủ dày đặc khiến tầm nhìn bị hạn chế. Nhận được điện thoại xin ứng cứu của thuyền trưởng tàu 12T-HP 1467, Đồn Biên phòng Cát Bà đã điều động 10 cán bộ, chiến sĩ cùng 1 tàu 180 CV, 1 xuồng cao tốc 240CV ra ứng cứu kịp thời, đưa 58 khách trên tàu vào bờ an toàn.

Theo các cơ quan quản lý giao thông ĐTNĐ, do đặc thù vị trí địa lý của Hải Phòng nên thủy triều thường “lên cùng, xuống kiệt”. Ở các khu vực cửa sông, các tuyến ven biển thường có sương mù, mưa phùn vào những tháng cuối năm trước và đầu năm sau; hay dông, lốc bất thường vào mùa mưa bão. Trong khi đó, nhiều tuyến ĐTNĐ hoạt động pha trộn với luồng hàng hải hoặc hoạt động ngay trong khu vực cảng biển, thành phần phương tiện đa dạng, từ tàu biển, tàu sông vận chuyển hàng hóa tới các tàu, phà, đò chở khách với các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản.

Nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông ĐTNĐ rất cao nếu như ý thức chấp hành luật giao thông của các chủ phương tiện, người điều khiển, vận hành thấp…

Cần tăng cường phối hợp quản lý

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm TTATGT ĐTNĐ. Trong đó, Phòng CSGT đường thủy - Công an thành phố thường xuyên triển khai các phương án tuần tra kiểm soát đảm bảo TTATGT theo địa bàn quản lý.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy lên đương làm nhiệm vụ
Lực lượng Cảnh sát đường thủy lên đương làm nhiệm vụ

Chỉ trong 3 tháng đầu năm, đơn vị đã kiểm tra và phát hiện, xử lý 272 trường hợp vi phạm với 581 triệu đồng; kiểm tra an toàn và làm thủ tục rời bến 647 chuyến tàu với 19.190 lượt hành khách. Lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy (Sở Giao thông vận tải) cũng đã duy trì tuần tra 2 ca/ngày. Trong 3 tháng đầu năm 2014, đã kiểm tra, nhắc nhở hàng nghìn trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 152 trường hợp với số tiền hơn 300 triệu đồng.

Về phía đơn vị quản lý chuyên ngành, Công ty cổ phần quản lý đường sông số 8 đã nạo vét, thanh thải khoảng 8 vạn m3 sa bồi tại các bãi cạn tự nhiên như Kênh Đồng (sông Lạch Tray), ngã ba Xi măng (sông Đào Hạ Lý), đảm bảo luồng lạch được thông suốt. Hiện đơn vị chuẩn bị phương án làm nhiệm vụ thường trực cứu hộ, cứu nạn, chống va trôi cho các phương tiện qua lại trên sông Kênh Khuê (sông Mới, huyện Tiên Lãng) khi mùa mưa bão tới. Cùng với đó, các cấp, các ngành và lực lượng chức năng của thành phố đã chung tay xây dựng mô hình “Tuyến sông Cấm: Văn hóa - an toàn” theo chỉ đạo của Ủy ban ATGT quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng chồng chéo trong phân cấp quản lý về TTATGT đường thủy nội địa giữa lực lượng chức năng, đơn vị quản lý tuyến, quản lý ven bờ và chính quyền địa phương (nhất là ở các khu vực giáp ranh). Do vậy, có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng cho rằng: quản lý TTATGT tuyến đường sông là do cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm giải quyết, xử lý các trường hợp sai phạm như khai thác cát sỏi trái phép hay cưỡng chế giải tỏa cảng, bến thủy nội địa vi phạm…

Do vậy, để đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố, nhất là khi mùa mưa bão đang đến, rất cần sự phối hợp, chung tay, chung sức của các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng của thành phố với tinh thần chủ động, trách nhiệm.

Đoàn Lanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông