Tự hào là một pháo thủ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

23:19 10/04/2014

 

...
...

Sinh ra và lớn lên trong vùng quê có truyền thống cách mạng, chứng kiến cảnh người thân bị giặc bắt đánh đập, tra khảo, nên ông Đặng Văn Đối, 78 tuổi, ở 269 Hoàng Quốc Việt, phường Ngọc Sơn, Kiến An, vì căm thù giặc mà lên đường tòng quân. Năm 1953, khi vừa tròn 16 tuổi, tạm biệt quê hương Tam Đa, Phủ Cừ, Hưng Yên, ông bước vào quân ngũ, cùng đồng đội hành quân tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ, góp sức trẻ lập nên chiến công hiển hách…

Sau khi nhập ngũ, ông Đối tham gia huấn luyện kỹ chiến thuật bắn đạn thật, học tập chính trị thuộc đơn vị C1, D10, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351 pháo binh và được điều động đi chiến đấu ở Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch). Cuối năm 1953, Đại đoàn 351 nhận lệnh bí mật hành quân lên đường tham gia đánh Trần Đình. Sau nhiều ngày hành quân vượt núi băng rừng, khi đơn vị tiến quân gần đến đất Lai Châu (cũ), cán bộ chiến sỹ trong đơn vị được cấp trên phổ biến đi đánh Điện Biên Phủ. Đồng đội của ông tiến gấp về Lai Châu với những đơn vị lựu pháo, cao pháo 37 ly mới được tổ chức, lần đầu được tham gia chiến dịch.

Ông Đối xúc động kể lại: “Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, Tổng tư lệnh quyết định chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Do đó, cuộc tiến công tạm hoãn, bộ đội trên toàn tuyến nhận lệnh lui về địa điểm tập kết. Do tình hình đã thay đổi, cuối năm 1953, một bộ phận của Đại đoàn 351 pháo binh kết hợp với một bộ phận của đại đoàn 308 quân tiên phong nhận nhiệm vụ mới là hướng về Luông Phabăng, truy kích địch sang thượng Lào với phương châm dọc đường gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt, giữ vững lực lượng, có lệnh thì trở về ngay.

Các chiến sỹ sục sôi lên đường. Mỗi người chỉ với 5 lạng gạo đã đuổi địch trên chặng đường dài 200km, giáp sông Mê Kông; với sự phối hợp của bộ đội Pathét Lào và sự đùm bọc của nhân dân Lào, đã phá tan phòng tuyến Nậm Hu, tiêu diệt 14 đại đội của địch. Tình thế nguy cấp, Nava buộc phải phân tán lực lượng cơ động, lập thêm một tập đoàn cứ điểm nữa ở Mường Sài và tăng quân bảo vệ Luông Phabăng. Sau khi truy kích địch sang Lào, tôi cùng đồng đội quay trở lại bao vây Điện Biên Phủ chỉ đạo cấp trên. Ngày tết xa quê hương của những người lính đến bất chợt với hoa ban nở trắng bên sườn núi và dọc con đường hành quân…”

“Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của chúng tôi thực hiện nhiệm vụ chính là đào hầm. Có những nơi chúng tôi phải đào áp sát cứ điểm của địch, đào giao thông hào, hành quân dưới lòng đất. Vừa đào hầm, bộ đội vừa phải ngụy trang sao cho thật khéo để tránh địch phát hiện. Cùng với việc đào hầm, tôi cùng đồng đội xây dựng trận địa pháo theo phương châm bám sát trận địa, bí mật bất ngờ…” - ông Đối hồi tưởng lại.

 Bước vào chiến dịch, ta chủ trương bố trí pháo phân tán trên các điểm cao thành một đường vòng cung bao lấy tập đoàn cứ điểm để có thể ngắm bắn trực tiếp các mục tiêu dưới lòng chảo. Ông Đối kể lại: “Bám sát nhiệm vụ, là pháo binh trợ chiến, khi bộ binh yêu cầu bắn vào đâu thì chúng tôi thực hiện bắn mục tiêu đó, để mở đường cho bộ binh tiến công. Tại trận địa, pháo trợ chiến được đặt ngay tại lòng chảo phía đông, dàn hàng ngang 30 khẩu, chúng tôi nghe theo chỉ đạo của chỉ huy mặt trận, với khẩu lệnh “Liên Xô, Trung Quốc đạn cầm tay, bắn!”. Tất cả nòng pháo nã thẳng vào mục tiêu, lần lượt tiêu diệt các tập đoàn cứ điểm của địch tại khu trung tâm Mường Thanh. Pháo lúc đó sử dụng chủ yếu là cối 82 ly Liên Xô và Trung Quốc, cùng với cối 120 ly. Đại đoàn 351 chi viện trực tiếp cho bộ binh tiến công các cứ điểm E1, D1, D2, A1, C1, C2, đồng thời kiềm chế pháo binh địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm”.

 Có lần trận địa pháo bị địch phát hiện, bọn chúng nã đạn khiến 5 chiến sỹ hy sinh, trong đó có đồng chí tiểu đội trưởng. Song với tinh thần mưu trí, dũng cảm, không ngại hy sinh, ông Đối cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm từ trận mở màn đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Đối nhớ như in, có lần ông nhận nhiệm vụ chỉ huy một tiểu đội gánh đạn từ trong rừng ra trận địa thì bị pháo của địch bắn. Ông nhanh trí chỉ huy tiểu đội nhảy xuống ngay hố mà quả đại bác vừa nổ để tránh thương vong cho đồng đội. Sau đó, ông chỉ huy anh em gánh đạn lên trận địa để phục vụ chiến đấu…

Bộ đội và các cháu học sinh tham quan hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Bộ đội và các cháu học sinh tham quan hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Ông Đối nhớ lại: “5h chiều 7-5, quân địch ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng, lúc này cả Điện Biên Phủ như nổ tung lên, tiếng reo hò vang dội khắp núi rừng. Lúc này tất cả trận địa pháo, cán bộ chiến sỹ đều rời vị trí chạy về khu Mường Thanh để xem quân Pháp đầu hàng, để mừng chiến thắng cùng cán bộ chiến sỹ và đồng bào các dân tộc…”. Kết thúc chiến dịch, ông chính thức chuyển công tác tại Đại đoàn 308 quân tiên phong, sau đó về tiếp quản Hà Nội.

Sau khi đi học hoàn thiện đại học văn hóa, ông được cử đi học không quân… Sau 33 năm phục vụ trong quân đội, ông Đối trở về lập nghiệp tại Hải Phòng. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, hiện là trưởng ban liên lạc Hội truyền thống chiến sỹ Điện Biên Phủ tại quận Kiến An. Điều tự hào nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là lính pháo binh trợ chiến tham gia đánh Điện Biên Phủ, viết lên trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.

Hồng Hải 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông