Từ SmartPort của Gemadept, nghĩ đến giấc mơ “Smart Logistics” tại thành phố Hải Phòng

08:12 12/09/2022

Trong nhiều văn kiện quan trọng của Trung ương và địa phương, thành phố Hải Phòng luôn được xác định là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, mỗi doanh nghiệp trong lĩnh vực phải nỗ lực cao nhất, tập trung cải tiến theo hướng hiện đại hóa. Hiện hữu là Tập đoàn Gemadept đã và đang triển khai sử dụng công nghệ “SmartPort” tại Hải Phòng như một bước đi tiên phong cho hoạt động logistics trên địa bàn thành phố cùng hướng đến một giấc mơ “Smart Logistics”...
Hải Phòng là thành phố duy nhất miền Bắc sở hữu hệ thống vận tải bằng đầy đủ các phương thức: vận tải đường biển, đường bộ, đường không, đường nội thủy, đường sắt

Tháng 5-2021, Gemadept – đơn vị sở hữu hệ sinh thái cảng biển và logistics hàng đầu Việt Nam đã ra mắt và triển khai sử dụng ứng dụng cảng thông minh SmartPort tại các cảng Nam Hải Đình Vũ và Nam Đình Vũ của Hải Phòng. Tại thời điểm đó, khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh và cản trở các hoạt động giao tiếp, tiếp xúc trong tác nghiệp logistics, SmartPort của Gemadept như một giải pháp tháo gỡ vấn đề nóng của hệ thống cảng.

Bên cạnh việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, SmartPort đã giải quyết được nhiều mong muốn của các doanh nghiệp trong hoạt động khai thác cảng biển. Các doanh nghiệp cần tác nghiệp tại cảng chỉ cần sử dụng ứng dụng SmartPort trên các thiết bị điện tử và dễ dàng thực hiện tại chỗ các hoạt động làm lệnh trực tuyến cho các hoạt động giao nhận, nâng hạ, đóng rút, dịch vụ tại cảng…; sử dụng các chứng từ điện tử, tra cứu dữ liệu đa cảng; tiến hành các tác nghiệp tài chính, thanh toán trực tuyến…

Hệ quả là ngay trong thời gian đầu triển khai, SmartPort của Gemadept đã nhanh chóng nhận được nhiều sự khen ngợi từ phía các đối tác, doanh nghiệp khách hàng khi có tới 15.000 lệnh giao dịch và 45.000 TEU container được tác nghiệp thông qua hệ thống trong vòng 02 tháng đầu tiên và con số này liên tục tăng lên sau đó. Quan trọng hơn cả, SmartPort của Gemadept khi triển khai tại thành phố Hải Phòng đã mang lại những hiệu quả đáng kể cho các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ với cảng.

Thay vì phải di chuyển xuống cảng và mất từ 3 đến 4 giờ đồng hồ cho một bộ lệnh giao dịch, hiện nay các đối tác chỉ mất khoảng 30 phút cho tác nghiệp tương tự. Đồng thời, các tác nghiệp và hoạt động tại cảng được cập nhật liên tục lên hệ thống dữ liệu lớn của ứng dụng, giúp cho các đối tác thay vì thông báo kết quả thủ công từ bộ phận hiện trường về văn phòng thì đã có thể tiến hành tra cứu nhanh chóng, đảm bảo thực hiện nhiều giao dịch cùng lúc mà vẫn chính xác.

Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ thông minh này còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí và nhân sự, giảm ách tắc tại các khu vực thủ tục cũng như hạn chế nhân sự di chuyển trên các tuyến đường cảng vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Cảng Lạch Huyện

      Trên thế giới, nhiều cảng biển lớn ở Trung Quốc và châu Âu đã áp dụng tự động hóa hoàn toàn, hầu như không sử dụng sức người trong các công tác khai thác cảng mà chủ yếu là thực hiện trên các hệ thống máy hiện đại. Để tiến tới kết quả như vậy, việc lần lượt triển khai các hệ thống phần mềm, công nghệ tiên tiến vào trong khai thác cảng biển nói riêng và các dịch vụ logistics nói chung là rất quan trọng.

Hải Phòng với những nền tảng và nguồn lực mạnh mẽ hoàn toàn có thể nghĩ đến một giấc mơ về một thành phố có hệ thống logistics thông minh. Khi đó, tương tự như Smart Port của Gemadept, các doanh nghiệp sẽ xây dựng và áp dụng những nền tảng công nghệ để gắn kết các lĩnh vực dịch vụ, tạo thành một hệ thống Smart Logistics. Trong dịch vụ logistics, các hạng mục về cảng biển, vận tải, kho bãi và thủ tục được cho chủ yếu với lượng lớn các tác nghiệp liên quan. Nếu như các doanh nghiệp trong mỗi hạng mục đều cung cấp các dịch vụ “smart” – thông minh thì sẽ dễ dàng hình thành nên một môi trường cho “Smart Logistics”.

Về cảng biển, với sự tiên phong của Gemadept trong ứng dụng SmartPort, các doanh nghiệp khai thác cảng chắc chắn sẽ sớm bước vào cuộc đua công nghệ trong lĩnh vực này để càng ngày càng thêm hoàn thiện, hiện đại, hiệu quả. Các đơn vị sở hữu và khai thác cảng hầu như đều là các “ông lớn” nên việc triển khai các dịch vụ cảng thông minh không phải là điều khó khăn.

Về các dịch vụ thủ tục, với sự nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số của các cơ quan quản lý nhà nước, các tác nghiệp về thủ tục như hải quan, đăng kiểm… cũng đã được nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại để gia tăng hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực thực hiện cho các bên liên quan.

Về kho bãi, trong những năm gần đây, hàng loạt hệ thống kho bãi hiện đại với quy mô lớn đã được đầu tư tại thành phố Hải Phòng. Đi liền với việc đầu tư cơ sở vật chất, các doanh nghiệp khai thác kho bãi đều nhanh chóng triển khai xây dựng các phần mềm quản lý tiên tiến để phục vụ khách hàng. Chỉ với các thiết bị điện tử, cả đơn vị quản lý kho và khách hàng đều dễ dàng thực hiện các tác nghiệp với hàng hóa một cách nhanh chóng và đảm bảo sự liên thông kết nối giữa hiện trường kho bãi và hoạt động văn phòng.

Về dịch vụ vận tải, Hải Phòng là thành phố duy nhất miền Bắc sở hữu hệ thống vận tải bằng đầy đủ các phương thức: vận tải đường biển, đường bộ, đường không, đường nội thủy, đường sắt; đồng nghĩa với việc Hải Phòng tập trung số lượng lớn và đa dạng các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải đường bộ. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp vận tải đường bộ của Hải Phòng là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, hoạt động thủ công bằng giấy tờ và sức người để luân chuyển thông tin và hồ sơ, hiếm hoi mới có những doanh nghiệp triển khai số hóa các tác nghiệp chứ chưa nói đến chuyển đổi số.

Mặc dù nhiều đơn vị về công nghệ thông tin đã đưa ra các sản phẩm giải pháp phục vụ hoạt động của doanh nghiệp vận tải một cách thông minh, đơn giản và chính xác nhưng chưa nhận được nhiều quan tâm do một phần nguyên nhân về chi phí và một phần tâm lý e ngại chuyển đổi phương pháp làm việc truyền thống. 

     Hải Phòng hiện có các khu vực cảng biển, logistics được bố trí tập trung cùng sự kết nối hạ tầng giao thông và công nghiệp có tính liên kết cao

Để thực hiện một cuộc “cách mạng” về công nghệ cho hoạt động vận tải đường bộ cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ của các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp và cần sự tiên phong của doanh nghiệp lớn tương tự như Smart Port của Gemadept trong lĩnh vực cảng biển.

Thành phố Hải Phòng hiện có các khu vực cảng biển, logistics được bố trí tập trung cùng sự kết nối hạ tầng giao thông và công nghiệp có tính liên kết cao. Tuy nhiên việc thực hiện các hoạt động logistics như hiện nay vẫn gặp nhiều bất cập về tắc nghẽn các khu vực tác nghiệp thủ tục, hàng hóa…đòi hỏi cần nhiều thời gian và nhân sự thực hiện dẫn tới lãng phí chi phí.

Với một tương lai khi đa số các hoạt động logistics được thực hiện bằng công nghệ tiên tiến, các khu vực dịch vụ logistics không còn tập trung đông người làm việc thủ công, hàng hóa luân chuyển nhanh chóng, thủ tục thực hiện chính xác…

Khi đó, thành phố Hải Phòng với một hệ thống “Smart Logistics” sẽ trở thành hiện thực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây sẽ phải là một tiến trình dài hơi đòi hỏi sự tham gia của các cấp chính quyền và của từng doanh nghiệp với những quyết tâm cao độ và nỗ lực không ngừng nghỉ.

LÊ TẤT

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông