09:05 17/01/2023 Cách đây 55 năm, trong bối cảnh đế quốc Mỹ và tay sai không chỉ mở rộng chiến tranh ở miền Nam, mà còn điên cuồng đánh phá miền Bắc, nhằm đè bẹp ý chí cách mạng giành tự do độc lập của nhân dân ta. Đảng ta đã quyết định mở đợt tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, với ý nghĩa chính trị - quân sự đặc biệt, buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, mở đường cho Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Sau 10 năm (1954-1964), Mỹ thế chân Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam và sau 4 năm (1961-1964) tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, mặc dù đã bỏ ra nhiều tiền của và công sức, thi hành nhiều thủ đoạn và biện pháp, nhưng phía Mỹ vẫn không dập tắt được phong trào cách mạng miền Nam.
Từ năm 1964 đến đầu năm 1965, cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào, chiến sĩ ở miền Nam phát triển nhanh chóng, thu được những thắng lợi ngày càng to lớn, khiến cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị thất bại nghiêm trọng.
Trước tình hình ấy, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam, đồng thời mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom bắn phá miền Bắc.
Nhằm gây áp lực làm giảm sự chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ và kết hợp chặt chẽ với nhịp độ chiến tranh trên bộ ở miền Nam.
Đối với hai nước láng giềng của Việt Nam, Mỹ đẩy mạnh “Chiến tranh đặc biệt” ở Lào, sử dụng sức ép quân sự và ngoại giao hòng buộc chính phủ Vương quốc Campuchia từ bỏ thái độ trung lập.
Trên trường quốc tế, Mỹ triệt để lợi dụng mâu thuẫn của phe XHCN và sự bất đồng trong phong trào Cộng sản quốc tế để cô lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại nước Mỹ, chính quyền Mỹ thi hành các biện pháp nhằm bưng bít tin tức, che giấu các hoạt động chiến tranh của Mỹ trên chiến trường Việt Nam.
Từ thực tiễn chống Mỹ, cứu nước trên khắp hai miền Nam - Bắc, trên cơ sở phân tích toàn bộ tình hình trong nước và thế giới có liên quan, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 khoá III diễn ra vào tháng 12-1965 đã hạ quyết tâm chiến lược: “Động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào”.
Đảng ta đã xác định phương châm chiến lược “Trên cơ sở đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, cần tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”.
Bằng sức mạnh của chính nghĩa, quân và dân miền Nam đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của Mỹ - ngụy. Mục tiêu mà Mỹ đề ra chẳng những không thực hiện được mà còn chịu tổn thất nặng cả về sinh lực và phương tiện chiến tranh, làm cho thế trận của địch nao núng. Trong lúc đó, chúng ta vẫn giữ vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường miền Nam, vùng giải phóng được củng cố và mở rộng.
Chiến công của quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc, cùng với khí thế phong trào đấu tranh của quần chúng dâng cao đã làm xuất hiện tình thế mới trên chiến trường có lợi cho ta.
Tháng 5 và tháng 6-1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá tình hình mọi mặt và xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967-1968, đưa ra chủ trương: Trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đốingắn.
Tháng 10-1967, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương họp mở rộng và quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược vào các đô thị trên toàn miền Nam. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới.
Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 khóa III, sau khi phân tích tình hình đã nhận định: Địch thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật, do đó ta phải tranh thủ thời cơ “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi quyết định”, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh.
Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, nhiệm vụ cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên, tạo sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.
Có thể khẳng định, việc quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn. Sự kiện này xứng đáng là một dấu ấn làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam, ảnh hưởng mạnh mẽ đến diễn biến của bàn đàm phán Paris.
(còn nữa)
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh