15:11 06/01/2023 Năm 2022, Hải Phòng xử lý thành công một loạt các điểm nóng, vụ việc phức tạp về đất đai, xây dựng tồn tại nhiều năm, gây bức xúc và nhức nhối trong dư luận. Những vụ việc này xảy ra đã lâu, rất khó xử lý vì động chạm tới nhiều tổ chức, cá nhân, cấp chính quyền nào cũng “ngại”. Thế nhưng với sự quyết tâm, quyết liệt lập lại trật tự kỷ cương, không dung túng cho các vi phạm, tất cả vì sự phát triển của thành phố, Hải Phòng đã xử lý thành công với cách làm bài bản, đúng trình tự pháp luật, khiến những người trong cuộc phải tuân thủ, tâm phục khẩu phục. Thành công đó cho thấy bài học về sự kiên quyết, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, hợp lòng dân được Hải Phòng áp dụng nhuần nhuyễn, hiệu quả và cũng cho thấy sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ thành phố.
Bài 1:
Những điểm nóng khó gỡ
Ngang nhiên nuôi ngao trái phép gây mất an ninh trật tự, vi phạm quy hoạch; tự ý xây nhà, thậm chí là biệt thự; nhà hàng; khách sạn; khu vui chơi giải trí trên đất nông nghiệp; đất vàng bỏ hoang hàng chục năm không đưa vào sử dụng… là những vụ việc nổi cộm tại Hải Phòng trong nhiều năm qua. Những vi phạm dai dẳng, kéo dài và ngang nhiên đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh và sự phát triển của thành phố; gây bức xúc trong dư luận, trong nhân dân.
Từ hoạt động nuôi ngao tự phát, trái phép
Từ nhiều năm nay, “cuộc chiến ngao- cát” được coi là một trong những điểm nóng phức tạp nhất của Hải Phòng, chẳng những khiến bất ổn an ninh trật tự mà còn gây thất thu hàng trăm tỷ đồng ngân sách mỗi năm. Đã có hàng trăm bài báo, phóng sự truyền hình phản ánh về tình trạng này, coi đây là “cuộc chiến dai dẳng”; khi thì doanh nghiệp khai thác cát kêu cứu; khi thì “cát tặc” vào tận nhà dân đe dọa; khi thì người nuôi ngao cản trở hoạt động khai thác cát đã được cấp có thẩm quyền cấp phép… Tình trạng này diễn ra nhiều năm; thành phố Hải Phòng đã ra tay xử lý nhiều lần nhưng chưa dứt điểm; xóa chỗ này thì chỗ khác lại mọc ra và phức tạp thêm, đến mức việc nuôi ngao trái phép được ví như chiếc vòi bạch tuộc, mỗi ngày một phình rộng và càng khó xử lý…
Theo phản ánh của các cấp chính quyền, các hộ dân nuôi ngao trên khu vực ven biển thuộc quận Hải An và huyện Kiến Thụy là tự phát. Lúc đầu, các hộ nuôi ngao với quy mô, diện tích nhỏ. Đến năm 2022, có tới hơn 110 hộ nuôi ngao tại huyện Kiến Thụy và quận Hải An với diện tích hơn 3200 ha. Tại huyện Tiên Lãng, các hộ dân tự phát sử dụng mặt nước biển với diện tích khoảng 3.000 ha. Các hộ nuôi ngao tại các khu vực trên không chỉ là người dân thường trú trên địa bàn quận Hải An, huyện Kiến Thụy mà gồm nhiều hộ dân thường trú tại các tỉnh khác như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… Nhiều hộ dân đã tự mở rộng diện tích nuôi, lấn ra phía ngoài biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; chồng lấn vào khu vực của các tổ chức đã được UBND thành phố giao, cho thuê để thực hiện khai thác khoáng sản cát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đáng chú ý, các hộ nuôi ngao không cung cấp được giấy tờ liên quan đến việc cho phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không nộp bất cứ khoản thuế, phí gì cho địa phương nơi có biển.
Sở dĩ hoạt động nuôi ngao trái phép diễn ra trên diện rộng và thời gian dài như vậy là do lợi nhuận “khủng” mang lại mỗi năm. Với những hộ có diện tích bãi ngao lớn, lợi nhuận thu về mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng. Vì vậy mà họ không dễ gì từ bỏ nguồn lợi và tìm mọi cách để duy trì hoạt động trái phép, thậm chí sẵn sàng chống đối tới cùng. Ở nhiều thời điểm, các cấp chính quyền đã có sự kiểm tra, ban hành nhiều văn bản yêu cầu các hộ nuôi ngao tự tháo dỡ nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn. Trong khi đó, tại các khu vực này, đã có hàng chục doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát nhưng không thực hiện được vì bị các hộ nuôi ngao ngăn cản. Hơn nữa, theo quy hoạch, khu vực này được xác định để phát triển cảng biển, công nghiệp,logistics…, nếu càng để lâu, càng phức tạp và càng khó xử lý, buộc thành phố Hải Phòng phải giải quyết dứt điểm.
Đến những hành vi xây dựng trái phép
Khu đất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng rộng tới hơn 9100 m2 nằm tại vị trí đắc địa nhất trên trục đường Lê Hồng Phong, thuộc dự án Khu đô thị mới Ngã Năm- Sân bay Cát Bi. Từ năm 2008, khu đất này được xác định để xây dựngTrung tâm thương mại và khách sạn cao cấp. Nhưng thật đáng tiếc, 14 năm đã qua mà “đất vàng” chẳng đẻ ra vàng, trơ trơ đứng đó khiến dư luận nhận dân hết sức bức xúc. Thành phố đã nhiều lần đôn đốc chủ đầu tư đưa đất vào sử dụng nhưng kết quả là máy móc nhân công được đưa đến thi công một vài ngày rồi lại im lìm như cũ. Do đó, thu hồi lại mảnh đất này là chủ trương của thành phố Hải Phòng và thành phố quyết tâm thực hiện trong năm 2022.
Một sự việc nổi cộm khác là tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thuộc Nông trường Quý Cao (huyện Tiên Lãng). Tại đây, có hàng loạt các biệt phủ, thậm chí có cả biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng; nhà vườn đã ngang nhiên mọc lên trái phép giữa nông trường. Tình trạng xây dựng trái phép tràn lan cũng như việc mua bán, chuyển nhượng đất nông trường diễn ra tự phát, không đúng quy định, không được ngăn chặn kịp thời, gây bức xúc trong dư luận. Trong tổng số 115 nhà ở được xây dựng, chỉ có 46 hộ được chuyển đổi mục đích làm nhà ở, còn lại là tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp. Các trường hợp này tự ý xây dựng từ những năm 1990 đến năm 2022, không có giấy phép xây dựng.
Tại huyện Kiến Thụy, các dự án gồm Khu kinh doanh dịch vụ du lịch tổng hợp Hữu Bằng Resort; Khu trải nghiệm BigSun ở xã Hữu Bằng và Sông Trăng Quán tại xã Thanh Sơn (huyện Kiến Thụy) cũng được coi là “điểm nóng” trong thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp kiểm tra và kết luận các dự án này đều có sai phạm. Cụ thể, UBND huyện Kiến Thụy, UBND xã Hữu Bằng, UBND xã Thanh Sơn, UBND thị trấn Núi Đối và các nhà đầu tư có thiếu sót trong việc triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng các công trình trên đất. Trong đó, UBND huyện Kiến Thụy và các xã, thị trấn phát hiện sai phạm nhưng thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm. Từ đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Kiến Thụy, UBND thị trấn Núi Đối, xã Hữu Bằng, xã Thanh Sơn hoàn thành việc xử lý các sai phạm theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.
Còn tại huyện Cát Hải, qua rà soát, kiểm tra, 7 doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng, khai thác các công trình tại Vườn quốc gia Cát Bà như: không có hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng; không có giấy phép xây dựng và không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng; không lập, trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy; không có giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú…, buộc thành phố phải quyết định lập lại trật tự tại khu vực này./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh