09:48 15/08/2019 Từ nhiều năm nay, vấn đề Biển Đông đã trở thành đề tài tranh cãi của nhiều quốc gia, không đơn thuần chỉ có sự tham gia của những nước trong khu vực. Đây là nội dung mang tính lịch sử, chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, cần được đánh giá thận trọng với tinh thần quốc tế cao, mà Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng điều đó.
Nhà giàn DK1, biểu tượng chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam (ảnh tư liệu)
Kỳ 1-Tranh chấp
Như báo ANHP đã đề cập, Biển Đông tiếp giáp với 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và một vùng lãnh thổ của Trung Quốc là Đài Loan.
Trên nền tảng cấu trúc địa lý tự nhiên cũng như diễn biến lịch sử trải theo thời gian, các quốc gia và vùng lãnh thổ đều có mối quan hệ trực tiếp với Biển Đông, nên những quan điểm bất đồng cũng từ đó mà phát sinh.
Ở Biển Đông đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ yếu, đó là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về về phân định biển (việc xác định ranh giới các vùng chồng lấn về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) của các bên liên quan.
Theo các nhà phân tích, tranh chấp ở Biển Đông do 5 nguyên chính: do địa lý; do sự tồn tại dai dẳng các tranh chấp về chủ quyền đối với một số nhóm đảo, đảo đá; do có sự chồng lấn giữa các vùng biển; do yêu sách biển của Trung Quốc dựa trên “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò); do các hoạt động đơn phương trên thực địa làm thay đổi nguyên trạng.
Trong các nguyên nhân nói trên thì hai nguyên nhân cuối là chủ yếu, khiến cho các tranh chấp chủ quyền và tranh chấp phân định biển giữa các nước liên quan có tính chất rất phức tạp.
Về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông hiện bao gồm: đối với các quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan); quần đảo Trường Sa giữa 5 nước, 6 bên gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Bruney và một bên là Đài Loan; bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philipppin; đảo Đá Trắng, các đá Middle Rocks và South Ledge giữa Malaysia và Singapore.
Tuần tra biển, đảo, kiên quyết bảo vệ chủ quyền Việt Nam (ảnh LMT)
Riêng đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những chứng cứ lịch sử và pháp lý đều cho thấy, ít nhất từ thế kỷ 17 Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách thực sự, hòa bình và liên tục. Trong khi Trung Quốc chỉ bắt đầu yêu sách quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) từ đầu thế kỷ 20, khởi đầu là cuộc đổ bộ chớp nhoáng do Đô đốc Quảng Đông Lý Chuẩn tiến hành năm 1909.
Tuy nhiên tại thời điểm đó quần đảo Hoàng Sa từ lâu là lãnh thổ của Việt Nam. Trong một thời gian dài, Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Pháp đã chuyển giao quyền kiểm soát và quản lý hai quần đảo này cho Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn).
Năm 1956, Trung Quốc đã chiếm bất hợp pháp một số đảo, bãi tại nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo, bãi còn lại của nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ và chiếm đóng toàn bộ quần đảo này từ đó đến nay.
Trong thập niên 70 và 80, tình hình liên quan đến quần đảo Trường Sa trở lên phức tạp do việc Trung Quốc và một số nước đưa ra yêu sách chủ quyền và cho quân đóng chiếm các đảo, bãi tại quần đảo này. Đặc biệt, đầu năm 1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm một số đảo, bãi ở quần đảo Trường Sa. Năm 1995, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm bãi Vành Khăn do Philippin chiếm đóng.
Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam đang quản lý và đóng quân trên 21 đảo đá, Philippin 9 đảo đá, Trung Quốc 9 đảo đá và bãi cạn, Malaysia 5 đảo đá và bãi, Đài Loan 1 đảo đá là Ba Bình (đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa).
Brunei tuy được coi là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trên thực tế nước này hiện không chiếm giữ bất kỳ đảo đá hay bãi cạn nào ở khu vực Trường Sa.
Về tranh chấp phân định các vùng biển. Theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam và các nước ven Biển Đông khác có quyền có vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa 200 hải lý, thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý tính từ đường cơ sở để đo chiều rộng lãnh hải, và có thể yêu sách thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý kéo dài ra đến mép ngoài của rìa lục địa nhưng không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở để đo chiều rộng lãnh hải.
Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên của Biển Đông là biển nửa kín, chiều rộng của một số khu vực tính từ đường cơ sở của các quốc gia có bờ biển đối diện dưới 400 hải lý nên dẫn đến sự chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại khu vực này
Trong đó, bên cạnh yêu sách đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc chủ trương và từng bước thực hiện quyền và lợi ích biển đối với “đường lưỡi bò” bao trùm một khu vực rộng lớn trên Biển Đông. Yêu sách này xuất hiện chính thức lần đầu tiên trên Bản đồ do chính phủ Trung Hoa dân quốc công bố năm 1948.
Hoàng Minh (Còn nữa)
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh