21:53 04/10/2024 Sáng 4-10, UBND thành phố họp phiên thường kỳ trực tuyến tháng 9, đánh giá kết quả phát triển KTXH, giữ vững QPAN 9 tháng năm 2024, đề ra các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ quý 4 và cả năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì.
Cùng dự có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ: Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố; Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng; các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành, các địa phương…
Phiên họp thống nhất nhận định, 9 tháng qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cơn bão số 3 đổ bộ vào thành phố gây thiệt hại nặng nề về kinh tế nhưng Hải Phòng vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là giải ngân vốn đầu tư công; thu ngân sách; GPMB; tiến độ triển khai các nhiệm vụ UBND thành phố giao.
Từ đó, lãnh đạo các ngành, các địa phương tập trung đánh giá, phân tích nguyên nhân một số hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục với quyết tâm hoàn thành toàn diện chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nêu rõ: 9 tháng qua, toàn hệ thống chính trị thành phố có nhiều nỗ lực, cố gắng, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là số thu ngân sách trên địa bàn, cả thu thuế xuất nhập khẩu và thu ngân sách nội địa đều đạt cao. Các chỉ tiêu như thu hút nguồn vốn FDI; thu hút khách du lịch; kim ngạch xuất khẩu; phát triển sản xuất công nghiệp… đều khá cao. QPAN được giữ vững.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố, còn nhiều vấn đề liên quan tới phát triển KTXH thành phố. Cụ thể, tăng trưởng GRDP 9 tháng mới đạt 9,77%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và chưa đạt mục tiêu kỳ vọng (11,5-12%). Sản lượng hàng hóa qua Cảng mới đạt khoảng 65%. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ rất thấp, mới đạt 44%.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, mục tiêu đề ra của năm 2024 là tăng trưởng GRDP phải đạt mức 2 con số. Do đó, trong thời gian còn lại của năm 2024, các ngành, các cấp cần có các giải pháp tích cực, hiệu quả, quyết liệt để thực hiện mục tiêu này. Cụ thể, cần tập trung cao giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, đặc biệt lưu ý đẩy nhanh tiến độ GPMB; giải quyết thủ tục cho các dự án, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các địa phương, các BQL dự án phải sát sao, đeo bám đến cùng nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.
Về thu ngân sách, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, mặc dù đạt cao nhưng không chủ quan. Trong 3 tháng cuối năm cần tiếp tục rà soát các sắc thuế; đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá đất để hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nội địa. Đồng thời phấn đấu tăng thu thuế xuất nhập khẩu.
Về khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các ngành, các quận, huyện nhanh chóng trình hồ sơ, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp; sửa chữa các công trình cấp bách. Theo Chủ tịch UBND thành phố, hiện đã thu xếp được khoảng 1500 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Tuy nhiên, nếu không hoàn tất các thủ tục, đối tượng, mức chi theo đúng quy định của pháp luật sẽ khó giải ngân, ảnh hưởng tới các mục tiêu phục hồi sản xuất kinh doanh, đưa hoạt động của thành phố trở lại bình thường.
Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để di chuyển các hộ dân ra khỏi các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm cấp độ D; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án và nghị quyết hỗ trợ giá thuê nhà và hỗ trợ các hộ dân di chuyển.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các ngành, các cấp đề xuất các công trình dự án liên quan tới kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Trong đó, các ngành Công an, BCH Quân sự thành phố; Bộ đội Biên phòng… cần có danh mục các dự án cụ thể…
Chủ tịch UBND thành phố lưu ý tình hình cháy nổ, tai nạn giao thông vẫn có chiều hướng gia tăng và yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo chuyển biến và hiệu quả rõ rệt trong lĩnh vực này.
9 tháng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước tăng 9,77%, đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 2 trong các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng (sau tỉnh Hà Nam), đứng thứ 8 cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,09%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 87.822 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa hơn 38.827 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ, đạt 103,3% dự toán Trung ương giao và 86,3% dự toán HĐND thành phố; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 48.030 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ, đạt 81,7% dự toán Trung ương, 80,1% dự toán HĐND thành phố giao. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,4 triệu USD, tăng 26,8%. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước hơn 123 triệu tấn, tăng 9,41%. Số lượng khách du lịch ước hơn 7,1 triệu lượt, tăng 13,65%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 148.138 tỷ đồng, tăng 9,69%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,78 tỷ USD, bằng 89% kế hoạch năm./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh