Ưu tiên các nguồn lực, tập trung nhiều giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

    19:44 19/08/2024

    * Chủ đề năm học 2024 – 2025: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”

    Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng 

     

    Sáng 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT)  tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 63 điểm cầu tỉnh, thành phố. Dự hội nghị ở điểm cầu trung tâm Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

    Về phía Bộ GD – ĐT  có các đồng chí: Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT; các đồng chí Thứ trưởng Bộ GD – ĐT,  Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cùng đại diện các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học.

    Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Ban Giám đốc Sở GD – ĐT; đại diện lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn thành phố và các cơ sở, đơn vị giáo dục liên quan.

    Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT phát biểu khai mạc Hội nghị

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT nhận định, Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mang tính lan tỏa sâu rộng. Đồng chí Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đại biểu, khách quý tham dự Hội nghị; đặc biệt cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với toàn ngành Giáo dục.

    Theo Bộ trưởng GD – ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2023 – 2024, cùng với cả nước, ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; thực hiện các nhiệm vụ công tác năm của Chính phủ, cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.

    Đây cũng là thời điểm toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành như: Thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Trung ương Đảng đổi mới giáo dục và đào tạo; triển khai Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cùng các nhiệm vụ quan trọng khác của ngành.

    Đồng chí Nguyễn Kim Sơn khẳng định, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ đạo quan trọng là “học thật, thi thật, nhân tài thật”, phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh sinh là trung tâm”; cùng sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ban, ngành Trung ương, các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân, phụ huynh học sinh; đặc biệt là sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023 - 2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, tích cực, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của toàn xã hội.

    Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị 

    Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo bứt phá.

    Phân tích về bối cảnh tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 – 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành GD – ĐT, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới; tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

    Trong bối cảnh năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD - ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

    Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu; xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp. Cùng với đó, Bộ GD - ĐT, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số…

    Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng 

    Nhằm thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 – 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”. Cùng với đó, Bộ GD - ĐT đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm.

    Trong đó tập trung triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

    Đồng thời, ngành GD - ĐT tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong toàn ngành; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và truyền thông giáo dục.

    PHƯƠNG LINH

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông