Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

09:31 13/08/2018

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, sáng 10/8/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 26 để cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (CAND) (sửa đổi). Tham dự phiên họp có Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Bộ Công an quy định cấp Tướng các đơn vị thuộc Bộ

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật CAND (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng ở các đơn vị thuộc Bộ Công an (Điều 26 dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh thấy rằng, việc xác định vị trí chức vụ có cấp hàm cấp Tướng phải gắn với yêu cầu chỉ huy, chỉ đạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tăng cường trách nhiệm, vinh danh, ghi nhận vai trò, vị trí của sĩ quan. Do đó, việc xác định vị trí cấp tướng có ý nghĩa quan trọng và được dư luận quan tâm. Trong quá trình xây dựng Luật CAND năm 2014, Bộ Chính trị đã nhiều lần cho ý kiến chỉ đạo cụ thể.

Việc quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp Tướng trong dự thảo Luật cần nghiên cứu để quy định phù hợp với đề án đổi mới tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời, cần tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong quá trình xây dựng Luật CAND năm 2014.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp Tướng trong Luật, số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp Tướng; riêng đối với chức vụ Cục trưởng các Cục thuộc lực lượng An ninh, Tình báo quy định khái quát như Luật CAND hiện hành để bảo đảm yêu cầu về tính chất hoạt động của lực lượng; đồng thời, bỏ quy định Cục đặc biệt tại các điều khoản liên quan.

Theo đó, để có căn cứ quy định cụ thể các chức vụ có cấp bậc hàm Trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ Công an, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đã thống nhất với Ban soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho xác định theo các nguyên tắc sau: Kế thừa quy định của Luật CAND năm 2014 đối với các Cục và tương đương không có thay đổi về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ hoặc có thay đổi theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tăng quy mô tổ chức. Đơn vị cấp Cục có chức năng tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương.

Cục nghiệp vụ có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đơn vị cấp Cục có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt khẳng định, trên cơ sở các nguyên tắc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo quy định cụ thể vị trí các chức vụ có cấp bậc hàm cấp Tướng trong dự thảo Luật.

Xây dựng Luật phù hợp với tổ chức, bộ máy mới

Về quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận thấy, theo mô hình tổ chức bộ máy trước đây, khi sửa đổi Luật CAND năm 2014, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo tại Thông báo số 147 ngày 21/10/2013 và Thông báo số 185 ngày 28/10/2014, theo đó Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm Đại tá.

Nhưng việc sửa đổi Luật CAND lần này theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị thì mô hình tổ chức bộ máy của Bộ Công an được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh xuống Công an cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, do đó dự thảo Luật trình Chính phủ có quy định vị trí cấp Tướng đối với Giám đốc Công an một số địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I là phù hợp.

Đồng chí Võ Trọng Việt nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật; tuy nhiên, nội dung này các đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau, vậy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích thêm về nội dung này, một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vị trí rộng lớn, dân số đông, quy mô kinh tế, đối nội, đối ngoại lớn hơn… mà như một tỉnh bé thì liệu có hợp lý, công bằng không.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, quy định như dự thảo Luật là hợp lý, nhưng vướng Thông báo trước đây của Bộ Chính trị; đồng thời đây cũng là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nên cần phải xin ý kiến của Bộ Chính trị. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị có sự chủ động trong công tác tuyên truyền về dự án Luật.

Giải trình tại phiên họp về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm nhất trí với các ý kiến cho rằng cần phải sớm xin ý kiến Bộ Chính trị quyết định. “Về vấn đề tuyên truyền, Bộ Công an đã có đề án tuyên truyền chung trong lực lượng CAND, đồng thời cũng sẽ tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu, tham gia và ủng hộ, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bộ Công an gương mẫu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 và ủng hộ việc xây dựng Luật CAND (sửa đổi) phù hợp với tổ chức, bộ máy mới nhưng cần xin ý kiến Bộ Chính trị về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.

 

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông