10:49 21/06/2024 Những ngày này, vải thiều chính vụ đã vào mùa nhưng người tiêu dùng Hải Phòng và cả nước chưa bao giờ phải mua vải với mức giá cao chất ngất như vậy. Ngày 5-5 âm lịch vừa qua (ngày Tết Đoan ngọ), người tiêu dùng ở Hải Phòng phải mua vải chính vụ với mức giá 75.000 đồng/kg; một số khu vực bán rẻ hơn nhưng không dưới 65.000 đồng/kg. Qua ngày Tết Đoan ngọ, vải chín nhiều hơn, giá cũng giảm hơn nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 50.000- 55.000 đồng/kg. Còn trước đó, vải lai đầu mùa như u trứng, lai hồng cũng có mức giá từ 80.000- 120.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thanh Minh ở quận Lê Chân cho biết, mấy chục năm nay, chưa bao giờ chị thấy giá vải thiều có mức cao đến như vậy. Trong những năm qua, cũng có năm vải thiều bị mất mùa nhưng giá chỉ khoảng 40.000- 50.000 đồng/kg là cao, chưa từng có chuyện giá hơn 100.000 đồng/kg vải thiều. Đó là không kể những khi vải được mùa, các thương lái đổ vải thiều đầy các chợ, các đường phố, bán với mức giá 10.000- 15.000 đồng/kg, cao hơn thì khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Nhiều khi tới 21-22 giờ tối, các xe vải vẫn đỗ đầy đường, giá rẻ mà ít người mua. Thậm chí, có không ít dịp phải “giải cứu” vải. Ở Hải Phòng cũng từng có phong trào mau vải giải cứu cho bà con nông dân huyện Cát Hải với mức giá chỉ 15.000 đồng/kg.
Điều đáng nói là giá vải cao nhưng số lượng không nhiều, không sẵn, không phải người mua muốn mua lúc nào cũng được. Chị Nguyễn Thanh Nhã, người chuyên bán vải thiều chính vụ Thanh Hà tại chợ Lương Văn Can cho biết, năm nay, vải Thanh Hà không có mà mua, mua tại vườn cũng hơn 80.000 đồng/kg, sợ bán không được nên chị không dám mua mang về Hải Phòng bán nữa. Vải hiện tại trên thị trường có nhiều nguồn, từ Bắc Giang xuống là chính nhưng cũng không nhiều như mọi năm.
Theo cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông thành phố, vải thiều ở vùng chuyên canh xã Bát Trang (huyện An Lão) và một số tỉnh, thành phố bạn đều giảm sản lượng, nhiều nơi mất mùa hẳn do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Nhìn chung, sản lượng giảm tới 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh Bắc Giang có 30.000 ha vải, mỗi năm thu 200.000 tấn. Năm nay, Sở nông nghiệp và PTNT Bắc Giang dự tính sản lượng giảm 50% còn 100.000 tấn, trong đó một nửa là vải sớm. Tại Hải Dương sản lượng vải đạt khoảng 45.000 tấn, bằng 77% so năm trước.
Lý giải nguyên nhân vải mất mùa, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh cho rằng thời tiết bất ổn khiến tỷ lệ vải thiều ra hoa thấp. Nhiệt độ bình quân mùa đông năm 2023 cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1,5 độ C, làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa cây vải. Bên cạnh đó, thời tiết từ giữa tháng 1 đến nửa đầu tháng 2 năm nay có các đợt không khí lạnh ngắn, mưa nhỏ kéo dài làm độ ẩm không khí, đất cao khiến nhiều diện tích vải có hiện tượng ra lộc, ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, còn do năm ngoái vải đã được mùa nên năm nay cũng không còn nhiều sức để vải trĩu trịt trên cành như năm trước.
Tuy nhiên, mặc dù mất mùa nhưng giá cao gấp 2-3 lần nên nông dân vẫn được lợi. Theo đó, 1 tấn vải trước đây chỉ thu được khoảng 15- 20 triệu đồng thì năm nay thu được 50.000- 60.000 triệu đồng, chưa kể nếu vải sớm thì còn có mức giá cao hơn.
Ngoài ra, giá vải tăng cao còn có nguyên nhân tỷ trọng xuất khẩu khá lớn. Ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc, quả vải thiều còn được xuất khẩu sang một số nước và khu vực như: Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapo, Thái Lan, Úc,... với tổng sản lượng xuất khẩu (tính cả thị trường Trung Quốc) chiếm khoảng 54,6%. Thị trường các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía cũng có sức tiêu thụ rất lớn, ước tính khoảng hơn 45% sản lượng. Vì vậy, vải càng hiếm, giá càng cao.
Trong sản xuất nông nghiệp, điệp khúc “mất mùa được giá, được giá mất mùa” vẫn luôn xảy ra. Tuy nhiên, với thực tế từ mùa vải năm nay cho thấy, chuyện mất mùa được giá không hẳn mang lại sự thua thiệt cho bà con nông dân. Các yếu tố tác động do thời tiết; do lượng tiêu thụ cũng làm ảnh hưởng một phần nhưng về cơ bản, vải thiều vẫn là cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp đồng đất một số địa bàn, nhất là các vùng đất bãi ven sông, vùng có truyền thống trồng vải thiều. Do đó, Thời gian tới, cần tiếp tục vận động nông dân tập trung sản xuất, mở rộng diện tích trồng vải thiều, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để hạn chế thiệt hại, rủi ro về thời tiết, tiến tới truy xuất nguồn gốc, mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm, để giá trị của vải thiều đặc sản ngày càng được khẳng định và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.
Hồng Thanh
20:15 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh