Vang bóng một thời danh thủ Hải Phòng

20:35 30/10/2010

Ông quê gốc ở Hà Nội, nhưng sinh ra (năm 1937) và lớn lên tại Hải Phòng. Ông ham mê bóng đá từ tấm bé.
Ông quê gốc ở Hà Nội, nhưng sinh ra (năm 1937) và lớn lên tại Hải Phòng. Ông ham mê bóng đá từ tấm bé.

Ông Nguyễn Trọng Lộ
Ông Nguyễn Trọng Lộ

Hồi tưởng lại không khí bóng đá ở Hải Phòng sau ngày giải phóng, ông kể: Đó là thời kỳ mà Ban TDTT thành phố lúc bấy giờ đã tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa - thể thao và tập trung xây dựng cho Hải Phòng một đội tuyển bóng đá gồm những cầu thủ là công nhân Cảng HP, XMHP cùng các chiến sỹ của lực lượng vũ trang, trong đó có ông - một công nhân Cảng HP.

Tuy mới được thành lập nhưng đội tuyển Hải Phòng lập tức đã trở thành một đối thủ mà bất kỳ đội bóng nào ở miền Bắc như Thể Công, CAHN, Thanh niên Hoàng Diệu, hay Nam Định… cũng đều phải vị nể. Thậm chí vào cuối năm 1957, khi đội Bát Nhất II nổi tiếng của quân đội Trung Quốc sang thi đấu tại Việt Nam - từng hòa Thể Công 0-0 và hạ tuyển Hà Nội 2 bàn không gỡ tại Hà Nội, nhưng xuống Hải Phòng đá trận cuối cùng thì tuyển Hải Phòng đã “rửa mặt” cho đội bóng Thủ đô bằng chiến tích oanh liệt 2-0.

Ông Lộ cho hay, đó cũng trận thi đấu quốc tế đầu tiên trong đời của ông nên đến tận bây giờ ông vẫn nhớ mãi cái cảm giác vừa hồi hộp, run run trước trận đấu, rồi hừng hực khí thế khi xung trận… và sau đó là niềm vui vỡ òa cùng các đồng đội bởi chiến thắng này còn mang ý nghĩa như một cú hích với sự phát triển của bóng đá Hải Phòng. Kể từ đó, ông luôn được triệu tập trong thành phần đội tuyển Hải Phòng thi đấu các trận Derby của bóng đá Việt Nam với tuyển Hà Nội, tuyển Quân đội, hay các trận quốc tế gặp tuyển Campuchia, CHDCND Triều Tiên, Thanh niên Bắc Kinh, Bát Nhất I…

Đội bóng đá CAHP được thành lập từ năm 1957 và đến cuối năm 1958, ông Lộ được khoác áo đội bóng này khi vừa chuyển công tác sang ngành công an. Chơi nổi bật ở vị trí tiền vệ tấn công nhờ khả năng kỹ thuật cơ bản cùng tư duy chiến thuật khá tốt, năm 1959, ông được triệu tập vào ĐTQG đi tập huấn tại Hungaria, Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, trước khi tham dự giải Việt - Trung - Triều - Mông được tổ chức ở Bắc Triều Tiên. Tại giải này, Việt Nam tuy chỉ xếp thứ 3 chung cuộc nhưng TV Nguyễn Trọng Lộ (CAHP) cùng HV Lưu Đình Tòng (CAHN) và TĐ Đoàn Văn Đức (Đường sắt VN) đã được bầu chọn là 3 trong số những cầu thủ xuất sắc nhất.

Năm 1960, ông tiếp tục khoác áo ĐTQG tham dự giải Việt - Trung - Triều - Mông được tổ chức tại Việt Nam, trước khi kịp trở về cùng đội CAHP lần đầu tiên giành chức vô địch giải hạng A miền Bắc. Mốc đánh dấu những thành công của bóng đá CAHP cũng mở ra từ đây khi đến năm 1963 đội bóng lại vô địch giải Thống Nhất sau khi đánh bại Đường sắt VN 3-2 trong trận CK nghẹt thở.



Ông Lộ bắt tay Trưởng đoàn bóng đá Campuchia


Thời kỳ vàng son nhất chính là quãng thời gian từ 1968 đến 1974, khi ông Lộ làm HLV trưởng CAHP. Ngay năm đầu tiên trên cương vị thuyền trưởng ông đã đưa CAHP đoạt chức vô địch hạng A miền Bắc và đây cũng chính là đỉnh cao nhất của bóng đá Hải Phòng nói chung kể từ sau giải phóng. Bởi trong số 5 đội của Hải Phòng tham dự giải hạng A miền Bắc (gồm CAHP, Cảng HP, XMHP, Điện Lực Hải Phòng và Sông Cấm - chưa kể đội QK3 đóng trên địa bàn), thì có tới 3 đội đã chinh phục 4 vị trí cao nhất chung cuộc. Trong đó, ngoài danh hiệu vô địch của CAHP và vị trí thứ nhì thuộc về đội Trường Huấn luyện nổi tiếng lúc bấy giờ, thì Cảng HP và XMHP cũng lần lượt xếp thứ ba và thứ tư.

Cũng trong năm đó, ông Lộ vinh dự được triệu tập làm thành viên BHL ĐTQG (cùng 9 cầu thủ của CAHP) đi thi đấu tại một số nước XHCN như Liên Xô, Hungaria… Còn với đội CAHP do ông dẫn dắt tiếp tục trở thành cái tên kiêu hùng trong làng bóng đá Việt Nam khi luôn chơi ổn định nhất, gặt hái nhiều thành công nhất và có nhiều đóng góp nhất cho ĐTQG trên đấu trường quốc tế.

Trong đó, riêng năm 1974 đã đọng lại trong ông những hồi ức rất đáng nhớ, khi CAHP cán đích chung cuộc cùng điểm với Thể Công tại giải hạng A miền Bắc, nhưng phải xếp thứ nhì do kém đội bạn về hiệu số phụ. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ ông và các cầu thủ CAHP khi ấy vẫn luôn tự hào bởi họ cũng là đội bóng đầu tiên của Việt Nam đã được trao “Giải phong cách xã hội chủ nghĩa”.

Và còn khá nhiều kỷ niệm khác mà ông đã nhắc tới, như khi CAHP vào năm 1970 lần đầu tiên đã thực hiện thành công sơ đồ chiến thuật 4-4-2 ở Việt Nam để bất ngờ đánh bại các kỳ phùng CAHN hay Thể Công ngay tại Thủ đô. Có lần sau trận đấu, một lãnh đạo cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khen ngợi: “Hôm nay CAHP thắng đội bóng quân đội - nói theo cách nói quân sự của chúng tôi - là do đội CAHP đã có cách đánh mới”. 

Nhớ về quãng thời gian khoác áo CAHP, rồi làm HLV trưởng đội bóng, ông Lộ đã nhắc nhiều đến tư chất của những cầu thủ - chiến sỹ và đặc biệt nhấn mạnh về tính tổ chức, kỷ luật trong việc xây dựng đội CAHP. Theo ông, ngoài tài năng của thế hệ cầu thủ vàng thời ấy như Ngô Truy, Nguyễn Thu, Phạm Văn Đức, Vũ Sông Thao hay Thành “Roobe”, Nguyễn Đán, Tăng Viết Cương… thì phẩm chất của những cầu thủ - chiến sỹ và tính kỷ luật chặt chẽ trong sinh hoạt, luyện tập và thi đấu chính là yếu tố quyết định nhất đã làm nên sức mạnh như một thương hiệu của đội CAHP năm xưa.

Sau khi giã từ sự nghiệp bóng đá vào cuối năm 1974, ông Lộ cũng rất nổi tiếng với “nghề” cảnh sát hình sự khi lần lượt được giữ các chức vụ: Tiểu đoàn phó cảnh sát, đội trưởng Đội cảnh sát đặc biệt (sau gọi là đội H88), Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự. Giống như khi còn tung hoành trên sân cỏ, ở cương vị mới của mình ông đã cùng đồng đội vững vàng trên trận tuyến đấu tranh chống tội phạm hình sự, trực tiếp tham gia triệt xóa nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm… Đội H88 được phong tặng danh hiệu Anh hùng  năm 1990. Và Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hải Phòng phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT năm 1995 đều có sự đóng góp của ông.

Năm 1996, ông nghỉ hưu và giờ đây, tuy đã ở tuổi 74, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của CLB cựu cầu thủ CAHP và CLB công an hưu trí Hải Phòng và ở tổ dân phố...

THẾ HÙNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông