09:19 31/08/2019 Theo thông lệ hàng năm, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2019 bắt đầu khởi động. Phía sau những hứa hẹn cho một màn diễn văn hóa truyền thống đặc sắc, có lẽ xuất hiện một sự chuẩn bị không kém phần nhộn nhịp, đó là thị trường thịt trâu chọi. Dù chưa phải là một phân khúc hàng hóa có tính phổ biến, nhưng nhóm sản phẩm này cũng để lại nhiều dấu ấn.
Một hình ảnh chọi trâu ở Đồ Sơn
Nét xưa “Đến hẹn lại lên…”
Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mồng Chín tháng Tám chọi trâu thì về… Câu ca xưa đã thấm đậm vào bản sắc Đồ Sơn, nơi diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống hàng năm, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2013, và tiếp tục trường tồn như bao đời nay vẫn thế.
Việc luyện trâu chuẩn bị cho lễ hội này rất công phu. Theo kinh nghiệm trâu chọi phải là những con trâu đực khỏe mạnh, “da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp, ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhọn, sừng cánh cung, trường đùi...”.
Điều hết sức quan trọng là trâu chọi được nuôi cách ly, không tiếp xúc với đồng loại, nghĩa là trước khi vào chọi “chẳng yêu thương hờn giận gì ai”, đã tạo ra nét riêng so với trâu thông thường.
Phần nghi thức để trâu vào lễ hội cũng vô cùng trang trọng, từ ngày mùng một đầu tháng, các vị cao niên trong làng đã ra làm lễ tế thần. Sau đó là lễ rước nước gắn với tập quán tế thủy thần, nước thần mỗi năm thay một lần được từng làng (phường) mang về đình riêng. Tại đình làng, các chủ trâu được cho trâu ra làm lễ Thành Hoàng.
Sau các tủ tục, trâu chọi chính thức được gọi là “Ông trâu”, là biểu tượng của tâm linh, là niềm tin, chất chứa khát vọng của những người trong cuộc. Ngày chính hội 9-8 âm lịch, lễ rước các “Ông trâu” ra sới đấu với kiệu bát cống, long đình bát biểu, thần kỳ phấp phới, rộn rã trong tiếng bát âm.
Theo một số quan điểm nghiên cứu, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển, mang sắc thái riêng. Điều quan trọng là, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của lễ hội được thể hiện rất rõ nét, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu, trải suốt truyền thống hàng trăm năm.
Chỉ khác là, trước kia sau mỗi lễ chọi, trâu chiến thắng được đưa lên thuyền, chở ra khơi hắt xuống biển tế thần. Còn giờ đây, hậu lễ có phần khác, trâu chọi được rước trở về, sau đó giết thịt làm lễ hiến sinh, cầu mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, ra khơi thuận buồm xuôi gió… Một phần lộc được chia cho dân làng.
Theo quan niệm cổ, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển, người ta tin rằng, nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn. Ý nghĩa hiến sinh như vậy, nhưng từ vài chục năm trở lại đây, khi lễ hội chọi trâu trở thành nổi tiếng, là một trong những điểm nhấn thu hút du khách về với Đồ Sơn, thì “lộc thần” thực chất là thịt trâu chọi đã bị thương mại hóa.
Người ta cho rằng, ăn thịt trâu chọi sẽ đem lại bội phần may mắn, làm ăn hanh thông, sức khỏe cường tráng, nghĩa là sẽ được thần linh phù hộ, quan niệm này không còn là chuyện riêng của người vùng biển nữa.
Thịt trâu được bán sau lễ hội
Thị trường “tân – cổ giao duyên”
Như đã nói ở trên, theo tục cũ thịt trâu chọi vốn chỉ được đem chia lộc lấy khước, làm quà biếu tặng. Nhưng rồi tiếng lành đồn xa, và thịt trâu chọi được đem bán với giá cao, bất kể đó là con trâu thắng hay bại.
Khổ nỗi, bình quân mỗi con trâu lọc sạch mới được khoảng hơn tạ thịt, nghĩa là nếu giết hết toàn bộ số trâu chọi cũng chỉ có hơn tấn thịt, không nhằm nhò gì so với nhu cầu ngày càng tăng trong số hàng vạn du khách thập phương.
Khi hỏi về chuyện này, ông Đặng Quang L. – quê ở Kiến Thụy, hiện sống ở ngõ 229 Hàng Kênh (Lê Chân) chia sẻ, vì là tín đồ nên hơn hai mươi năm nay chẳng vụ lễ chọi trâu nào ông vắng mặt.
Ông L. cho biết, ông từng làm nghề mổ trâu bán, mỗi con trâu nặng khoảng 4 tạ, nếu khéo lọc cũng chỉ được 1,2 tạ thịt, nếu lấy số lượng 16 con trâu tham gia giải năm nay, thì tổng lượng thịt trâu tham gia vòng chung kết cũng chỉ gần hai tấn. Đành rằng, ngoài số trâu đã lọt vào vòng cuối, cũng có một lượng không nhỏ trâu chọi tham gia vòng loại, hoặc được chăm sóc dự bị, nhưng dù vậy lượng thịt cũng không đủ cung ứng ra thị trường.
Có lẽ chính vì thế mà mấy năm gần đây, một số thương lái lợi dụng tín tâm của khách hàng, trà trộn bán lẫn thịt trâu thường với trâu chọi. Nên có khi lễ hội chưa kết thúc, đã có “thịt trâu chọi” được rao bán, thậm chí người bán còn để nguyên cả tảng da có “số hiệu” của trâu chiến hẳn hoi, nhưng phần nhiều đấy là số giả.
Theo ông L. thì thịt trâu chọi thực sự ngon, vì đơn giản trâu chọi được nuôi theo chế độ đặc biệt, huấn luyện nhiều nên săn chắc. “Điều quan trọng nhất là trâu chọi bị quản chặt nên con nào con ấy còn zin, không chơi bời trai gái gì…”- Ông L.vừa nói vừa cười tít mắt đùa vui.
Nhưng dù ngon, bổ và mang ý nghĩa nào, thì việc giá thịt trâu chọi có khi bị đẩy lên gấp 10 lần giá thịt trâu thường cũng là điều bất thường, và cũng giá trâu chọi mà người mua phải chịu mua là thịt trâu thường thì càng khó chấp nhận. Vấn đề ở đây là ngoài lỗi của người bán, một phần lỗi được “chia” cho người mua, đôi khi bởi tâm lý “sống ảo”.
Ông L. kể chuyện, năm ngoái ông có mấy người bạn đồng ngũ ở Quảng Ninh hẹn về chơi đúng dịp lễ, trót hẹn với bạn sẽ đãi món thịt trâu chọi. Nhưng khi lễ kết thúc mà không nhờ người mua được thịt trâu chọi “xịn”, ông L. bèn phóng về nội thành mua thịt ngoài chợ.
Bởi lẽ thịt trâu không rõ nguồn gốc bán ở Đồ Sơn tới tiền triệu, trong khi loại thịt trâu ngon ở nội thành chỉ hơn 200.000 đồng/kg. Đến bữa, sỹ diện với khách nên chẳng dám nói thật, không ngờ khách nhắm rượu với thịt xào rau muống, thịt luộc chấm mắm gừng, cứ tấm tắc khen: “Đúng là trâu chọi, ăn đến đâu nở người ra đến đấy…”?
Còn ông Đào Văn V., một nông dân ở cũng ở Kiến Thụy thì bộc bạch, nhà ông có đàn trâu hơn hai chục con, cứ đến vụ chọi là thương lái về bắt liền lúc mấy con to. Ông V. nói: “Họ giết đem bán ở Đồ Sơn, mỗi con trâu lãi gấp mấy lần, mà có khi người ta mua thịt tạp ở nơi khác về trộn vào cũng chẳng ai để ý…”.
Theo ông V., trên thị trường hiện có hai loại thịt chính, một là nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ giá bán lẻ chỉ từ 120.000 đồng đến 145.000 đồng/kg tùy loại, còn nguồn thịt trâu nuôi giết mổ có giá đắt hơn khoảng gấp rưỡi đến gấp đôi. Trong đó, thịt trâu Ấn Độ để rã đông thì người sành dễ nhận biết vì chủ yếu là giống trâu trắng, gân thịt cũng màu trắng gần giống gân bò, còn thịt trâu ta đen nên gân mỡ đều sậm hơn.
Chỉ có điều, khi đã máu, cũng không nhiều người để ý đến điều ấy, “Nhất là những du khách ở xa về, họ chỉ cần mua làm quà về khoe với bạn bè lấy sỹ diện, nên có khi biết tỏng tong tong rồi vẫn cứ chơi…” – Ông V. nhận xét. Nhưng thuận mua vừa bán, âu cung là lẽ tự nhiên của thời kinh tế thị trường.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết