14:13 15/05/2017
Quang cảnh mua bán tấp nập tại chợ Cau làng Lý Nhân, xã Quảng Thanh (Thủy Nguyên)
Đã sang thế kỷ 21, những lá trầu, quả cau vốn dĩ gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng dân gian từ ngàn đời xưa, tưởng như chỉ còn tồn tại trong… dĩ vãng vậy mà tại Hải Phòng, một thành phố vốn nổi tiếng bởi sự sầm uất, hiện đại, lại vẫn lưu giữ một phiên chợ độc đáo nhất nhì miền Bắc mang tên: chợ Cau.
Chợ không chỉ dành cho người biết nhai trầu
Có một khu chợ khá đặc biệt ở làng Lý Nhân, xã Quảng Thanh (huyện Thủy Nguyên) bởi “kẻ bán, người mua” luôn phải sử dụng đến đèn pin để giao dịch với nhau. Đó là chợ Giáp Bắc hay còn được gọi bằng cái tên thân thuộc khác là chợ Cau, với hơn 3000m2 từ diện tích đất bỏ hoang, nay được đổ nền bê tông chắc chắn, phủ mái che tránh nắng mưa cho bà con.
Nét “độc” của chợ Cau ở chỗ tại đây không chỉ buôn bán một mặt hàng duy nhất là cau, mà còn vì chợ bắt đầu họp từ chiều tối đến lúc đêm muộn. Cau từ khắp nơi của Hải Phòng đổ về đây có số lượng vô cùng lớn với sự góp mặt của các thương lái ở khắp các tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... Chợ họp đủ 30 ngày trong tháng, từ trung tuần tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau, đúng vụ cau đang vào mùa thu hoạch.
Có điều tất cả các “thương vụ” mua và bán cau đều phải thực hiện theo những luật định bất thành văn ở đây: Những người đến sớm bày hàng trước, không cần tự trông coi mà vẫn có thể tiếp tục công việc riêng của mình. Đúng 19h15, Ban quản lý chợ tiến hành… tắt điện và đến 22h30’ điện mới được thắp sáng trở lại. Bà con phải sử dụng đèn pin tự trang bị để thực hiện các giao dịch.
Lý giải về việc tắt điện trước mỗi giờ chợ họp, anh Nguyễn Văn Đức (48 tuổi), Trưởng Ban quản lý chợ cho hay: “Lệ này đã có từ xưa, nhằm tránh trường hợp người đến đây tranh nhau mua cau, cũng để tạo sự công bằng, người đến trước cũng như người đến sau ai cũng có thể chọn cho mình những buồng cau ưng ý”.
Kể từ khi đi vào hoạt động, nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng sự ủng hộ của tất cả thương lái, khu chợ đầu mối này chưa xảy ra bất kỳ một tranh chấp, cãi vã hay mất mát gì của người dân đến đây mua hàng. Giá phụ thu gồm cả chỗ ngồi, phí gửi xe là 20.000 đồng, ngoài ra không còn bất kỳ khoản thu nào khác. Phiên chợ họp trong khoảng thời gian từ 20h30’ đến 22h30’ đêm là để bà con có thời gian nghỉ ngơi, thương nhân từ xa đến vừa kịp giờ và cũng là để tránh giờ tan ca của công nhân từ các khu công nghiệp lân cận gây ùn tắc giao thông.
Đông nhất là từ lúc 20h30’ đến 21h15’. Đây là khoảng thời gian các thương lái buôn bán và trả giá, sau đó là công đoạn bốc hàng, cân cau, trả tiền của các buôn lái “tay to”. Cách chợ Cau một đoạn là đình làng Lý Nhân.
Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà khi xây dựng chợ ở đây, Ban quản lý lại chọn vị trí đắc địa đến vậy. Hằng năm, chợ đều đóng góp một khoản tiền không nhỏ tu tạo đình chùa, miếu mạo của địa phương. Có lẽ, ngoài việc cầu xin “buôn may bán đắt” , thì quả cau từ xa xưa đã gắn liền với hình ảnh của mái đình thôn quê và là một tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam.
Cũng chính bởi thế, nhiều người dân thành phố cũng vì hiếu kỳ và hơn thế nữa, muốn khám phá những nét văn hóa rất khác lạ của chợ Cau Lý Nhân, đã tìm đến dù không có mấy nhu cầu giao dịch…
Nguồn gốc chợ Cau
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ Giáp Bắc làng Lý Nhân là chợ đầu mối chuyên thu mua, buôn bán cau lớn nhất phía Bắc. Trước đây, chợ còn có tên gọi khác là chợ Sáng nằm ở hai bên hông của tuyến quốc lộ 352, người bán bày hàng ngay dưới lòng đường, gây cản trở giao thông.
Không những thế, vì không có bất kỳ quy định nào về giờ giấc mua bán, nên việc giao thương diễn ra lộn xộn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống của tiểu thương cũng như bà con sống quanh chợ.
Nắm được tình hình trên, một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Lý Nhân - anh Nguyễn Văn Đức - đã đứng lên thuê lại khu đất trên của xã, cùng với anh em thương lái bắt tay xây dựng chợ. Thực ra, ban ngày ở đây vẫn là khu chợ dân sinh, đến chiều muộn mới chuyển sang chợ Cau. Khu chợ ngày một khang trang và hoàn thiện hơn với 2 khu thu mua chính là cau mang xuất khẩu và cau phục vụ người dân trong nước.
Là người đầu tư và trực tiếp quản lý khu chợ này trong suốt 4 năm qua, anh Đức không tham gia mua, bán mà chỉ đứng ở vị trí trung lập tránh những thắc mắc hay dị nghị không đáng có trong việc điều tiết trật tự của chợ Cau, công tác bảo đảm an ninh luôn được ưu tiên hàng đầu, giúp thương lái ở xa đến đây yên tâm buôn bán.
Trong lúc chờ tắt đèn, tôi có dịp được nghe ông Nguyễn Văn Long (Mỹ Hào, Hưng Yên), người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề tâm sự: “Muốn theo được nghề này còn phụ thuộc vào cái duyên, đâu phải ai cứ muốn làm là được. Có năm, có người bỏ đến mấy trăm triệu mua cả vườn cau, đến mùa thu hoạch gặp sương muối, sâu bệnh thì coi như là mất trắng cả vườn”.
Quả thật, qua tìm hiểu mới tận mắt chứng kiến khó khăn, vất vả của những thương lái buôn cau ngày ngày đổ về đây mưu sinh. Anh Tân (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên), một tiểu thương bán cau cho biết, chiều nào anh cũng xuất phát từ Thái Nguyên lúc 3h chiều, mua cau xong về đến nhà cũng phải 1h đêm; sáng hôm sau lại đi bỏ lẻ ở từng điểm, đều đặn cả 30 ngày trong tháng, bất kể nắng mưa”.
Tại chợ Cau Lý Nhân, giá cau phụ thuộc vào chất lượng và mục đích sử dụng của từng cá nhân hay thương buôn. Giá cau vào thời điểm cao nhất trong mùa rơi vào khoảng: 3-4 triệu/buồng. Để có được giá trên, cau phải bảo đảm các yếu tố như: buồng đẹp, quả to, nhiều râu, xanh mã. Loại này thường để phục vụ đám cưới, đám hỏi. Còn mức giá trung bình hiện tại dao động từ 700.000 - 800.000 đồng/buồng.
Các thương lái lâu năm chỉ cần nhấc qua vài lần trên tay là đã có thể đoán biết cân nặng cả buồng. Giống như dưa hấu hay các loại nông sản khác, giá cau cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ sức mua của các thương lái Trung Quốc, họ thường thu mua theo cân, dao động ở khoảng: 25.000 - 45.000 đồng/kg, tùy theo mẫu mã của cau tại chợ, thường vận chuyển trên những xe vận tải lớn, sau đó chở đi đâu, làm gì thì không ai biết. Cũng bởi lẽ đó mà anh Miên, một khách hàng quen thuộc của chợ Cau Lý Nhân chia sẻ, hơn 10 năm lăn lộn với nghề, đã không ít lần anh chứng kiến cảnh người Trung Quốc “phù phép” cho giá cau lên xuống thất thường, khiến cho nhiều bà con trồng cũng như buôn cau điêu đứng.
Trầu cau từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt.
Trầu cau có mặt trong các buổi lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ thọ, sính lễ cưới hỏi… mang bao ý nghĩa sâu đậm trong văn hóa của người Việt Nam. Chính vì vậy mà chợ Cau Lý Nhân được người dân nơi đây ví như nơi nuôi dưỡng cho những giá trị văn hóa độc đáo cần được lưu truyền và gìn giữ.
Trường Giang
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết