Về quê xem M.C đám cưới

16:06 30/11/2009

Trong đám cưới, người dẫn chương trình (MC) đóng vai trò khá quantrọng. Mùa cưới đang nhộn nhịp, những MC đám cưới lại có “đất” để thithố khả năng của mình…
Trong đám cưới, người dẫn chương trình (MC) đóng vai trò khá quantrọng. Mùa cưới đang nhộn nhịp, những MC đám cưới lại có “đất” để thithố khả năng của mình…

Một đám cưới ở quê (ảnh minh hoạ)
Một đám cưới ở quê (ảnh minh hoạ)

“MC” là viết tắt của “Master of Ceremonies”, chỉ một “nghệ sĩ” điều khiển một chương trình văn hóa, văn nghệ, tiệc tùng, giới thiệu những cá nhân lên phát biểu hoặc trình diễn trước khán giả. Tuy nhiên, tại các đám cưới, đặc biệt là đám cưới ở ngoại thành, không đòi hỏi là một “nghệ sĩ” mà chỉ cần là người có ngoại hình ưa nhìn, biết hát và có khả năng nói tốt là có thể trở thành người dẫn chương trình. Giữa thời buổi đám cưới chẳng đợi đến mùa, nhu cầu cần MC biến không ít người thành chuyên nghiệp.

Anh Nguyễn Hoàng Mai - một MC ở Vĩnh Bảo cho biết: “Ở nông thôn, chỉ cần nói năng lưu loát, chịu khó học hỏi là làm được MC đám cưới. Tuy nhiên, để trở thành một MC giỏi cần có năng khiếu, có tình yêu và cái duyên với nghề. Nhìn bề ngoài tưởng MC đám cưới nhàn nhã, song họ cũng phải lao động nghiêm túc, đổ mồ hôi…”. Được biết, ở đám cưới quê, với số tiền nhận được trung bình khoảng 200 nghìn đồng, MC phải dẫn dắt, giới thiệu liên tục trong gần một tiếng đồng hồ. Làm xong phần nghi lễ bắt buộc, MC kiêm luôn ca sĩ và quán xuyến điều hành cả bộ phận âm thanh, ánh sáng.

Khác với đám cưới tổ chức ở các nhà hàng, khách sạn trong khu vực nội thành, yêu cầu đầu tiên với MC ở đám cưới quê là phải biết… hát! Ít nhất mỗi đám cưới cũng phải hát từ 2 bài trở lên, nhưng cát-sê cũng chỉ được tính gộp vào thù lao làm MC. Vất vả là thế nhưng khi được hỏi, hầu hết MC đều nói ngoài việc kiếm tiền mưu sinh, đam mê nghề nghiệp, họ còn có chung tâm nguyện là giúp đám cưới thêm vui, cô dâu chú rể thêm hạnh phúc trong ngày cưới.

Tuy nhiên, chuyện kể trên là về những MC lão luyện, tâm huyết với nghề, với những MC “non tay” thì lại khác. Phải nói rằng đa phần MC đám cưới ở nông thôn hiện nay đều mới vào nghề, thuộc dạng “non tay” nhưng giờ đang là mùa cưới, các MC vẫn bận liên miên, muốn mời cũng phải đăng ký trước để họ xếp lịch. Bạn tôi kể, một MC dẫn đám cưới ngọng líu ngọng lo: “Nghĩ tới ơn sinh thành, nòng mỗi chúng ta lại nâng nâng xúc động…” nhưng vẫn không bao giờ hết việc.

Đi đám cưới đã nhiều, tôi thấy phần đông các MC đều hành nghề theo kiểu thời vụ, chộp giật nên không biết “làm mới” mình, họ luôn lặp đi lặp lại những câu văn đã thuộc, những câu thơ nằm lòng. Với họ, đám cưới nào cũng “hôm nay là ngày lành tháng tốt”, khi giới thiệu đại diện nhà trai, nhà gái lên phát biểu ý kiến thì bao giờ cũng bắt đầu: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Khi hết “bài vở”, những MC này thường hay phải sử dụng tài lẻ của mình ra ứng tác để kín chương trình nhưng không phải lần nào cũng diễn ra suôn sẻ.



MC đám cưới đang trổ tài


Năm trước, đi dự một đám cưới cô bạn ở Tiên Lãng, tôi vẫn còn “ấn tượng” với ứng tác của anh MC đến tận bây giờ. Số là, sau khi cô dâu chú rể bước lên sân khấu, hàng loạt lời văn và các câu thơ được MC thuộc lòng cứ ào ào tuôn ra: “Vâng, trai khôn tìm vợ gái khôn gả chồng. Dây trầu quấn lấy thân cau, từ nay ta là của nhau suốt đời…”.

Mọi chuyện diễn ra như kịch bản, đến khi nhà trai, nhà gái đang chúc tụng nhau những điều tốt đẹp thì trên sân khấu, MC hết bài thủ sẵn nên tự ứng tác:  “Hướng lên sân khấu mà xem. Chữ lồng khéo cắt cho duyên thêm nồng. D kia 1 chữ hồng hồng. T kia trong trắng như lòng giếng quê”.

Mọi người vỗ tay khen thơ ứng tác sao hay thế, cao hứng, MC chơi luôn: “Hoe hoe nắng chiếu sau hè. D nằm ở dưới T đè lên trên…”. Mọi người được một trận cười, trên sân khấu anh MC như cảm thấy mình vừa làm được việc gì đó vĩ đại lắm. Choáng, tôi giật áo một người trong ban tổ chức, nhắc MC đừng thô quá thì anh này cười: “Ở quê em nó thế, MC mà làm cho mọi người cười được thì đám cưới mới vui”.

Đấy là năm ngoái, vừa rồi đi dự đám cưới của ông anh họ, tôi lại chứng kiến một tai nạn nghề nghiệp kiểu ứng tác thêm lần nữa. Sau màn giới thiệu khá ổn, MC bắt đầu “hết bài tủ” nên chuyển sang ăn nói ba hoa, sáo rỗng và phát động khách dự đám cưới “1,2,3, zô! Zô! Zô!” để chúc mừng cô dâu chú rể. Tiếp đó, không biết do nhầm với đám cưới hôm trước hay do có sẵn tí men trước lúc giới thiệu mà anh chàng MC toàn nói sai nghề nghiệp của cô dâu chú rể. Anh ta “phong” cho chú rể là kỹ sư mỏ địa chất khi anh họ tôi… buôn bán vật liệu xây dựng, còn cô dâu được “phong” là bác sĩ quân y trong khi chị ấy làm y tá. Báo hại sau đám cưới, nhiều tiếng xì xào, thắc mắc rằng có phải cô dâu chú rể yêu cầu MC giới thiệu như thế để “giải quyết khâu oai” hay không, khiến anh chị tôi cứ phải thanh minh mãi. Đã vậy, khi giới thiệu hai họ, anh MC còn “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” - miệng thì cứ thao thao bất tuyệt về gia đình chú rể nhưng lại nói tên bố mẹ cô dâu.

Thông thường, sau màn giới thiệu, hát hò với những bài hát tình yêu mùi mẫn, nồng cháy, MC “non tay” hay thả nổi đám cưới cho đám trai làng thả sức nhảy nhót. Nói đến đám cưới ở quê, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh trai làng nhảy đám cưới: trong tiếng loa thùng được bật to hết cỡ, các chàng trai tha hồ lắc đầu, vung vít tay chân - mà theo nhận xét của chính những người ở quê thì “trông nó chẳng ra làm sao cả”…

Trong đám cưới, nhất là đám cưới ở nông thôn, nếu không có MC không khí sẽ rất buồn tẻ và nhàm chán. Thế nhưng bên cạnh những đám cưới thành công nhờ MC ăn nói có duyên, tạo được không khí sôi nổi thì có không ít đám cưới, hai họ phải ngượng chín mặt vì MC.


TRÍ THỌ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông