Vi phạm quy định đất đai, xây dựng trên đất nông nghiệp: Trách nhiệm của người đứng đầu địa phương

17:58 23/02/2020

Tại không ít các quận, huyện trên địa bàn thành phố hiện đang xảy ra tình trạng người dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, thậm chí có những vụ việc diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến ANTT. Căn cứ quy định Luật đất đai 2013 thì trách nhiệm chính ở đây thuộc về chính quyền địa phương nơi xảy ra vi phạm.

Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông trục chính luôn tiềm ẩn các vụ việc vi phạm đất đai, xây dựng

Theo thống kê của các quận, huyện gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết tháng 10-2019, toàn thành phố có 6.194 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Cụ thể là quận Đồ Sơn có 252 trường hợp, Thủy Nguyên có 860 trường hợp, quận Hải An có 956 trường hợp, huyện Kiến Thụy có 28, quận Lê Chân có 1.217, quận Hồng Bàng có 4 trường hợp, huyện Tiên Lãng có 463 trường hợp, quận Dương Kinh có 131 trường hợp, huyện Cát Hải có 94 trường hợp, huyện Vĩnh Bảo có 300 trường hợp, quận Kiến An có 323 trường hợp , huyện An Dương có 609 trường hợp, huyện An Lão có 948 trường hợp và quận Ngô Quyền có 9 trường hợp. Trong đó các địa phương đã xử lý 1.236 trường hợp.

Bên cạnh đó, còn có 74 tổ chức sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích và vi phạm pháp luật về đất đai tại 9 quận, huyện. Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng  đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 17/74 trường hợp.

Thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra tình trạng trên là do thời gian vừa qua công tác quản lý đất đai, xây dựng tại một số địa phương trên địa bàn thành phố còn bị buông lỏng, chưa quyết liệt khiến số vụ vi phạm có chiều hướng gia tăng. Đây cũng là hệ lụy từ việc cán bộ chuyên môn cấp cơ sở vừa thiếu, vừa yếu. Mặt khác, do có tâm lý nể nang, chưa xử lý kịp thời, triệt để nên hầu hết các trường hợp khi được phát hiện thì đã xây dựng xong các công trình kiên cố, dẫn đến khó khăn trong việc khắc phục về tình trạng ban đầu.

Công trình xây dựng trái phép tại các địa phương

Chưa hết, quy định pháp luật trong lĩnh vực nói trên cũng đang có những bất cập. Hiện, việc phát hiện và xử phạt vi phạm đối với hành vi “Xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp” bị xử lý theo quy định tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đơn cử đối với các hành vi này, tại khoản 4 Điều 6 của Nghị định này thì biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất” và “ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”. Tuy nhiên, cả hai hành vi này đều chưa có chế tài cụ thể để thực hiện, do vậy việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả rất khó khăn dẫn tới tồn tại nhiều trường hợp vi phạm ở các địa phương. 

Về phía các tổ chức, cá nhân vi phạm thì hiểu biết về pháp luật đất đai, xây dựng rất hạn chế, trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thì chưa đáp ứng yêu cầu.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 5-7-2017 về rà soát, chấn chỉnh, thực hiện thu hồi đất nông nghiệp do vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố. Trong đó hướng dẫn các quận, huyện rà soát toàn bộ quỹ đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình cá nhân, phân loại các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, kiểm tra, thanh tra để xác định các hành vi, xử lý vi phạm.

Cũng theo quy định tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 thì Chủ tịch UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Do vậy, trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý đất đai, xây dựng là rất lớn.

Đối với các công trình giao thông đang trong thời gian thi công, các nhà thầu phải có trách nhiệm quản lý diện tích đất trong phạm vi tuyến đường đang trong giai đoạn thi công, kịp thời ngăn chặn hoặc thông báo với cơ quan có thẩm quyền về các hành vi lấn, chiếm đất đai của các tổ chức, cá nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.

Các cơ quan chuyên ngành như Sở Xây dựng phối hợp cùng các chính quyền địa phương công bố chi tiết và cắm mốc các quy hoạch để người dân biết, hạn chế việc lấn, chiếm đất đai. Đồng thời với đó là việc tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đất đai, các chế tài xử lý khi vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông