Vỉa hè du ký

17:26 08/04/2009

Có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới người ta lại coi những khoảng vỉa hè bé nhỏ vốn gánh vác chức năng công ích, lại là nơi cưu mang cuộc sống của biết bao người như ở nước ta, không biết tự bao giờ trăm ngàn vạn kế mưu sinh nơi này đã tạo nên một nguồn thu không hề nhỏ...
Có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới người ta lại coi những khoảng vỉa hè bé nhỏ vốn gánh vác chức năng công ích, lại là nơi cưu mang cuộc sống của biết bao người như ở nước ta, không biết tự bao giờ trăm ngàn vạn kế mưu sinh nơi này đã tạo nên một nguồn thu không hề nhỏ...

Đường Điện Biên Phủ có “phố xổ số”
Đường Điện Biên Phủ có “phố xổ số”

Kỳ 1: Mưu sinh ở vỉa hè

Phải thừa nhận, ngoài sự kiết kiệm về thời gian, giá cả, sử dụng dịch vụ vỉa hè có cái thú riêng là hưởng thụ không khí thoáng đạt dân dã, nghe được nhiều chuyện trên trời dưới đất, tổng hợp lại thì những điều lượm lặt được ở đây chính là một môi trường sống giúp cho người ta vỡ vạc được nhiều điều.

Chưa thể thống kê chi tiết những nghề dành cho người nghèo ở vỉa hè, có thể là hàng trăm, hàng ngàn nhưng phân nhóm lại chủ yếu là hai dạng hình: kinh doanh và dịch vụ. Kinh doanh điển hình nhất là bán nước, quà sáng, giải khát, rau quả, hàng rong… và có khi chiếm cả đoạn hè dài như chợ đồ cũ ở phường Quang Trung, Phạm Hồng Thái… Còn dạng hình dịch vụ cũng đa dạng như xe ôm, cắt tóc, trông xe, dán đề can, sửa xe đạp, đánh giầy…

Đường Lạch Tray có một hàng rào bao mà cũng tới hơn chục chiếc gương của thợ cắt tóc, mà hình như anh chàng nào hành nghề “cầm đầu thiên hạ” mồm cũng dẻo như kẹo, biết làm cho khách hàng thư giãn. Cắt tóc vỉa hè có một điều không kém quan trọng là giá mềm và quen thợ đôi khi còn đẹp hơn cả những cửa tiệm sang trọng. Anh Trung, một người thợ quen cho biết, khách hàng ở đây chủ yếu là sinh viên, bình quân 10.000 đồng/ lần, mỗi ngày “cắt” được 10 cái đầu, vào dịp tết đứng chồn gối từ sáng đến tối có hôm kiếm được mấy trăm nghìn đồng. Nhưng cũng với công suất “cắt” đầu “cỏ” thế này, nếu tính giá trên khu vực trung tâm như đường Lê Đại hành, Điện Biên Phủ… thu nhập phải lên gấp rưỡi. Dù là nghề dễ học, vốn ít, nhưng nếu không có vỉa hè mà phải thuê cửa hiệu, đồng nghĩa với việc phải mua sắm dụng cụ sang trọng, quá xa với khả năng của người lao động nghèo.

Còn ở đường Lê Lợi, mỗi buổi tối vợ chồng anh Tiến lại trải ra đường vài tấm vải mưa, đổ giầy giá rẻ mượn ánh sáng đèn đường để ngồi “câu” khách vãng lai. Bán được đôi giầy giả da Trung Quốc lãi từ 10.000 đến 15.000 đồng, bình quân cũng được khoảng 100.000 đồng/ tối.

Anh tâm sự, nhà ở Dương Kinh, có vài sào ruộng đã giao cho doanh nghiệp hết, đứng tuổi không ai nhận làm công nhân nữa nên hai vợ chồng nghĩ ra kế này, nhưng chỉ dám bán buổi tối, làm ban ngày sợ bị thu hết hàng… Từ ngày việc bắt buộc người ngồi trên xe gắn máy đội mũ bảo hiểm được thực hiện quyết liệt, trên vỉa hè xuất hiện thêm một nghề mới là sửa mũ bảo hiểm. Nhưng vì hiện nay giá mũ bảo hiểm quá rẻ mà cũng chẳng mấy khi bị hỏng, nên ông Long, người mới bắt đầu bước vào nghề hiện vẫn chưa chọn được điểm ngồi. Ban đầu ông làm ở cầu Rào nhưng chỉ được vài hôm lại phải bỏ đi, qua mấy tuyến đường rồi mà chưa thấy ổn. Thông thường người đến sửa mũ cũng chỉ là thay khóa, rút quai, thi thoảng có mấy “ông nghiện” cắt trộm được mũ ở đâu đem đến tân trang, mỗi ngày ông Long chỉ kiếm được vài ba chục nghìn đồng.

Nghề dễ kiếm tiền nhất ở vỉa hè có lẽ là bán nước, không cần sắm nhiều dụng cụ, chỉ một đôi tích ủ nóng, mấy chiếc ghế nhựa bệt… kiếm chỗ gần hàng ăn hoặc công sở. Chị H. bán nước ở bến xe Tam Bạc nhẩm tính, sơ sơ mỗi ngày bán 100 chén trà được 50.000 đồng, trừ đi hết 10.000 (hai lạng trà rẻ tiền), thuốc lá bán lẻ ngày chạy ngày ế bình quân cũng được bảy tám chục nghìn. Chị H. bảo thời gian đầu mới bán, thấy khách bốc vác vào ngồi nói chuyện băm bổ mà vừa rót nước vừa run cầm cập, mấy năm nay quen rồi, bảo đổi nghề khác chưa chắc chị đã đổi.

Không phải lúc nào ở vỉa hè người ta cũng kiếm ra tiền, có những anh “tài ôm” cả ngày ngồi ngáp vặt cũng không được “cuốc” nào, rồi thì hàng bún lại sang ăn chịu đỡ cho hàng xôi, hàng xôi giải quyết khâu ế cho hàng bánh mỳ pa-tê… nhiều khi “lá lành đùm lá rách” nghĩ mà tội.

Từ khu vực trường đảng Tô Hiệu kéo dài đến cổng Trường đại học Hàng hải chỉ có vài chục mét, thế mà vào ban ngày đã có hơn chục người hành nghề xe ôm, 7 thợ đánh chìa khóa, 8 hàng bán xổ số, 5 hàng nước, 4 hàng chụp ảnh CMND… Vào buổi chiều muộn đến đêm, khu vực này “đổi ngôi” cho hàng chục quán bia hơi, kéo nước sinh tố, và cũng cỡ chục “sạp” quần áo, chăn gối, giầy dép… Một thợ khóa đã ngoài 60 tuổi có biệt danh là Dũng “lùn” than thở: “Ngày càng nhiều người ra vỉa hè, nghề ngỗng người có người không, nhiễu loạn hết cả, ngoài đánh khóa tôi vẫn phải chạy thêm xe ôm mới mong có miếng ăn”.

Nhưng điều căn bản nhất đối với dân nghèo buôn bán dịch vụ vỉa hè là không có xác nhận sở hữu quyền sử dụng, ngồi đấy mà nơm nớp lo ngày mai bị đuổi. Họ làm ăn thiếu ổn định, ngày nắng ngày mưa, đa số là không còn biết dựa vào nguồn sống nào.

(Còn nữa)



LÊ MINH THẮNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông