16:03 27/12/2014
Những năm gần đây, việc ứng dụng phương pháp trị liệu bằng ô xy cao áp (HBOT) đang ngày càng phát triển ở các nước có nền khoa học tiên tiến, nhưng còn khá mới mẻ ở nước ta. Viện Y học biển Việt Nam là một trong những cơ sở y tế đã ứng dụng thành công phương pháp trị liệu bằng ô xy cao áp trong cấp cứu tai biến lặn và cấp cứu nội khoa, điều trị nhiều loại bệnh lý ở lâm sàng, điều trị phục hồi chức năng, phục hồi sức khỏe và thẩm mỹ… Theo GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện y học biển Việt Nam giải thích rằng: Đây là phương pháp sử dụng ô xy nguyên chất để cho bệnh nhân thở trong điều kiện áp lực cao. Dưới áp lực cao, một phần ô xy được hòa tan trong huyết tương, khuếch tán vào các mô cơ thể của người bệnh mà phát huy tác dụng sinh lý. Các tác dụng sinh lý học của ô xy cao áp có thể chữa khỏi rất nhiều bệnh nan y ở lâm sàng. Chẳng hạn như bệnh nhân bị chướng hơi trong bụng khi được điều trị trong buồng cao áp sẽ làm giảm tức bụng và nhờ thở ô xy cao áp sẽ tạo ra chênh lệch áp suất lớn để đào thải khí ni tơ ra khỏi ruột. Đối với hoại thư sinh hơi, sức nén trong buồng cao áp sẽ làm giảm kích thước các bóng khí do vi khuẩn sinh ra trong các mô bị tổn thương, gây căng tức các mô, làm cho bệnh nhân đau đớn, mạch máu đến nuôi mô bị chèn ép làm cho máu không thể lưu thông đến vết thương, làm cho hoại tử rất nhanh. Do đó làm giảm căng tức ở mô bằng cách làm giảm kích thước các bóng khí sẽ làm tăng thoát dịch, tái lưu thông máu, giảm tính thấm thành mạch, do đó có tác dụng làm giảm đau và vết thương phục hồi nhanh. Sự thay đổi áp suất cũng là nguyên nhân gây ra các tổn thương cho người thợ lặn và phải thực hiện trị liệu cao áp như: đau tai giữa, chảy máu xoang, xuất huyết phổi, vỡ phổi… Trung tâm Y học dưới nước và ô xy cao áp của Viện Y học biển Việt Nam đã ứng dụng hiệu quả phương phát trị liệu bằng ô xy cao áp (HBOT) để điều trị các bệnh như: ngộ độc carbon, giảm áp, nghẽn mạch do khí hoặc không khí cấp tính, hoại thư sinh hơi, thiếu máu do chấn thương cấp tính; các vết loét do viêm tắc tĩnh mạch, động mạch; các tổn thương do đái tháo đường; viêm tủy xương mãn tính; hoại tử do bức xạ; bỏng nhiệt… Điển hình như các ca: Bệnh nhân Hoàng Thị O (sinh 1970), ở Đồ Sơn, do nhà bị mất điện lưới nên chạy máy phát điện để dùng điều hoà trong khi các cửa đều đóng kín. Mãi đến khi không thấy nạn nhân thức dậy, gia đình mới kêu hàng xóm trợ giúp phá cửa vào thì phát hiện cả 2 vợ chồng nạn nhân bất tỉnh. Các nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Đồ Sơn cấp cứu, nhưng chồng nạn nhân đã tử vong. Bệnh nhân O được đưa lên Bệnh viện Đại học Y Dược Hải Phòng cấp cứu nhưng không đỡ nên nhanh chóng được chuyển lên Khoa hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Việt - Tiệp điều trị tiếp. Tại đây, bệnh nhân được hồi sức, thở ô xy tinh khiết nhưng không thấy có tiến triển nên được giới thiệu chuyển về điều trị tại Trung tâm Y học dưới nước và ô xy cao áp - Viện Y học biển Việt Nam trong tình trạng da toàn thân và niêm mạc đỏ, bị mất ý thức, kích thích, vật vã, giãy giụa mạnh, khó thở, mạch nhanh, tần số mạch là 108 lần /phút; đùi trái có vết bầm dập, sưng nề, cẳng chân trái có một số chỗ bầm tím… Các bác sĩ Viện Y học biển Việt Nam chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc khí cacbon monocide (CO) do hít phải khói máy phát điện ở giai đoạn muộn (7 giờ sau khi bị nạn) và chỉ định điều trị khẩn cấp bằng trị liệu ô xy cao áp (HBOT). Đây là một trường hợp ngộ độc khí cacbon monoxide (CO) rất nặng và bị tiêu cơ vân do đụng dập cơ đùi trái nặng đã được Trung tâm Y học dưới nước và ô xy cao áp cấp cứu thành công bằng trị liệu ô xy cao áp. Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã được xuất viện. Bệnh nhân Bùi Thị T (sinh năm 1950) nhập Viện Y học biển Việt Nam trong tình trạng da vùng mu bàn chân và gan bàn chân trái viêm tấy đỏ, sờ nắn có cảm giác đau chói; có 2 vết hoại tử đen vùng buýp ngón chân III và gan bàn chân, ổ hoại tử ở gan bàn chân trái có mủ thối; không đi được và bị nhiễm trùng toàn thân. Bệnh nhân vào Viện với tình trạng nhiễm trùng nặng được chẩn đoán là “Nhiễm trùng hoại thư sinh hơi bàn chân trái trên bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 và tăng huyết áp nặng” có chỉ định cắt cụt chi, đã được điều trị bằng phương pháp trị liệu ô xy cao áp liều cao (HBOT) kết hợp với kháng sinh và chăm sóc ngoại khoa. Qua 4 tuần điều trị theo liệu trình HBOT kết hợp với điều trị ngoại khoa đã cho kết quả tốt. Bệnh nhân T đã được cứu sống mà không cần phải cắt cụt chi; đến nay các tổn thương đã liền sẹo dần và bệnh nhân đã tự đi lại được. Từ năm 2007, Viện Y học biển Việt Nam bắt đầu triển khai phương pháp điều trị ô xy cao áp trong điều trị lâm sàng cho tai biến lặn biển và các bệnh lý lâm sàng khác. GS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết: Trong quá trình điều trị bằng ô xy cao áp, chúng tôi thấy bên cạnh tác dụng điều trị chính, đa phần bệnh nhân nhận thấy tình trạng giấc ngủ được cải thiện khá rõ. Do đó, trong 2 năm trở lại đây, Viện Y học biển Việt Nam đã mở rộng chỉ định điều trị cho những trường hợp bệnh nhân mất ngủ (tiên phát và thứ phát), sau đợt điều trị, đa phần bệnh nhân đều cải thiện rất tốt giấc ngủ. Người bị mất ngủ có nguy cơ mắc chứng lo âu và trầm cảm cao hơn gấp 5 lần, nguy cơ phát triển suy tim sung huyết và bệnh tiểu đường cao gấp 2 lần và có nguy cơ tử vong cao hơn. Đến nay, Viện Y học biển Việt Nam đã điều trị thành công bệnh mất ngủ bằng phương pháp trị liệu ô xy cao áp. Trần Phương |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết