18:23 06/11/2019 13h20 ngày 1-11-2019, Trung tướng Đặng Kinh – người chỉ huy kiệt xuất của Quân đội nhân dân Việt Nam, niềm tự hào tiêu biểu của phong trào đấu tranh cách mạng Hải Phòng đã từ trần. Trái tim ông ngừng đập, nhưng chiến công và tinh thần của ông còn sáng mãi, hòa chung vào khí phách chói ngời của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Trung tướng Đặng Kinh (1921-2019)
Tài năng quân sự thiên bẩm
Trung tướng Đặng Kinh tên thật là Đặng Văn Rợp, ông sinh năm 1921 tại xã Bắc Sơn, huyện An Lão cũ (nay là phường Bắc Sơn, quận Kiến An). Ông thoát ly gia đình khá sớm, năm 1933 đã ra làm phu mỏ ở vùng than Quảng Ninh.
Từ đây ông tham gia các hoạt động phong trào, trở thành người liên lạc của lãnh tụ cách mạng Tô Hiệu (lúc đó là Bí thư khu xứ ủy B bao gồm Kiến An, Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh) năm 1937.
Năm 1941, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, đến tháng 7-1944 ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được cử đi học lớp huấn luyện quân sự tại Thái Nguyên, cuối năm đó ông trở thành một trong 7 thành viên đầu tiên của Mặt trận liên tỉnh Hải – Kiến. Kể từ đó, phong trào cách mạng nhanh chóng lan rộng khắp vùng, đặc biệt là sự kiện thành lập Chính quyền nhân dân đầu tiên của vùng duyên hải Bắc Bộ tại Kim Sơn (Tân Trào, Kiến Thụy ngày nay) vào tháng 7-1945.
Trước khí thế cách mạng dâng cao, quân Nhật điều lực lượng tinh nhuệ tấn công khủng bố vào Kim Sơn, Đặng Kinh đã cùng đồng đội và nhân dân địa phương dung cảm chống trả. Đây cũng là trận đánh đầu tiên ông tham gia và chỉ huy, quân ta chỉ có hai khẩu súng trận, hai khẩu súng săn, nhưng cơ bản không đủ để tiêu diệt địch.
Đặng Kinh và đồng đội của mình dùng mã tấu, võ thuật, lợi dụng thế làng đánh giáp lá cà với địch, buộc quân Nhật phải rút lui ngay sau đó. Từ trận đánh này, “tiếng trống Kim Sơn” đã trở thành biểu tượng tinh thần kháng chiến không riêng của Hải Phòng, Kiến An, đồng thời được rút kinh nghiệm áp dụng thành công vào cuộc trường kỳ kháng chiến sau này.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng (hiện là Ủy viên TW Đảng, Thượng tướng -Thứ trưởng Bộ Công an) trong một lần thăm đồng chí Đặng Kinh (trái)
Sau trận đánh, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy, lực lượng kháng chiến Kim Sơn thành lập một đại đội, do đồng chí Đặng Kinh giữ cương vị chỉ huy, được coi là nòng cốt vũ trang địa phương thời điểm đó. Đêm 14-8-1945, đại đội đột kích Phủ Kiến Thụy giành chính quyền, thu được 12 súng, tiếp đó ngay sáng hôm sau lại đột kích giành chính quyền Phủ Tiên Lãng.
Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công ở Hà Nội, Ủy ban khởi nghĩa Hải – Kiến được thành lập, đơn vị của ông đã cùng nhân dân lần lượt giành chính quyền ở Kiến An, Hải Phòng, kết thúc cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vào 23-8-1945. Năm 1946, Đặng Kinh được điều về làm Chỉ huy trưởng huyện đội Kiến Thụy, kiêm Chỉ huy trưởng du kích tỉnh Kiến An.
Với diễn biến cách mạng nhanh chóng, như một cú chớp của thời gian, nước Việt Nam dân chủ cộng hào được thành lập, chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Trong đó, cũng đồng thời khẳng định ý chí sắc bén, tài năng quân sự thiên bẩm của đồng chí Đặng Kinh, khi trở thành người chỉ huy một lực lượng chiến đấu khi ông mới 25 tuổi.
Lễ tang Trung tướng Đặng Kinh được cử hành trọng thể
Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng
Nhà nước non trẻ dân chủ nhân dân đã chấm dứt ách đô hộ gần 100 năm của thực dân ngoại bang, tuyên ngôn độc lập với toàn thế giới. Nhưng giặc Pháp mưu toan quay lại cướp nước ta một lần nữa, Hải Phòng trở thành tiền đồn đầu tiên ở miền Bắc đọ sức với kẻ thù.
Từ cảng Hải Phòng, vũ khí khí tài quân sự của quân Pháp được bổ sung cho lực lượng của chúng ở các địa phương khác bằng huyết mạch đường 5. Nắm được điều này, đồng chí Đặng Kinh đã đề xuất được trực tiếp chỉ huy một đại đội, đón long ở An Dương đánh chặn địch.
Ngày 28-11-1946, tiền quân của Pháp đụng độ với đơn vị ông tại Cam Lộ (Hùng Vương, Hồng Bàng ngày nay), quân Pháp bị đánh tơi tả thương vong đến nửa quân số. Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đặng Kinh cùng các đồng chí của mình đã tích cực vận động tham chiến, nổi bật là trận đánh với một tiểu đoàn địch, diệt 126 tên.
Trong giai đoạn kháng chiến trường kỳ, Đặng Kinh lần lượt giữ các chức vụ Chỉ huy phó rồi Chỉ huy trưởng tỉnh Kiến An, Thành đội trưởng Hải Phòng, tên tuổi của ông và đồng đội đã khiến cho quân Pháp khiếp sợ suốt một vùng tả ngạn sông Hồng.
Đặc biệt là trận tập kích sân bay Cát Bi, viết lên bản hùng ca “Cát Bi rực lửa” góp phần đắc lực vào chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng của dân tộc. Đây là sân bay lớn nhất của địch ở Đông Dương, được nâng cấp để trực tiếp phục vụ tập đoàn cứ điểm Điện Biên. Tại đây, giặc lập vành đai trắng, xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, đồng thời bố trí 13 cụm phòng không và đặt 5 đồn bốt kiên cố chốt dọc tuyến đường 14 nhằm phòng ngự từ xa.
Thời gian này, với cương vị là Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kiến An, Đặng Kinh đã chỉ đạo thành lập đơn vị đặc biệt, lấy vùng Hòa Nghĩa (nay thuộc quận Dương Kinh) dựa vào dân lập căn cứ. Các chiến sỹ của ta đã không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, thực hiện nhiều đợt trinh sát kỹ lưỡng, đề xuất chiến lược tập kích.
Ngày 7-3-1954, 32 chiến sỹ của Tỉnh đội Kiến An đã đột kích Cát Bi, vượt qua 2 tuyến phòng thủ của 5 tiểu đoàn địch (có 4 tiểu đoàn Âu, Phi), dùng bộc phá, phá huỷ 59 máy bay, 1 kho bom. Sau trận đánh này, Đặng Kinh cùng những chiến sỹ tham gia đã vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu “Đoàn dũng sỹ Cát Bi”.
Đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố Hải Phòng do đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đến viếng đồng chí Trung tướng Đặng Kinh
Từ tháng 1-1955, Đặng Kinh lần lượt giữ các chức vụ Tham mưu phó rồi Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn kiêm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 328. Từ năm 1960 ông là Cục phó cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu, rồi Cục trưởng cục liên lạc đối ngoại Bộ Quốc phòng.
Tháng 4-1966, trước yêu cầu chiến trường, ông được cử làm Phó Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên - Huế. Tháng 4-1968, ông là Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn. Tháng 3-1977, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục xây dựng kinh tế Bộ Quốc phòng. Từ năm 1978, ông là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Với những thành tích trong quá trình công tác, ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1982), được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Sau khi rời quân ngũ nghỉ hưu theo chế độ, Trung tướng Đặng Kinh về Hải Phòng sinh sống, nhưng tinh thần cống hiến của ông không ngừng nghỉ. Ông tiếp tục tham gia Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng tới 12 năm.
Được nhiều lần vinh dự tiếp kiến ông, người viết bài này luôn thấy ở ông toát lên một tính cách đặc biệt kiên định, kiên trung, tỏa sáng từ tấm gương mẫu mực của người chiến sỹ cách mạng.
Trung tướng Đặng Kinh đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng niềm tự hào ông còn để lại mãi cho Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân thành phố Cảng.
Đúng như lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định về ông: “Anh là một đảng viên trung kiên, một vị tướng có đức, có tài, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Quân đội giao phó. Anh là con người trung thực, thẳng thắn, sống trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội”.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh