17:09 07/01/2022 Trên sân quần vợt, thời điểm của Novak Djokovic là hoàn hảo. Nhưng khi anh ấy đến Australia tham dự giải Grand Slam đầu tiên trong năm mà không tiêm vaccine COVID-19, đó chắc chắn là một trải nghiệm khó có thể tồi tệ hơn.
Khi Djokovic hạ cánh ở Melbourne ngày 5/1 để chuẩn bị cho giải Úc Mở rộng 2022, anh thấy mình đang ở trong một thành phố bị bủa vây bởi các ca nhiễm COVID-19.
Ban đầu, tay vợt số 1 thế giới được cho là sẽ được miễn trừ y tế để tham gia giải đấu Grand Slam nơi anh đã từng 9 lần đăng quang. Tuy nhiên hải quân sân bay Melbourne đã từ chối các giấy tờ mà Djokovic, một người phản đối tiêm vaccine COVID-19, xuất trình, huỷ bỏ thị thực của anh và yêu cầu ngôi sao quần vợt Serbia rời Australia trong một động thái được nhiều người dân nước này ủng hộ.
Sự phản đối công khai của ngôi sao quần vợt với việc tiêm vaccine COVID-19 đã gây bất bình ở một thành phố nơi 92% dân số đủ điều kiện đã tiêm chủng đầy đủ.
Theo AP, Djokovic hiện đang kháng cáo yêu cầu trục xuất và vẫn ở Melbourne, bị giữ lại trong một khách sạn dành cho người tị nạn.
Djokovic khi chờ làm thủ tục với Lực lượng Hải quan Australia tại sân bay Melbourne ngày 5/1. Ảnh: AP
Thủ tướng Australia Scott Morrison, người ban đầu không phản đối chính quyền bang Victoria cho Djokovic ngoại lệ không tiêm vaccine, đã nhanh chóng chấp nhận quyết định từ chối nhập cảnh. Điều này đặt ra câu hỏi về việc quyết định từ chối tay vợt nam hàng đầu thế giới, nhà đương kim vô địch giải Úc Mở rộng, có thể mang yếu tố chính trị.
Ông Morrison nói: “Không ai đứng trên quy tắc. Các chính sách biên giới mạnh mẽ của chúng tôi là rất quan trọng khiến Australia là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới. Chúng tôi đang tiếp tục cảnh giác”.
Trong khi đó, cựu giám đốc giải Úc Mở rộng, tay vợt Davis Cup Paul McNamee cho rằng cách đối xử với Djokovic là không công bằng. “Anh ấy theo đúng luật, anh ấy có visa, anh ấy đã đến, anh ấy là nhà vô địch 9 lần và dù mọi người có thích hay không thì anh ấy có quyền chơi một cách công bằng", McNamee phát biểu với đài ABC và nói thêm: "Tôi ghét nghĩ rằng chính trị có liên quan nhưng có cảm giác như vậy."
Trong hai năm đầu tiên của đại dịch, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Morrison, Australia đã theo đuổi chính sách “Zero COVID”, tìm cách loại bỏ virus thông qua các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và đóng cửa ở trong nước. Người Úc không thể ra nước ngoài trừ những trường hợp đặc biệt và nhiều người sống ở nước ngoài không thể trở về.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở bang Victoria.
Nhưng trong những tháng gần đây, chính phủ của Thủ tướng Morrison đã chuyển hướng sang cách tiếp cận sống chung với COVID-19 bao gồm mở cửa biên giới và các biện pháp hạn chế trong nước nhẹ nhàng hơn. Ông đã thực hiện các thay đổi ngay khi biến thể Omicron rất dễ lây lan bắt đầu xuất hiện tại Australia.
Thủ tướng Morrison, người đang tìm cách tái tranh cử vào tháng 3 tới đây, đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề vì chiến lược mới. Nhưng ông đã chỉ ra tỷ lệ tử vong thấp và nền kinh tế vững mạnh của Australia - đều nằm trong tốp tốt nhất trên thế giới - là bằng chứng cho thấy ông có thể chèo lái đất nước vượt qua khủng hoảng.
“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc cưỡi trên ngọn sóng Omicron”, ông Morrison nhấn mạnh.
Thủ tướng Australia cũng bị chỉ trích vì không đảm bảo đủ các xét nghiệm kháng nguyên nhanh chóng để giảm áp lực từ các địa điểm xét nghiệm PCR, nơi thời gian chờ đợi ở một số bang đã vượt quá 5 giờ. Ông đã từ chối cung cấp rộng rãi và miễn phí các xét nghiệm nhanh.
Bang đông dân nhất New South Wales đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Omicron hiện tại sau khi Thủ hiến bang Dominic Perrottet nới lỏng quy định về khẩu trang và các quy tắc khác. Các bang khác thì chậm hơn trong việc nới lỏng các hạn chế, tạo ra căng thẳng giữa các bang và chính phủ liên bang.
Trong khi đó, việc Australia hủy visa của Djokovic không được chấp nhận ở Serbia, nơi anh là một anh hùng dân tộc. Tổng thống Serbia đã lên án hành động này và gia đình Djokovic cũng lên tiếng tức giận trước những gì họ miêu tả là một sự sỉ nhục đối với người dân Serbia.
Djokovic đã phải chờ đợi thủ tục ra tòa trong một khách sạn bình dân ở Melbourne. Những người ở đó bao gồm người tị nạn và xin tị nạn đã được chuyển đến từ các trung tâm giam giữ ngoài khơi của Australia, ở Đảo Manus và Nauru. Vào tháng 10/2021, một đợt bùng phát COVID-19 tại khách sạn đã lây nhiễm cho khoảng một nửa trong số 46 người xin tị nạn bị tạm giữ ở đó.
Anh trai của Djokovic, Djordje bức xúc: “Djokovic bị đối xử như một tên tội phạm, trong khi anh ấy là một người khỏe mạnh và tử tế, đồng thời là một vận động viên thể thao không gây nguy hiểm đến tính mạng của bất kỳ ai và không vi phạm bất kỳ hành vi phạm pháp liên bang hoặc luật pháp nào”.
Melbourne đã ghi nhận 21.728 trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào ngày 7/1. Đến 9 giờ sáng, 18 địa điểm xét nghiệm PCR do nhà nước điều hành đã hết công suất và đóng cửa. Vào năm 2020 và 2021, cư dân Melbourne đã trải qua 256 ngày chịu những hạn chế lớn về di chuyển và tụ tập.
Djokovic hạ cánh xuống thành phố trong bối cảnh đó, sau khi có tin anh được miễn trừ y tế. Lúc này, quy trình dẫn đến quyết định miễn trừ đó hiện đang được xem xét lại. Tennis Australia, đơn vị tổ chức giải Úc Mở rộng, khẳng định quyền miễn trừ của Djokovic được cấp bởi một hội đồng độc lập gồm các chuyên gia y tế làm việc mà không biết họ đang đánh giá đơn xin chủng ngừa của ai.
Người ta cũng chưa biết làm thế nào Djokovic có thể lên máy bay ở Dubai và tại sao anh không được thông báo rằng mình có thể bị khước từ ở biên giới Australia.
Bộ trưởng Nội vụ Australia Karen Andrews ngày 7/1 đã bác bỏ các ý kiến cho rằng tay vợt số 1 thế giới người Serbia, Novak Djokovic đang bị “giam giữ” và khẳng định anh có thể tự do rời khỏi Australia bất cứ lúc nào.
Theo báo Tin tức
13:05 27/12/2024
08:33 16/12/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh