22:00 21/12/2016 Kỳ 1: Khổ luyện để thành tài
Kỳ 1: Khổ luyện để thành tài Cứ đến dịp cuối năm, khán giả đất Cảng lại quen với tiếng rao rổn rảng phát ra từ những chiếc loa thùng đặt trên xe tải vang vọng khắp những con phố đầy mời gọi: Đoàn xiếc Trung ương đã về biểu diễn... Sức hấp dẫn đến từ những cô gái, chàng trai tài năng, những chú hề, nhà ảo thuật tài ba hay những con thú đáng yêu... luôn khiến các cháu nhỏ, thậm chí ngay cả những bậc phụ huynh cũng cảm thấy hào hứng, muốn một lần đi xem cho biết. Ít ai biết rằng, những người nghệ sỹ xiếc ấy, họ không phải là siêu nhân, cũng có những niềm vui, nỗi buồn với công việc đã gắn bó suốt tuổi thanh xuân của mình... Gian nan học nghề Đoàn xiếc 2 - Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa về biểu diễn 6 buổi tại Hải Phòng. Gặp gỡ chúng tôi bên ngoài sân khấu xiếc khổng lồ dựng tại Sân vận động Máy Tơ, nữ nghệ sỹ xiếc trẻ Nguyễn Thị Tố Uyên trông trẻ hơn nhiều so với sự thành thục, duyên dáng trên sân khấu khi cô biểu diễn tiết mục “đế kiếm trên cao”. Tố Uyên cho biết: “Em mới ra đoàn, chính thức đi biểu diễn ăn lương được gần 3 năm, nhưng đã gắn bó với nghề xiếc từ lâu rồi...”. Hóa ra, cô gái mới chỉ 20 tuổi đời này đã có đến hơn chục năm tuổi nghề. “Năm 2006, em đang học lớp 5 thì trường xiếc về tuyển. Nhận giấy mời đến trường dự tuyển, em qua được cả 3 vòng và được vào học từ đó. Sáng em học chuyên môn, chiều học văn hóa...” - Uyên kể. Là trường đặc thù cả về công tác tuyển sinh lẫn đào tạo, mỗi mùa tuyển sinh, lãnh đạo nhà trường phải trực tiếp đi khắp nơi trong cả nước để sơ tuyển học sinh. Trong số vài nghìn hồ sơ dự tuyển, trường cũng chỉ lấy được 30 - 50 người có tiềm năng. Để trở thành một diễn viên xiếc, các em phải thực sự khổ luyện trong 5 năm. Hai năm đầu, các em sẽ được học các môn như: cơ bản thăng bằng, cơ bản nhào lộn, cơ bản thể thao và cơ bản tung hứng. Căn cứ vào năng khiếu và kết quả học tập của 2 năm này, bắt đầu từ năm thứ 3, học sinh được chia theo chuyên ngành để luyện tập chuyên sâu và luyện tập tiết mục cho đến khi tốt nghiệp. Tố Uyên cũng vậy, đến năm thứ 3 tại trường xiếc, cô được tập tung hứng trên xe đạp một bánh. Uyên dùng tiết mục này để báo cáo tốt nghiệp. Tiết mục đỉnh cao “đế kiếm trên cao” của Tố Uyên bắt đầu khi cô được cọ xát thực tế tại đoàn xiếc trung ương - nơi cô làm việc. Hai năm ở đoàn, Uyên phải tập kết hợp cùng một bạn khác để thao tác thật tốt chứ không chỉ học đơn thuần như ở trong trường. Tiết mục “Cô gái trong tranh” được dàn dựng công phu với nét văn hóa dân tộc được thể hiện đậm đà: Hai cô gái như hai thiếu nữ trong những bức tranh tứ bình xưa, diện áo dài lớp lang xinh đẹp, cùng thực hiện những động tác đế kiếm cực khó, công phu trên một chiếc đu treo lơ lửng giữa trời, trong tiếng nhạc dân tộc dịu dàng... “Qua 2 năm khổ luyện, tiết mục “Thiếu nữ trong tranh” của hai chúng em đã đoạt giải tại cuộc thi Tài năng xiếc trẻ ba nước Đông Dương năm 2015" - Uyên tự hào cho biết. Niềm vui đoạt giải NSƯT Mạnh Cường - Trưởng đoàn xiếc 2, Liên đoàn xiếc Việt Nam kể, trong số 3 đoàn thì đoàn 2 là đông nhất, có quân số đến 52 người. Ngoài một ít cháu trẻ mới vào đoàn như Tố Uyên thì đa số còn lại đều là cái đám “già dơ” - anh dí dỏm nhắc đến một loạt nghệ sỹ ưu tú của đoàn. Một trong những “cây đa, cây đề” của đoàn là NSƯT Tiến Hưng, một trong cặp bài trùng xiếc hề Tiến Mạnh - Tiến Hưng vang bóng một thời của làng xiếc Việt. Nay đã 57 tuổi, có lẽ sẽ hiếm hoi là người được nghỉ hưu với nghề diễn viên xiếc, anh Tiến Hưng kể: “Tôi ra trường năm 1981, rồi về rạp xiếc Trung ương (thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam) biểu diễn tiết mục nhào lộn, sau đó thì làm cầu bật sào. Năm 1984, NSƯT Tiến Mạnh khi đó làm xiếc hề ở đoàn thì bạn diễn đi Pháp. Anh Mạnh chọn người diễn cặp nên tôi chuyển sang hề và làm từ đó đến nay đã được 22 năm...”. Gần nửa đời người gắn bó với những tiết mục hề đủ để Tiến Hưng hiểu hết từng ngóc ngách của nghề, cũng như thấm thía những vui buồn của những chàng hề mũi đỏ. Theo anh, niềm vui lớn nhất của người nghệ sỹ hề là tìm được sự đồng điệu của khán giả, khiến họ phá lên những tràng cười sảng khoái xua tan đi biết bao lo lắng, mệt nhọc đời thường: “Là nghệ sĩ hề, cứ bước ra sân khấu thì nhiệm vụ quan trọng là phải làm cho khán giả cười, dù lòng mình ngổn ngang đến mấy. Mà cuộc sống, tránh sao được những phút giây buồn bã hay gặp những chuyện không may, khi đó chỉ đành nén buồn đau để đem đến tiếng cười cho khán giả. Thế rồi, cuộc đời người nghệ sỹ xiếc cứ luôn phải rong ruổi trên những cung đường, phải “ăn xiếc”, “ngủ xiếc” trong khi gia đình vẫn luôn ngóng trông đến ngày mình về, mà ở lại nhà chẳng được bao lâu đã lại bước vào chuyến lưu diễn khác”... Những tấm bằng khen là niềm tự hào, những đất nước được đặt chân đến là sự sung sướng của những nghệ sỹ xiếc. “Không phải cứ có tiền là được như chúng tôi. Chúng tôi tuy ít tiền nhưng lại được đi khắp thế giới, mang niềm vui tới cho khán giả” - NSƯT Tiến Hưng tự hào nói. Anh hồi tưởng lại lần gần đây nhất, cùng với NSND Tạ Duy Ánh và NSƯT Mạnh Cường đã vượt qua các nghệ sĩ đến từ 14 quốc gia như Cuba, Brazil, Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico, CHLB Đức, Italia… để giành giải Nhất Liên hoan Xiếc Quốc tế tại Cuba năm 2013, đoạt Cúp Giầy vàng. “Chúng tôi mang 2 tiết mục hề nhạc và hề kiếm “mang chuông đi đấm xứ người”, chỉ nghĩ là tham gia thôi chứ chả ai nghĩ đến giải cả. Đến khi công bố giải nhất, vị trưởng ban giám khảo nói chúng tôi bước lên mà tôi còn thấy ngỡ ngàng, run lên vì xúc động. Ban giám khảo đánh giá cao nhóm hài xiếc Việt Nam không chỉ bởi kỹ thuật điêu luyện, khả năng giao lưu với khán giả mà một điều quan trọng nữa là thái độ tập luyện nghiêm túc, chuyên nghiệp. Niềm vui nhân đôi khi ngoài Cúp Giầy vàng, chúng tôi còn được trao Bằng danh dự của Trường đại học nghệ thuật Mehico và Bằng danh dự của Trường đại học nghệ thuật biểu diễn Cuba ngay trong tối biểu diễn các tiết mục đoạt giải trên đất nước bạn hôm đó...”. Cũng từ sau khi NSƯT Tiến Mạnh thôi đóng cặp hề xiếc chuyển công tác khác, NSƯT Tiến Hưng và NSƯT Mạnh Cường trở thành cặp bài trùng hề xiếc của đoàn 2 cho đến nay. (Còn nữa) Thủy Chung - Hải Hậu |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết