Xã Đặng Cương, huyện An Dương: Người dân trồng đào, quất cảnh trắng tay sau bão số 3

10:49 17/09/2024

Xã Đặng Cương, huyện An Dương được xem là thủ phủ hoa cây cảnh ở Hải Phòng với 3 thương hiệu chính gồm: hải đường, quất cảnh và đặc biệt là đào thế. Dịp tết mỗi năm nông dân trong xã thu về gần 100 tỷ đồng từ đây. Thế nhưng năm nay, bão số 3 đổ bộ đã khiến bà con trắng tay. Cây đổ tan nát trong khi đào đang giai đoạn lấy dăm mặt, nhiều diện tích bắt đầu hãm cây và quất đã có quả li ti… Đau xót hơn là nguy cơ vườn trồng không thoát được nước, cây thối rễ chết đứng, không còn gốc cho năm sau.

Đào chết…, người dân điêu đứng!

Đặng Cương là xã còn quỹ đất nông nghiệp ít nhất của huyện An Dương. Để phát triển kinh tế, xã không còn cách nào khác là tập trung chính vào nghề trồng cây cảnh. Chính vì thế, nơi đây được xem là thủ phủ hoa cây cảnh ở Hải Phòng với nhiều thương hiệu riêng, đặc biệt là đào thế các loại.

Những cây đào khủng bị bão quật đổ gãy 

Hiện, diện tích trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn khoảng 125ha. Trong đó, đào là 90ha, quất 20ha, còn lại là hoa hải đường, thu hút khoảng gần 1.000 hộ trong xã tham gia. Đặc biệt, Đặng Cương đã được thành phố công nhận có 2 làng nghề truyền thống đó là: làng nghề hoa cảnh Đồng Dụ và làng nghề hoa - cây cảnh Tri Yếu. Và như đã nói, hàng năm, nghề trồng cây cảnh nói chung và trồng đào đã mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây từ 80-100 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Anh cho biết, bão số 3 đã gây ra thiệt hại rất lớn cho nghề trồng hoa, cây cảnh phục vụ Tết tại địa phương. Theo thống kê, Đặng Cương có toàn bộ 100% diện tích trồng đào, quất, hải đường bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Nặng nhất là bị mất trắng do cây chết úng, chiếm tỷ lệ từ 75 - 80% diện tích. Thứ nữa là cứu được cây sống, giữ được giống để vớt vát cho vụ đào năm sau, số này chiếm từ 15 - 20%. Còn lại khoảng dưới 10% là có thể khắc phục được để bán ra thị trường trong dịp tết này nhưng về mặt mỹ thuật rất thấp.

Nông dân bơm nước chống ngập cứu đào

Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết thêm, những năm gần đây, diện tích trồng hoa đào tuy không tăng nhưng nông dân đầu tư chiều sâu bằng cách mua thêm, trồng nhiều hơn lượng gốc cây có giá trị từ 25 - 30 triệu đồng/gốc. Số này chiếm từ 20-25% diện tích với giá trị dự tính từ 200-250 tỷ đồng. Loại giá trị trung bình từ 7 - 20 triệu đồng chiếm từ 30-40% diện tích. Còn lại là loại đào rẻ tiền từ 1,5 - 5 triệu đồng/gốc…

Thế nhưng do gió mạnh, các cây đào gốc càng to, tán rộng, thế đẹp, chăm sóc cầu kỳ, công phu bị thiệt hại càng nhiều. Đặc thù cây cối sau gió giật thường bị long gốc, đứt rễ, vặn cành, trụi lá trong khi vào thời điểm hiện tại đào thế đang bước vào giai đoạn làm dăm, cô gốc để chuẩn bị ra nụ. Hơn nữa, cây hoa đào, hải đường, quất cảnh không ưa nước ngập gốc. Thời gian lụt có thể cứu được cây chỉ kéo dài trong vòng trong 1 ngày (24h).

Đến nay đã 1 tuần sau bão, các khu trồng nhiều đào, quất vẫn ngập nước do mưa hoàn lưu bão và thủy triều ngoài sông lớn. Hệ thống mương máng thủy lợi lại đang tê liệt do nước ngoài mương cao hơn nước trong ruộng. Ụ đất đắp trồng đào bị ngập 10-15cm. Các hộ đang phải chạy đôn đáo đắp bờ bằng bao cát, bơm nước... cứu hộ cho cây.

Được biết ở xã Đặng Cương có những chủ hộ trồng rất nhiều đào và thiệt hại do bão số 3 gây ra cũng rất lớn. Điển hình là hộ ông Phạm Văn Hiển, ở thôn Dân Hạnh đang thâm canh trên diện tích gần 6.000m2 với hơn 1.000 gốc đào, trong đó có 600 gốc đào “khủng” đã được chăm sóc nhiều năm và giá trị hiện tại từ 25-30 triệu đồng/ gốc.

Đào chết úng sau bão

Rồi các hộ ông Phạm Văn Hùng ở thôn Dân Hạnh; ông Công, ông Phất, ông Phơ ở thôn Hòa Nhất mỗi hộ cũng trồng diện tích từ khoảng 3.000 - 5.000m2, mức độ đầu từ trung bình từ 2,5 tỷ - 3 tỷ đồng/hộ… Dự tính mỗi hộ thiệt hại từ 500 - 700 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng nếu như không cứu được cây giống.

Khó cho sản xuất vụ sau

10h30 ngày 15/9, nhóm phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng có mặt tại một khu trồng đào thuộc xã Đặng Cương. Lúc này, trời không mưa, nắng nhẹ nhưng cả thôn Dân Hạnh nóng hơn bởi tiếng nổ động cơ máy bơm của hàng chục hộ dân đang hối hả tháo nước ra mương. Cảm nhận rất rõ của chúng tôi là những luống đào đổ, gẫy tan tác cùng mùi hăng của cành lá cây bị dập, gãy ngâm nước lâu ngày.

Bà Phạm Thị Hoa, Bí thư Chi bộ và ông Đỗ Văn Minh, Trưởng thôn Dân Hạnh đang xắn quần, lội nước cứu đào tâm sự: Thôn có 300 hộ dân, trong đó có 100 hộ trồng đào, diện tích lên tới hàng chục ha. Đã 3 ngày nay, mọi người đội mưa rồi đội nắng đi cứu đào, bơm nước cưỡng bức từ ruộng đổ ra mương mong cho đào khỏi thối rễ…

Hiện trạng vườn đào xã Đặng Cương

Ông Phạm Văn Hiển, người trong thôn cho hay, nhà ông trồng 3 vườn đào, diện tích khoảng 5.700 - 6.000m2 và hiện đang có 600 cây gốc to, loại có giá trị từ 20-25 triệu đồng/gốc. Sau bão, trời tạnh được một ngày, rồi đổ nước liên tiếp. Nhìn thấy nguy cơ đào chết úng, ba bố con ông với gần chục chiếc máy bơm nước hò nhau hút nước cứu đào.

Tuy nhiên, tỷ lệ khôi phục để có đào bán được dịp Tết này là cực kỳ khó khăn, thậm chí không dám chắc bán được cây nào vì nhiều cây đổ bật gốc, gãy cành. Hy vọng lớn nhất của gia đình là vớt vát cho mùa đào năm sau và giải pháp lúc này chỉ là bơm nước chống úng và cắt trụi cành để giữ gốc…

Hiện trạng vườn đào xã Đặng Cương

Đáng nói, những người có kinh nghiệm trồng đào như ông Hiển đều lo ngại rằng đào sẽ chết rũ nhanh hơn sau thời gian nước ngập gốc lâu ngày và trời bật nắng nóng trong khi nước ở ngoài mương máng thủy lợi vẫn chưa hạ.

Điều lo lắng trên là hoàn toàn có cơ sở. Theo UBND xã Đăng Cương, hệ thống thủy lợi trên địa bàn gồm 3 tuyến mương phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp là: An Kim Hải; Đặng Quốc Hồng và Đặng - Lê. Tuy nhiên hiện tại, nước rút rất chậm do mưa lớn thủy triều lên cao, việc thoát nước rất khó khăn.

Nói về vấn đề khôi phục lại diện tích cây cảnh phục vụ tết của xã Đặng Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Anh cho rằng: Đối với rau, màu ngắn ngày, UBND xã sẽ vận động bà con thu hoạch vớt vát những phần còn lại sau bão, đồng thời tích cực tiêu thoát nước, làm ruộng, phơi đất để có thể xuống giống trồng lứa mới. Còn với diện tích trồng đào, quất bị hỏng, tiến độ không thể thực hiện nhanh được vì cả năm mới có 1 vụ.

Rồi nữa, để đầu tư cho vụ đào năm sau hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tài chính của các hộ dân, bởi hiện nay hầu hết đều phải vay vốn ngân hàng. Mất mùa đào do bão đã trắng tay bởi không thu được tiền, còn tiền để mua lại gốc, tạo phôi giống thì càng khó khăn gấp bội…

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông