06:57 16/01/2021 Thời gian vừa qua, bên cạnh những thông tin không mấy tích cực từ dịch Covid-19, việc hai mặt hàng thuộc nhóm năng lượng là xăng dầu và gas liên tục tăng giá đang trở thành nỗi lo cho thị trường tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Bởi lẽ đây là những mặt hàng thuộc diện điều tiết vĩ mô, có ảnh hưởng mang tính chi phối giá nhiều sản phẩm hàng hóa khác.
Giá xăng dầu tăng đợt thứ tư liên tiếp trong hai tháng qua
Nỗi lo từ nhóm hàng nhạy cảm
Những ngày đầu tiên của năm mới 2021, giá gas và xăng dầu liên tiếp được công bố điều chỉnh tăng giá, đây là dấu hiệu không vui đối với thị trường hàng hóa, khi một trong những nhóm hàng nhạy cảm nhất lại tăng trong thời điểm cũng không kém phần nhạy cảm.
Theo đó, từ chiều 11-1 giá xăng RON92 tăng 430 đồng/lít và hiện được bán lẻ 15.948 đồng/lít; xăng RON95 tăng 451 đồng/lít, bán lẻ 16.930 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 271 đồng/lít, bán lẻ 12.647 đồng/lít; dầu hỏa tăng 370 đồng/lít, bán lẻ 11.558 đồng/lít… Đây cũng là đợt tăng thứ 4 liên tiếp của nhóm hàng xăng dầu trong vòng hai tháng qua.
Trong khi đó, ngày mở đầu năm mới 2021, giá gas cũng tiếp tục leo thang với cường độ khá mạnh, mức tăng bình quân 27.000 đồng cho mỗi bình 12kg, hiện loại bình thông dụng này đến tay người tiêu dùng đang được bán từ 360.000 đồng đến 380.000 đồng/bình, tùy theo từng thương hiệu. Đáng chú ý, đây cũng là đợt tăng thứ 7 liên tiếp trong năm của mặt hàng gas.
Vẫn biết nguyên nhân chính dẫn đến giá xăng dầu và gas tăng đều là sự vận động chung của thang giá thế giới, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, diễn biến của giá xăng và gas như trên đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, nhất là trong thời điểm các khu vực đầu mối đang tích trữ hàng hóa chuẩn bị cho tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Trong đó xăng tăng sẽ kích hoạt chi phí vận chuyển tăng theo, đương nhiên trong cấu thành giá sản phẩm đến khâu lưu thông thì chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ rất lớn. Cùng với đó, giá gas tăng cũng ảnh hưởng tới cơ cấu sinh hoạt của mỗi gia đình, làm giảm nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa khác, đồng thời làm đội giá dịch vụ ăn uống trong cộng đồng…
Tuy nhiên nhìn từ chiều ngược lại, so sánh giá hiện nay của xăng và gas với những năm trước. Ví dụ cách đây gần 10 năm, xăng từng giữ giá 25 nghìn đồng/lít trong thời gian dài, còn gas thời điểm cao nhất năm 2014 là 520 nghìn đồng/bình 12kg, như vậy so với mức giá hiện nay xăng dầu và gas còn kém đỉnh rất xa. Mặt khác các đợt tăng giá của xăng dầu gần đây đều ở mức nhẹ chứ không mang tính đột biến như những năm trước.
Điều quan trọng nữa, cả xăng và gas đều được thực hiện đúng lộ trình, nên tác động của việc tăng giá nhóm hàng hóa này không còn bị động đối với thị trường hàng hóa.
Hàng tết đã được tích trữ tại các siêu thị trên địa bàn thành phố
Cần chủ động các giải pháp bình ổn
Những năm gần đây, bên cạnh vị thế là đầu mối của khu vực duyên hải Bắc bộ, Hải Phòng có sự phát triển đột phá về hạ tầng thương mại và giao thông, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ thương mại nội địa. Kể cả trong năm 2020 vừa qua, dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành thương mại nội địa của Hải Phòng vẫn có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, tính cả năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 115,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,95% so với năm 2019.
Nhìn lại thị trường tết những năm qua, hệ thống các trung tâm thương mại, nhất là các siêu thị bách hóa như BigC, MM Mega Market, Co-opMart, VinMart… giữ vai trò khá tốt trong tích trữ và phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, hầu hết các siêu thị trên địa bàn thành phố đều hoạt động theo chuỗi toàn quốc, nên các giải pháp kích cầu tiêu dùng của Hải Phòng khó tác động vào hoạt động của họ.
Chưa kể, hầu hết các siêu thị bách hóa hiện nay đều vắng bóng sản phẩm mang thương hiệu Hải Phòng, vì vậy vai trò quản lý nhà nước mang tính tập trung đầu mối từ sản xuất đến lưu thông bộc lộ không ít bất cập. Hơn nữa, cũng vì tác động của dịch Covid-19 nên năm 2020 thành phố rất thiếu những sự kiện thương mại, ngoại trừ một số hoạt động nhỏ lẻ.
Trở lại với việc tăng giá xăng dầu và gas thời gian qua, kết quả khảo sát cho thấy, thị trường hàng hóa vẫn mang nặng yếu tố tâm lý, nên cứ khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, là không ít đơn vị vận tải lại mượn cớ đòi tăng cước, tạo áp lực vào giá thành sản phẩm hàng hóa.
Chính vì thế các hoạt động kích cầu tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng để giải tỏa điều này, mà vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến thị trường hết sức quan trọng, trong việc tổ chức, dẫn dắt các đầu mối trung tâm.
Từ kinh nghiệm của những năm trước cho thấy, nếu không có các giải pháp tích cực, xuất phát từ thực tiễn thị trường thành phố, thì nỗi lo tiềm ẩn về bất ổn thị trường cuối năm không phải là không có cơ sở.
Bởi lẽ tháng 1 này là thời điểm rất nhạy cảm, khi mà các nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng… mang tính thiết yếu cho dịp tết đã được lên kế hoạch sản xuất hàng loạt và tích trữ.
Cùng với việc tăng cường các hoạt động quản lý thị trường, thì động thái chuẩn bị đối phó với các kịch bản thị trường cũng cần phải được dự trù. Người tiêu dùng thành phố đang chờ đợi sự chủ động của các ngành liên quan, mà chủ đạo là Sở Công thương.
Lê Minh Thắng
15:20 02/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh