Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics khu vực và quốc tế: Điều kiện có đủ, cần quyết tâm và hành động (Bài 3)

15:16 05/07/2024

Bài 3: Vượt qua rào cản, thách thức Mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng kết quả phát triển logistics của Hải Phòng chưa được như mong đợi và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, lực cản, nhiều điểm nghẽn. Nhiều vấn đề nội tại của ngành logistics chưa được tháo gỡ, chưa được đầu tư đúng mức phần nào làm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực này.

                                                              Nhận diện rõ những điểm nghẽn, lực cản

Theo ông Phạm Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Hải Phòng, hiện tại Hải Phòng có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có nhiều trung tâm logistics lớn như: trung tâm logistics của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, GSL, DH, Yusen, Hải An… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển logistics tại Hải Phòng vẫn còn hạn chế do doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics tại Hải Phòng manh mún, thiếu kinh nghiệm, chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản.

Thực tế, doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng chỉ thực hiện những công đoạn thô, chủ yếu là bốc xếp, kho bãi và vận chuyển đường bộ.., nguồn thu từ từ những công đoạn này thấp, ít tạo giá trị gia tăng. Hệ thống các doanh nghiệp  cảng, kho bãi, vận tải còn nhỏ lẻ, hoạt động manh mún, chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh về giá, làm giảm hiệu quả tổng thể. Đáng chú ý, đến nay, Hải Phòng vẫn chưa có những trung tâm logistics đủ lớn về quy mô, về tầm ảnh hưởng đối với các hãng tàu, các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu nên mới chủ yếu dừng lại ở mức thu gom hàng thuê cho các hãng nước ngoài.

Phương thức vận tải bằng đường bộ là chủ yếu là một trong những bất cập, hạn chế của logistics Hải Phòng 

          Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, hiện thành phố có hơn 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia đang hoạt động như ONE, Maersk-line, Mitsui O.S.K line, APL... Con số rất đáng lưu ý được Cục Hải quan đưa ra là có tới 75-80% thị phần logistics của Hải Phòng do các công ty logistics nước ngoài chiếm lĩnh. Đây chính là điểm yếu mà các doanh nghiệp logistics trong nước phải lưu tâm.

          Một vấn đề khác khiến các cấp chính quyền, các nhà quản lý luôn băn khoăn, trăn trở là phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ vẫn là chủ yếu (chiếm tỷ trọng tới hơn 80%) dẫn đến chi phí cao, tiềm ẩn nguy cơ về ùn tắc, tai nạn giao thông, tác động xấu tới môi trường. Những loại hình vận tải chi phí thấp như đường sắt, đường thủy nội địa chưa phát huy được. Theo ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C, các nhà đầu tư đến với các KCN DEEP C đều có chung một câu hỏi: tại sao chi phí logistics tại Hải Phòng nói riêng và tại Việt Nam nói chung lại cao đến thế và thực hiện logistics lại khó như vậy. Ông Bruno Jaspaert cho biết, chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện rất cao, chiếm tới 20-25% trong GDP. Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là 18%; Nhật Bản 11%; Xin-ga-po 8%... Còn tính trung bình trên thế giới thì chỉ 11%. 

          Nâng cao độ minh bạch, đẩy mạnh chuyển đổi số

          Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, kết cấu hạ tầng Hải Phòng ngày càng hiện đại nhưng chưa kết nối đồng bộ, chưa phát huy vai trò của đường sắt và đường thuỷ nội địa  trong khi đường thuỷ nội địa có ưu thế rất lớn trong chuỗi logistics.  Theo phản ánh của các doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể hay việc tiếp cận đất đai xây dựng hạ tầng logistics có khó khăn nhất định và mất nhiều thời gian từ 2-3 năm khiến chi phí cơ hội rất lớn.

Ngoài ra, chi phí có sự biến động, nhất là trong thời gian qua, các doanh nghiệp phản ánh các loại phí và phụ phí ở các cảng biển, hãng tàu chưa hợp lý, mức thu chưa có lý giải để có thể chấp nhận được. Về mặt nhân lực, với số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lên đến hàng trăm nghìn người, bước đầu đáp ứng được về số lượng nhưng chất lượng và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực còn yếu. Cùng với đó, chuyển đổi xanh đang trở thành áp lực với các doanh nghiệp. Nếu không chứng minh là doanh nghiệp xanh như kho bãi không có chứng chỉ công trình xanh có thể không được lựa chọn đưa vào chuỗi cung ứng và khách hàng không tìm đến…

Phiên thảo luận về chuyển đổi số- nền tảng phát triển logistics thông minh tại Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ 5 tại Hải Phòng tháng 5- 2024

Trước thực tế trên, bên cạnh chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn, ông Trần Thanh Hải cho rằng, cần xem xét một số động lực đột phá mới. Trước hết là thành lập khu thương mại tự do đang được Hải Phòng tập trung thực hiện. Theo ông Trần Thanh Hải, khu thương mại tự do là loại hình mang lợi thế tổng hợp, đó là khu phi thuế quan, là hình thái tổng hợp gồm doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cùng các doanh nghiệp logistics có thể cùng tham gia hoạt động. Điều này tạo lợi thế lớn như thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu lưu chuyển hàng hoá nhanh giữa thị trường trong và nước ngoài. Khu thương mại tự do gắn với cảng biển, sân bay, cửa khẩu sẽ là trợ lực, cộng sinh cho cảng cũng như tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, qua đó lượng hàng hoá vào cảng, hàng hoá xuất nhập khẩu tăng lên, giúp cho dịch vụ logistics tăng lên.

          Cùng với đó, tập trung cho chuyển đổi xanh. Chính phủ đã có quy định cụ thể về kiểm kê khí nhà kính, sắp tới, ngoài các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở năng lượng thì các cơ sở hạ tầng về logistics, trước hết là các trung tâm logistics có thể phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ông Trần Thanh Hải cũng đề xuất một số nội dung khác tạo động lực cho sự phát triển logistic như xây dựng Kế hoạch phát triển logistics của địa phương phù hợp với chiến lược quốc gia; chăm sóc hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp để hình thành các doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt; thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng; xây dựng khu, trung tâm logistics lớn, hiện đại, thông minh và tự động…

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu rõ: theo khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023 của Bộ Công Thương, có 90,5% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo và con số rất “khiêm tốn” 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng. Điều này cho thấy mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics Hải Phòng và cả nước nói chung còn nhiều hạn chế.

          Cũng phản ánh về chuyển đổi số logistics, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, quan sát thực tế quản lý ở các doanh nghiệp, mới đang dừng lại ở cơ chế quản lý qua hệ thống văn bản, hệ thống nội bộ theo cơ chế cũ, riêng về dữ liệu đang trong quá trình làm quen với Big data hay công nghệ AI.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, trong thời đại công nghiệp 4.0, nếu vẫn sử dụng văn bản như hiện nay để cơ quan quản lý nhà nước tra cứu văn bản đi – đến, những văn bản quy phạm pháp luật là khó và chịu chi phí rất lớn về giấy tờ. Trong khi đó, yếu tố trọng tâm  trong logictics hiện nay là giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Hiện ầu hết Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cũng chưa có hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu để quản lý nhà nước trong logictics.

Do đó, vấn đề đặt ra là phải làm sao để đẩy nhanh tiến độ  chuyển đổi số cho ngành logictics. Điều đáng mừng là từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương Hải Phòng đã đề xuất xây dựng 3 đề án chuyển đổi số: tạo lập cơ sở dữ liệu ngành Logictics; sàn giao dịch trực tuyến Logictics và Chuyển đổi số liên ngành Logictics. 3 đề án trên sẽ là bước đầu để chia sẻ dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Sở đã đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ban, ngành cho phép chia sẻ dữ liệu và để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách.  Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đó, cần có cả sự đồng thuận chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các doanh nghiệp khi tham gia vào cơ sở dữ liệu chung của ngành, sàn giao dịch trực tuyến thì mới phát huy tác dụng.

                Theo ông Phan Nguyễn Hải Hà, Trưởng phòng An toàn - An ninh hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), ngày 22-9-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1579/QĐ-TTg Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Và ngày 22-5-2024, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch trên. Trong cả 2 quyết định, luôn xác định Hải Phòng là cảng đặc biệt quan trọng. Cảng Lạch Huyện và bến khởi động thuộc khu bến Nam Đồ Sơn là một trong các kết cấu hạ tầng ưu tiên phát triển trong thời kỳ 2021-2030 với chức năng kết hợp trung chuyển quốc tế cho cỡ tàu container sức chở đến 18.000 TEU (tương đương với trọng tải khoảng 250.000 tấn). Quyết định 1579 cũng đã xác định 6 nhóm giải pháp chính, trong đó có 1 nội dung xây dựng cảng biển gắn liền với phát triển đồng bộ các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần sau cảng và logictics.

Phiên thảo luận về cơ hội phát triển bứt phá từ Khu Thương mại tự do tại Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ 5 tại Hải Phòng tháng 5- 2024

 Đây là điều kiện thuận lợi để Hải Phòng phát triển logistics. Tuy nhiên, Hải phòng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến cảng, đồng bộ với hạ tầng sau cảng; các trung tâm logistics… Bên cạnh kết cấu hạ tầng cảng biển thì cũng cần phải quan tâm tới  điện tử hóa công nghệ trong giám sát của Hải quan, thông quan điện tử, gắn thiết bị hành trình trên các phương tiện vận chuyển…hay việc chia sẻ thông tin là hết sức cần thiết để kết nối chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tạo điều kiện giảm thiểu thời gian, để các nhà sản xuất thúc đẩy hoạt động giao thương ở Hải Phòng.

          Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Hải Phòng là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực logistics và khu thương mại tự do. Do đó cần tận dụng lợi thế về địa lý và nhân lực. Với những tài nguyên có sẵn như cảng nước sâu và cảng biển truyền thống, đồng thời với nhiều kết quả tích cực trong kết quả trung chuyển hàng hóa và môi trường logistics trong khu vực, thì Hải Phòng hoàn toàn có thể trở thành thành phố vượt trội trong lĩnh vực này./.

          (Còn tiếp)

                                                                                                                                                  Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông