10:19 01/11/2024 Sáng 31-10, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng chủ trì thảo luận.
Phát biểu tại tổ về dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ đồng tình với dự thảo.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, nghị quyết này chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị như điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khi không tổ chức HĐND ở quận, ở phường; quyết định cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, phường.
Những nội dung liên quan khác như cơ chế, chính sách đặc thù khác đối với quy định của luật thì nên thí điểm để đảm bảo điều kiện của cấp thẩm quyền quy định, cũng như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ, các bộ, ngành quan tâm để Hải Phòng tổ chức chính quyền đô thị nhưng không tăng thêm những vấn đề phát sinh như một số địa phương khác đã và đang làm.
Đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương. Việc này nhằm tiến tới đề xuất việc sửa đổi, bổ sung đối với Luật tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần bổ sung quy định chuyển tiếp theo hướng cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành. Đồng thời tiếp tục rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND thành phố và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, đặc biệt là HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần phải tổ chức tổng kết những nơi thí điểm thực hiện chính quyền đô thị, cơ chế đặc thù để xem xét những kinh nghiệm hay, những việc chưa được, từ đó tạo ra sự minh bạch, công bằng trong cả nước, trên tinh thần Quốc hội quyết những vấn đề chung cho cả nước để thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ, thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng đã nêu rất đầy đủ, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, bảo đảm yêu cầu để Hải Phòng thực hiện trong thời gian tới.
Đại biểu thống nhất cao với quy định về tổ chức HĐND, tăng biên chế cho HĐND thành phố. Tuy nhiên, theo đại biểu, mức tăng thêm 9 người là còn ít, cần nghiên cứu tăng thêm số lượng biên chế bộ phận giúp việc. Đồng thời tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố, bảo đảm vai trò, chức năng, nhiệm vụ bao quát trong hoạt động.
Đối với cơ cấu tổ chức cấp quận, phường, đại biểu nhất trí chỉ huy trưởng quân sự, Trưởng công an quận là thành viên của UBND quận.
Về chức năng nhiệm vụ của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm, bổ sung bảo đảm thống nhất với các Luật, tăng cường phân cấp phân quyền.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu rõ, Hải Phòng sắp thành lập thành phố Thủy Nguyên; quận An Dương, mô hình chính quyền của các địa phương này cần đưa vào nghị quyết luôn, để thời gian tới không phải bổ sung nữa.
Đại biểu Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận) cho biết, đã có nhiều dịp về Hải Phòng, có ấn tượng tốt đẹp về thành phố, nhất là trong những năm gần đây Hải Phòng nổi lên là địa phương ổn định về chính trị và phát triển rất sôi động, trở thành trung tâm thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có các nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam.
Theo đại biểu, làm được như vậy là do Hải Phòng rất năng động, sáng tạo, được Trung ương ủng hộ, thực hiện thành công việc thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Kết quả phát triển của Hải Phòng thời gian qua cho thấy những gì thành phố đã làm là đúng và đại biểu hoàn toàn ủng hộ mô hình chính quyền đô thị Hải Phòng, mong muốn thành phố được tiếp tục thí điểm nhiều chính sách mới để phát triển.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) cho rằng,nghị quyết có 10 điều, 11 chính sách là phù hợp; quy định rõ mô hình chính quyền đô thị, bảo đảm hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm một số nội dung về tổ chức chính quyền thành phố Hải Phòng; phạm vi chức năng quyền hạn của HĐND thành phố; phân cấp phân quyền nhiều hơn cho UBND thành phố.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Tuyên Quang) thống nhất rất cao và ủng hộ Hải Phòng xây dựng chính quyền đô thị để Hải Phòng phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển Hải Phòng.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội đối với mô hình chính quyền đô thị của Hải Phòng. Đồng thời đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để góp phần hoàn thiện nội dung nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết, Hải Phòng đang trình sơ kết nghị quyết 35 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, đề xuất ban hành nghị quyết mới của Quốc hội thay thế nghị quyết 35 với khoảng 61 cơ chế, chính sách. Đồng chí Bí thư Thành ủy mong muốn tiếp tục được các đại biểu Quốc hội ủng hộ, tạo nguồn năng lượng mới, động lực mới cho Hải Phòng, để Hải Phòng phát triển trước hết là vì Hải Phòng, đồng thời đóng góp tích cực cho đất nước.
Các đại biểu cũng thống nhất cao về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với đặc trưng: văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh; khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Đồng thời đề nghị giải quyết tốt các mối quan hệ: giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế - văn hóa và môi trường; giữa bảo tồn gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương và đặt trong tổng thể toàn đô thị Huế; bảo đảm điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nhất trí cao việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và khẳng định đây là mô hình thành phố thế hệ mới. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm xem xét, xác định sẽ thành lập bao nhiêu thành phố trực thuộc Trung ương để có định hướng, cơ chế chính sách phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, cùng với việc thành lập thành phố, Huế phải chú trọng hơn phat huy các dư địa phát triển. Hiện nay, kinh tế Huế vẫn dựa nhiều vào du lịch và dịch vụ. Do vậy, thành phố cần đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ thông tin, giáo dục và y tế, nhằm tạo nguồn thu ổn định và tăng trưởng kinh tế dài hạn. Đồng thời, cần có các chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ để khai thác các tiềm năng kinh tế, đặc biệt là từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng là cần thiết.
Bên cạnh đó, bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 45-NQ/TW và Kết luận của Bộ Chính trị; tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng phù hợp với quy mô, đặc điểm, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của thành phố; tiếp thu có chọn lọc những kết quả đạt được trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thời gian qua; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, tạo cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội trong năm 2025, trong đó có đề xuất thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị thống nhất trong cả nước.
Dự thảo Nghị quyết có 10 điều. Theo đó, quy định chính quyền địa phương ở quận, phường tại thành phố Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường). Việc tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng và các đơn vị hành chính khác của thành phố Hải Phòng có HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố tăng lên do được điều chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường thuộc quận. Theo đó, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định tăng 9 đại biểu chuyên trách so với hiện nay, gồm 1 Phó chủ tịch HĐND, 4 Phó Trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách thuộc các Ban của HĐND thành phố.
Trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, việc ban hành quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật đề nghị Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Những nội dung khác liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định của luật và đang được thực hiện thí điểm tại các địa phương khác thì nên được quy định trong Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng mà Chính phủ đang dự kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới để bảo đảm đúng theo yêu cầu của Bộ Chính trị và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng (Điều 1), Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như quy định tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết. Mô hình chính quyền đô thị được đề xuất theo dự thảo Nghị quyết tương tự với mô hình đang được thực hiện tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh và phù hợp với quy mô, phạm vi cũng như tính chất đô thị của thành phố Hải Phòng.
Liên quan đến HĐND Thành phố (Điều 2), Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc tăng cường bộ máy, tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cho HĐND thành phố như thể hiện tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết; tán thành việc điều chuyển, bổ sung thêm một số thẩm quyền cho HĐND thành phố để tăng cường năng lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của UBND, Chủ tịch UBND để bảo đảm phù hợp, chính xác./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh