18:36 02/07/2024 Bài 2: Nhân lên niềm tự hào doanh nhân Việt Thời gian qua, Việt Nam không thiếu các doanh nghiệp, doanh nhân tầm cỡ, có những đóng góp rất lớn, rất thiết thực vào sự phát triển của đất nước. Và chính những doanh nghiệp, doanh nhân đó cũng không ngừng lớn mạnh, đạt tới trình độ quản lý, quản trị của khu vực và thế giới. Để đạt được những mục tiêu rất cao của Nghị quyết 41, cần nhân lên niềm tự hào doanh nhân Việt và quan trọng hơn là tạo cơ chế, tạo môi trường thông thoáng, ổn định, lấy doanh nghiệp là trung tâm trong hoạt động của các cấp chính quyền.
Những thương hiệu trị giá hàng tỷ USD
Phát biểu tại lễ xuất khẩu xe ô tô điện VinFast sang thị trường Hoa Kỳ năm 2022,Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là sự kiện đầy ý nghĩa, dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên trong lịch sử, những chiếc ô tô điện sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt Nam chính thức góp mặt vào thị trường ô tô điện toàn cầu.
Thủ tướng nêu rõ, thành quả và niềm vui này đến từ khát vọng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, địa phương, trong đó không thể không nhắc tới sự nỗ lực bền bỉ, tinh thần sáng tạo, dám đột phá của Tập đoàn Vingroup và Công ty VinFast. Thành quả bước đầu này của VinFast đã mở ra kỷ nguyên sản xuất xe ô tô điện tại Việt Nam đủ đẳng cấp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ ngành công nghiệp công nghệ cao thế giới. Có thể nói, Vingroup - VinFast chính là một trong những đại diện cho một thế hệ doanh nghiệp mới năng động, sáng tạo, tự tin, sẵn sàng vươn ra biển lớn để cạnh tranh sòng phẳng ở đẳng cấp và quy mô toàn cầu.
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính nhận thức rõ "công nghệ và công nghiệp chính là câu trả lời cho sự phát triển bền vững của đất nước và doanh nghiệp vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc". Từ đó, đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, không chỉ là vì tương lai đất nước mà còn vì tương lai của chính mình.
Cũng rất đáng tự hào khi năm 2023, giá trị thương hiệu của Việt Nam được tổ chức Brand Finance xếp thứ 33/121 quốc gia, tăng thêm một bậc so với năm 2022.
Còn theo Bộ Công Thương, Việt Nam được tiếp tục đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019 - 2023 là 102%.
Cụ thể, năm 2019 giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được định giá là 247 tỷ USD, thì năm 2023 đã đạt 498,13 tỷ USD. Giá trị thương hiệu của doanh nghiệp có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành viễn thông, ngân hàng, thực phẩm… Trong đó, các thương hiệu viễn thông đóng góp nhiều nhất vào bảng xếp hạng TOP 100, chiếm khoảng 31% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Tổng giá trị thương hiệu lĩnh vực này là 13,2 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2022. Trong số 5 thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam, có 3 thương hiệu quốc gia là Viettel với 8,9 tỷ USD, Vinaphone là 800 triệu USD, MobiFone là 800 triệu USD, chiếm 79% tổng giá trị trong TOP 5 thương hiệu viễn thông.
Đóng góp thứ hai là thương hiệu ngân hàng, chiếm 30% tổng giá trị. Với tổng giá trị thương hiệu là 12,5 tỷ USD, so với năm 2022 ngành giá trị thương hiệu ngành ngân hàng tăng 47%. Trong số 5 thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất Việt Nam (đạt 7,4 tỷ USD), có 4 thương hiệu quốc gia là Vietcombank với 1,9 tỷ USD; Agribank là 1,4 tỷ USD; BIDV là 1,4 tỷ USD; Vietinbank là 1,3 tỷ USD, chiếm 81% tổng giá trị của TOP 5 thương hiệu ngân hàng.
Chiếm vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng TOP 100 là các thương hiệu ngành thực phẩm và đồ uống, chiếm khoảng 14% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Theo đó, tổng giá trị thương hiệu của ngành này là 6 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2022. Trong số 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống có giá trị nhất Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, có 2 thương hiệu quốc gia là Vinamilk với 3 tỷ USD và Habeco là 200 triệu USD, chiếm 65% tổng giá trị của TOP 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống.
Các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp, tiêu biểu là giá trị thương hiệu để từ đó góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam. Trong đó, có thể kể tới như Vinhomes, VinFast, Petro Việt Nam… và nhiều thương hiệu doanh nghiệp lớn khác đã ngày càng gia tăng giá trị.
Tại Hải Phòng, có nhiều doanh nghiệp mà giá trị cũng ngày càng gia tăng như Nhựa Tiền Phong, Sơn Hải Phòng; các doanh nghiệp Cảng biển; các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; doanh nghiệp bất động sản…, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của doanh nghiệp cả nước. Và sau mỗi doanh nghiệp là những doanh nhân đầy bản lĩnh, khí phách, chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua mọi phong ba, bão táp để thành công, làm rạng danh doanh nghiệp và góp phần quan trọng phát triển thành phố, đất nước.
Luôn mong chờ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Nghị quyết 41 được đón nhận như là điểm tựa vững chắc khi gắn mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong ngành, lĩnh vực then chốt, một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp… Giới doanh nghiệp, doanh nhân nhận định, đây là cơ hội vàng để họ phát huy vai trò, thế mạnh, phát triển doanh nghiệp vững mạnh và góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ, đông đảo, với trên 900.000 doanh nghiệp, hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh, gần 30.000 hợp tác xã… Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp trong 6 năm nữa có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, thể chế, cơ chế và sự đồng hành của các cấp chính quyền có ý nghĩa quyết định.
Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41, Chính phủ đã xác định rất rõ các giải pháp. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023; chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp năm 2020; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế tuần hoàn; kinh tế chia sẻ; hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô; đề xuất xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các Nghị định, Nghị quyết, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng của doanh nhân, doanh nghiệp đối với nguồn lực đất đai, tài nguyên phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường quyền sử dụng đất.
Chính phủ giao Bộ Công an phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp; thực hiện công tác bảo đảm an ninh đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hoạt động kinh doanh ở nước ngoài nói riêng theo thẩm quyền được giao; tăng cường công tác tuyên truyền gắn với quản lý, kiểm tra và hướng dẫn toàn diện công tác phòng cháy chữa cháy tại các doanh nghiệp, nhất là tại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như xăng dầu, khí hóa lỏng, hóa chất, khu công nghiệp, trung tâm thương mại; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững…
Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các quy hoạch của tỉnh; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để các doanh nhân, doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; rà soát, đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính chồng chéo, các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh làm phát sinh các loại chi phí cho doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn; tăng cường thu hút mọi nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; có chính sách thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn…
Như vậy, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã và đang có các điều kiện cần thiết để phát triển. Vấn đề còn lại chính là tâm huyết, trách nhiệm, tài năng, trí tuệ, bản lĩnh của mỗi doanh nhân để xây dựng và phát triển doanh nghiệp vững mạnh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng./.
Hồng Thanh
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh