16:03 31/03/2023 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố Hải Phòng với tổng diện tích theo thống kê quốc gia đến năm 2020 khoảng 1.526,52km2.
Mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa; trọng điểm dịch vụ logistics và du lịch; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển. Tầm nhìn đến năm 2045 - 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Hải Phòng là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Dự báo dân số Hải Phòng đến năm 2030 khoảng 2,8 - 3,0 triệu người, dân số đô thị khoảng 2,0-2,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 74-76%; dân số đến năm 2040 khoảng 3,9-4,7 triệu người, dân số đô thị khoảng 3,2-4,0 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 80-86%.
Đến năm 2030, diện tích đất xây dựng đô thị của Hải Phòng khoảng 52.500 - 53.500 ha (trung bình khoảng 250 - 260 m2/người), trong đó: Đất dân dụng khoảng 17.500 - 18.500 ha (trung bình khoảng 80 - 88 m2/người); đất ngoài dân dụng khoảng 35.500 - 36.500 ha.
Đến năm 2040, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 72.000 - 73.000 ha (trung bình khoảng 215 - 225 m2/người), trong đó: Đất dân dụng khoảng 25.500 - 26.500 ha (trung bình khoảng 65 - 80 m2/người); đất ngoài dân dụng khoảng 47.500 - 48.500 ha.
Về mô hình không gian đô thị, Hải Phòng sẽ phát triển từ mô hình “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh" thành mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh".
Cấu trúc không gian đô thị: Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh. Trong đó, hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch - đô thị hướng ra biển; Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng.
Ba hành lang cảnh quan gồm: Hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và Văn Úc.
Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh: 1- Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; 2- Trumg tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở Hải An và Dương Kinh; 3- Đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.
Về định hướng phát triển vùng không gian ven biển, Hải Phòng ưu tiên phát triển các chức năng cảng, dịch vụ cảng, khai thác cải tạo luồng lạch, hệ thống đường dây đường ống kỹ thuật, không gian du lịch, vui chơi giải trí và bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Về định hướng phát triển hạ tầng đô thị thông minh, Hải Phòng sẽ xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng thông tin băng thông rộng, tạo nền tảng cốt lõi phát triển đô thị thông minh. Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh tại các đô thị mới; trung tâm ứng dụng chương trình kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu Bigdata khu vực Đông Nam Á ở Dương Kinh. Đề xuất xây dựng mới khu vực công nghiệp công nghệ thông tin (công nghiệp ICT) ở Nam Đình Vũ, Kiến Thụy, Tiên Lãng.
Đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu về dịch vụ thông tin, viễn thông của người dân và các hoạt động trên địa bàn thành phố. Xây dựng mới và cải tạo dung lượng mạng lưới cáp quang tốc độ cao phủ khắp thành phố, đặt trung tâm mạng ở tất cả các quận huyện.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào công tác quy hoạch đô thị, quản lý và vận hành hệ thống hạ tầng đô thị, các dịch vụ công, các hoạt động xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch và trong các lĩnh vực kinh tế khác.
Về định hướng phát triển hạ tầng kinh tế, Hải Phòng sẽ đề xuất điều chỉnh ranh giới khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để bổ sung đất phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng tại Tràng Duệ 3, Lạch Huyện, Bến Rừng 2, Tam Hưng - Ngũ Lão, đảo Cái Tráp.
Nâng cấp trung tâm tài chính - thương mại và hội chợ triển lãm tại Lê Chân, Hồng Bàng. Xây dựng mới khu trung tâm thương mại tài chính tầm cỡ quốc gia, quốc tế (CBD) tại Hải An, Dương Kinh; các khu trung tâm dịch vụ thương mại mới gắn với dịch vụ cảng hàng không (Cát Bi, Tiên Lãng), đô thị mới Bắc sông Cấm (Thủy Nguyên) và đô thị mới phía Tây (An Dương). Phát triển khu thương mại tự do trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Hình thành các tuyến phố thương mại, dịch vụ, cửa hàng miễn thuế. Xây dựng chợ đầu mối nông sản, thuỷ sản ở Đồ Sơn, Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo, An Lão.
Mạng lưới logistics khoảng 2.200 - 2.500 ha, gồm: trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ – Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính. Ngoài ra, bố trí các khu logistics gắn với khu vực sản xuất công nghiệp, cảng sông, cảng biển và các trung tâm, đầu mối vận tải khác.
Hải Phòng cũng sẽ hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia, khu cấp thành phố và các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ tại Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương V.V...
Xây dựng hệ thống chợ đầu mối nông sản, thuỷ sản ở Hồng Bàng, Thuỷ Nguyên, Đồ Sơn, An Lão, Vĩnh Bảo. Xây dựng mới trung tâm dịch vụ nghề cá ở Thuỷ Nguyên, trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc ở Bạch Long Vỹ, khu neo đậu tàu tránh bão vùng giáp bờ ở Cát Hải, vùng xa bờ ở Bạch Long Vỹ.
Hải Phòng quy hoạch mạng lưới du lịch đến năm 2030 có đủ khả năng đáp ứng cho 30 - 35 triệu lượt khách, đến năm 2040 khoảng 35 - 40 triệu lượt khách.
Cụ thể, Khu du lịch - dịch vụ Đồ Sơn phát triển trung tâm du lịch quốc tế với thể thao vui chơi giải trí, tín ngưỡng và các lễ hội biển.
Phát triển khu vực Cát Bà, Long Châu, Bạch Long Vỹ thành du lịch dịch vụ kết hợp bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái. Hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.
Hình thành tuyến du lịch di sản văn hoá: Cái Bèo - Tràng Kênh - Bạch Đằng Giang - Núi Voi - Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Khu tưởng niệm Nhà Mạc, khu phố cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc; bảo tồn, phát huy giá trị các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên dòng sông Bạch Đằng...
Hồng Thanh
15:04 09/01/2025
12:16 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh