16:00 07/12/2013 Niềm vui của các bậc cha mẹ sinh con ra những mong con khôn lớn nương tựa khi “xế chiều”. Thế nhưng, cái điều hết sức bình thường đó chỉ là ước mơ xa vời với bà Nguyễn Thị Thuân, 59 tuổi, ở khu Đẩu Phượng 4, phường Văn Đẩu, quận Kiến An bởi 3 người con của bà đều mắc bệnh tâm thần…
Niềm vui của các bậc cha mẹ sinh con ra những mong con khôn lớn nương tựa khi “xế chiều”. Thế nhưng, cái điều hết sức bình thường đó chỉ là ước mơ xa vời với bà Nguyễn Thị Thuân, 59 tuổi, ở khu Đẩu Phượng 4, phường Văn Đẩu, quận Kiến An bởi 3 người con của bà đều mắc bệnh tâm thần…
Hạnh phúc mong manh Sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh chị em, lớn lên chị Nguyễn Thị Thuân xây dựng gia đình với anh bộ đội xuất ngũ Vũ Đức Ấm - người cùng làng. Hai vợ chồng chịu khó tích cóp dựng tạm được căn nhà tránh mưa tránh nắng. Niềm hạnh phúc lớn nhất của họ khi lần lượt trong các năm 1983, 1985, 1992 sinh được 3 bé trai kháu khỉnh với những cái tên rất đẹp: Vũ Đức Cường, Vũ Minh Dũng và Vũ Minh Hải. Mặc dù gia đình gặp khó khăn nhưng ngôi nhà luôn tràn ngập tiếng cười. Giữa lúc đôi vợ chồng trẻ còng lưng mưu sinh nuôi đàn con thì bất hạnh ập đến với họ. Người chồng trụ cột chính của gia đình sau một trận ốm đã vĩnh viễn không còn nhận ra bản thân và vợ con mình. Thương chồng, chị đưa anh đi chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng bệnh tình vẫn ngày càng nặng. Và cũng từ đây, bất hạnh liên tiếp ập đến gia đình bé nhỏ này. Mỗi khi anh lên cơn là chị lại hứng chịu những trận đòn vô cớ và việc ấy cứ xảy ra như cơm bữa…
Nỗi lo cuối đời bà Thuân là không có ai chăm sóc con mình Mất người trụ cột trong gia đình, người vợ bất hạnh chỉ còn bấu víu và tìm niềm an ủi ở 3 đứa con. Thương mẹ, Vũ Đức Cường, sinh 1983, người con cả sau khi học hết cấp 3 đã quyết định nghỉ học, khăn gói vào miền Nam làm thợ nề phụ giúp mẹ, kiếm tiền nuôi các em ăn học. Giữa lúc niềm hi vọng của cả nhà trông chờ vào Cường thì cái tin thằng Cường phát bệnh tâm thần bị người ta đuổi việc như sét đánh ngang tai bà. Bà tất tả chạy vạy tiền nong bắt xe vào Nam đón con về chữa bệnh. Cũng giống như cha, sau nhiều lần chạy chữa tại các bệnh viện tâm thần trong và ngoài thành phố, đi không biết bao đền, đài, miếu phủ nhưng Cường ngày càng điên nặng. Thương con, sợ ảnh hưởng đến hàng xóm, bà mua cuộn dây xích xích chân con vào góc nhà. Bất hạnh lại ập đến với gia đình bà khi người con thứ hai là Vũ Minh Dũng, sinh 1985, mặc dù lúc sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng cũng giống như Cường, càng lớn Dũng càng trở nên đờ đẫn, không còn nhận ra mình và mọi người xung quanh. Nuốt nước mắt, chị đưa con tới bệnh viện và được các bác sĩ cho biết cháu mắc chứng bệnh tâm thần. Niềm hi vọng cuối cùng chị dồn cho cậu con út là Vũ Minh Hải, sinh 1992. Đến lớp Hải trở nên lầm lì ít nói, tiếp thu kiến thức chậm, cô giáo khuyên gia đình cho cháu nghỉ ở nhà vì có học Hải cũng không tiếp thu được gì. Lớn lên, Hải không nghề nghiệp, cảm thông hoàn cảnh gia đình, một chủ nhà hàng tại khu du lịch Đồ Sơn, quận Đồ Sơn, đã nhận vào cho làm chân giúp việc. Thế nhưng, làm chưa được một tháng, trong buổi sáng khi dọn cửa hàng thì Hải phát bệnh chửi bới, đập phá tài sản của nhà hàng, đuổi đánh khách. Và ngay trong buổi sáng, Hải được đưa trả về gia đình. Chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình Hải không thuyên giảm. Giữa ngày 30 Tết Tân Mão năm 2011, chồng bà qua đời do tiền sử bệnh tâm thần kết hợp ung thư vòm họng. Trước những bất hạnh liên tiếp ập đến gia đình, những lời đồn thổi thêu dệt về ngôi nhà bà có ma ám dẫn đến chồng con bị điên loạn luôn đeo bám bà. Nhốt 2 con hơn 5.000 ngày trong phòng Ngồi nói chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thuân không cầm được nước mắt khi kể về những chuyến đi tìm con về. 14 năm trước, cái ngày thằng Cường bỏ học theo nghề mổ lợn và theo đám bạn rủ vào Nam, bà đã không yên tâm nhưng nó nói: “Nhà mình nghèo, nhà cửa sắp đổ, con đi làm một vài năm kiếm tiền về sửa sang lại nhà, dành tiền theo học đại học”. Nói đến đây bà Thuân ôm mặt khóc nức nở. Nhìn khuôn mặt khắc khổ của bà, không ai nghĩ, bà vừa trải qua trận ốm thập tử nhất sinh do sỏi thận gây ra. Rồi bà kể tiếp, vay mượn được ít tiền, bà cùng người em bắt xe vào TP. HCM. Tới chỗ làm của thằng Cường thì chủ thầu cho biết, nó phát bệnh tâm thần đập phá đồ đạc, đánh chửi mọi người và bỏ đi đâu không ai biết. Hai chị em bà cùng mọi người tìm kiếm nó khắp thành phố, sau nhiều ngày thì cũng tìm được Cường tại ngôi nhà hoang ven đô. Trên xe chạy ra Bắc 2 chị em bà phải dùng dây trói tay Cường lại và lúc nào cũng ngồi cạnh. Nhưng khi xe dừng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Cường đã bỏ trốn và vất vả lắm hai chị em bà mới tìm được và đưa về nhà.
Hàng ngày bà phải làm vệ sinh cho Cường, Dũng Về Hải Phòng chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình Cường không thuyên giảm, mỗi khi lên cơn, hai bố con thi nhau gào thét, đập phá đồ đạc và tìm đánh bà. Nhiều lúc giữa đêm hôm, để tránh những trận đòn, bà phải chạy ra bờ vùng ngủ qua đêm. Để giữ con khỏi đi lang thang, bà đã xích chân Cường vào chân giường. Nhiều lần trong lúc điên loạn, Cường thoát khỏi dây xích, trở nên hung hãn và đập phá mọi thứ trong nhà, không ai dám lại gần. Cực chẳng đã năm 2001, bà vay mượn được ít tiền xây một gian nhà nhỏ ở ngoài vườn nhốt con. Nhiều lần lúc mở cửa thay quần áo và cho con ăn, Cường lên cơn điên túm tóc bà đánh đấm không thương tiếc, phải nhờ đến hàng xóm bà mới thoát khỏi tay con. Nhốt Cường chưa ấm hơi phòng thì Dũng phát bệnh nặng hơn, bỏ nhà đi lang thang vài tháng, bà phải tìm về và lại xích con vào góc giường. Năm 2011, bà Thuân vay mượn cơi nới thêm vách bếp thành phòng nhỏ nhốt Dũng. Tháng 2- 2013, sau khi giật đứt xích, Dũng bỏ nhà đi. Nhiều lúc bà chỉ muốn phó mặc cho số phận nhưng lương tâm người mẹ không cho phép, vì vậy ban ngày bà đi quanh thành phố và các tỉnh lân cận tìm con, tối về lầm lũi ở bãi rác nhặt nhạnh đồng nát bán lấy tiền đi tìm con. Sau nhiều tháng đi tìm con tưởng chừng như bế tắc, một buổi sáng khi bà uể oải về nhà sau một đêm lao động cật lực thì thấy sân nhà mình nhốn nháo người và thằng Dũng thì đang cười ngơ ngác nhìn bà. Do sau nhiều ngày lang thang, Dũng lạc sang huyện Thủy Nguyên, may được một số người làm trong một công ty sản xuất nước ngọt cưu mang cho chỗ ăn ngủ. Rồi lần theo địa chỉ Dũng cung cấp, các anh đã đưa cháu về nhà. Bây giờ ban ngày bà chẳng dám đi đâu, chỉ ở nhà lo cơm nước, giặt giũ cho các con và trông chừng chúng khỏi bỏ nhà đi. Bà Thuân tâm sự: “Tôi trụ vững đến nay cũng nhờ vào sự giúp đỡ của bà con lối xóm, các tổ chức xã hội. Mình còn sức thì cố lo cho các con thôi, chỉ sợ khi chết chúng không còn bấu víu vào đâu…”. |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết