14:10 14/06/2017 Quán nhậu tràn lan trên các tuyến phố
Quán nhậu tràn lan trên các tuyến phố
Việc lạm dụng rượu, bia không chỉ gây tác hại cho sức khỏe mà còn là tác nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội. Song đáng sợ hơn cả là số người chết và bị thương trong các vụ TNGT xuất phát từ rượu, bia đang ngày một gia tăng. Chính vì thế, Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức Y tế quốc tế đã đưa ra lời khuyến cáo: Bia, rượu là “kẻ sát nhân” giấu mặt đối với ATGT.
Tràn lan phố... “nhậu”
Một thông tin đáng giật mình là thị trường Việt Nam hiện được xếp vào nhóm những nước dẫn đầu thế giới có mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người cao nhất thế giới. Cụ thể, theo tài liệu của Vụ ATGT, Bộ Giao thông vận tải: Năm 2010, tổng sản lượng bia, rượu sản xuất và tiêu thụ ở Việt Nam vào khoảng 2,4 tỷ lít (gồm 2 tỷ lít bia và 400 triệu lít rượu).
Trong đó, Cty Sabeco sản xuất, cung cấp 1 tỷ lít bia; Cty Habeco sản xuất tiêu thụ khoảng 650 triệu lít. Về rượu, các cơ sở sản xuất công nghiệp cung cấp 100 triệu lít; rượu do người dân tự nấu là 200 triệu lít, còn lại hơn 100 triệu lít có nguồn gốc ngoại nhập bằng nhiều cách vào nội địa. Đáng chú ý hơn, hiện trạng sử dụng rượu, bia gia tăng nhanh vì theo Bộ Công thương, sản lượng bia năm 2016 của Việt Nam là 3,788 tỷ lít bia và gần 500 triệu lít rượu, xếp thứ 16 về mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn. Dự báo năm 2017, sản lượng sản xuất của ngành bia trong nước đạt gần 4 tỷ lít và 650 triệu lít rượu; tăng gấp 1,78 lần về bia và tăng 25% về rượu so với năm 2010.
Còn tại Hải Phòng, người dân có sở thích uống rượu, bia, nhậu nhẹt chỉ “chịu” xếp sau hai thành phố lớn, đông dân là Hà Nội, Hồ Chí Minh. Hơn nữa, số người mắc hội chứng nghiện và lạm dụng chất kích thích trong đồ uống đang có xu hướng gia tăng nhanh và trẻ hóa. Ngoài những khu du lịch như Đồ Sơn, Cát Bà với các nhà hàng, quán nhậu phục vụ thượng khách suốt ngày đêm thì nhiều tuyến phố trong nội đô cũng đang dần biến thành… “phố nhậu”.
Điển hình phải kể đến đường Lạch Tray. Từ 15h chiều hàng ngày, trên dọc tuyến này, hàng trăm hàng quán bùng phát mọc ra, lan nhanh hơn cả nấm sau mưa. Tốc độ hình thành chỗ ăn nhậu thâu đêm chỉ trong vài chục phút bởi các “tiểu nhị” căng bạt, kéo ô dù, kê bàn ghế ngay trên vỉa hè để bán rượu, bia phục vụ khách.
Trên đường Nguyễn Văn Linh, trước đây hàng quán thưa thớt, chủ yếu là cơm bình dân. Thế nhưng hiện nay, trên tuyến này có cả hàng trăm “tửu quán”, nhà hàng lớn nhỏ đua nhau mọc lên. Buổi tối, xe cộ, phương tiện của khách để tràn lan, lấn chiếm cả vỉa hè lẫn lòng đường cản trở giao thông.
Rồi tuyến phố mới Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) hiện được mệnh danh là tuyến phố “bia-mực” vì ngoài hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán hát sang trọng phục vụ thượng khách ăn chơi nhậu nhẹt thì dọc trên vỉa hè hai bên đường chi chít quán cắm ô, che bạt phục vụ khách nhậu thường dân thâu đêm. UBND quận Ngô Quyền nhiều lần ra tay dẹp bỏ, nhưng chỉ như “đá ném ao bèo”. Vì vào buổi sáng, hè phố sạch tinh nhưng chiều tối hàng quán ào ào mọc lên, khó mà đếm xuể.
Tương tự, trên các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân), quán nhậu mọc san sát “nuốt chửng” vỉa hè, lối vào cổng chính trường học, choán hết cả khu vực mặt tiền Bến xe Niệm Nghĩa vào các buổi tối. Còn ở Khu vực dải trung tâm thành phố, trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, Trạng Trình, Trần Quang Khải (quận Hồng Bàng) từ lâu đã trở thành những phố ăn nhậu.
Về đêm, xe ô tô, xe máy của khách đậu kín cả 2 bên đường, gây cản trở giao thông và gây mất trật tự công cộng vì có những thượng khách do uống quá chén, say xỉn chửi bới, quậy phá, đánh lộn nhau.
Không chỉ ở nội thành, xu hướng ăn chơi nhậu nhẹt “tới bến” tràn lan ra cả khu vực ngoại thành, tại các thị trấn, thị tứ; khu vực đông người, nhất là khu công nghiệp. Vì lẽ, các doanh nghiệp sản xuất liên tục 3 ca/ngày, công nhân đông đúc, kéo theo các loại dịch trông giữ xe máy, xe đạp, ăn nhậu, gửi đồ.
Điển hình là “tụ điểm” hàng quán trái phép dọc tuyến QL10 đoạn thuộc xã Lê Lợi, khu vực cổng Khu Công nghiệp Tràng Duệ (An Dương). Ở khu vực này hiện tồn tại vô số lều, quán phục vụ công nhân làm ca 3 và cánh lái xe đường dài. Do toàn bộ hàng quán này đều nằm trên đất nông nghiệp và hành lang ATGT nên nhiều lần huyện An Dương đã ra tay dẹp bỏ.
Nhưng rồi chỉ sau vài ngay ra quân, nhà hàng, quán nhậu lúp xúp đua nhau mọc lên, gây mất trật tự công cộng và TTATGT bởi không ít “bợm nhậu” tụ vạ đánh chửi nhau; thậm chí đã có vụ đối tượng hình sự dùng vũ khí nóng tấn công lực lượng công an làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT về đêm. Đó là chưa kể đến các khu công nghiệp lớn khác như: Nomura (An Dương), Tân Liên (Vĩnh Bảo), khu vực Cầu Đen (Tiên Lãng), dọc tuyến QL10 đoạn thuộc xã Quang Trung (An Lão). Vào các buổi tối, nhà hàng quán nhậu đều chật kín; xe máy, ô tô của khách ăn nhậu đậu kín vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường. Và không chỉ có buổi tối, ngay cả buổi trưa nắng gắt, những quán nhậu đặc sản rừng, biển, “hương đồng nội” vẫn đông nghẹt khách.
Hệ lụy từ rượu bia
Do chẳng có quy định nào về định lượng hạn chế quán nhậu, nhà hàng bán rượu, bia cho khách nên dân nhậu cứ thoải mái gọi và đua nhau hò hét, thúc giục nâng cốc, cạn ly. Họ có hàng nghìn lý do để nhậu nhẹt, chúc tụng và thậm chí là ép nhau uống rượu bia say xỉn.
Rồi để khuyến khích dân nhậu uống thêm bia, gọi thêm rượu, các nhà hàng sang trọng đến quán nhậu bình dân đều có đội ngũ nhân viên tiếp thị của các hãng rượu, bia thay nhau tỏa đi khắp nơi, đến từng bàn mời chào, quảng cáo trực tiếp với thượng khách. Khi đề cập đến vấn đề chốt chặt, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính với những thượng khách đã ăn nhậu quá đà rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đại diện các cơ quan chức năng như CSGT, CSTT, CSCĐ, Thanh tra giao thông đều chung nhận định rằng vấn đề này không khó.
Tuy nhiên, trong khi địa bàn thành phố có đến hàng nghìn nhà hàng, quán nhậu, quán hát, vũ trường lớn nhỏ thì lực lượng chuyên trách không thể đủ quân số để thực hiện việc kiểm soát khách nhậu tham gia giao thông. Điều này khiến cho những “ma men” say xỉn vẫn tỏ ra không ngán khi lái xe chạy trên đường.
Và hệ lụy của nhậu nhẹt, lạm dụng rượu bia không chỉ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông, mà còn liên quan trực tiếp đến ANTT, nhất là về ban đêm.
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), 6 tháng đầu năm 2017, tổ công tác 119 (Phòng PC67, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH và Cảnh sát Cơ động) đã kiểm tra xử lý gần 800 trường hợp (9 ô tô, 772 mô tô) vi phạm TTATGT về đêm. Trong đó, không ít trường hợp lái xe trong tình trạng xay xỉn và vi phạm thêm các lỗi khác như: lạng lách đánh võng; chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm đi ngược chiều...
Trở lại vấn đề rượu bia được bày bán công khai ở khắp mọi nơi với nhiều chủng loại, các thông tin quảng bá giới thiệu cho sản phẩm thường chưa gắn kèm với khuyến cáo về tác hại của việc sử dụng chúng quá mức, nhất là đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; ở mức 0,1mg/l khí thở, người điều khiển sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; nếu với nồng độ 0,2mg/l khí thở, người điều khiển dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể bị lú lẫn khiến họ không thể tự chủ được hành vi cá nhân. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia.
Hơn nữa, hậu quả của các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất của vụ việc lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản. Năm 2015, Tổ chức WHO khi tiến hành khảo sát trên hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam đã cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái xe ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Những con số trên cho thấy tác hại của rượu, bia vô cùng lớn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Vấn đề đặt ra, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét tới việc xây dựng, áp đặt chế tài đối với các chủ nhà hàng, quán nhậu trong việc cung cấp rượu, bia cho thực khách. Đặc biệt, cần có phương án tổng thể là xử lý thế nào thực trạng hàng đêm trên địa bàn thành phố, số lượng lớn “đệ tử của Lưu Linh” bị “ma men” dẫn lối từ nhà hàng, quán nhậu nhảy lên ô tô, xe máy tham gia giao thông.
(còn nữa)
Đoàn Lanh
23:14 20/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết