15:58 16/06/2017 Kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với lái xe Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn trong máu hoặc trong khi thở vượt quá ngưỡng cho phép đi vào thực tế còn rất hạn chế…Chế tài xử phạt còn hạn chế
Kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với lái xe
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn trong máu hoặc trong khi thở vượt quá ngưỡng cho phép đi vào thực tế còn rất hạn chế…
Chế tài xử phạt còn hạn chế
Bộ luật Hình sự năm 1999 đã đưa chế tài truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù đối với người lái xe vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của con người.
Tại điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi) quy định: “Phạt tù từ 3 năm đến 10 năm đối với người lái xe vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe khác trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định về giới hạn nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ: “Nghiêm cấm điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”; “Nghiêm cấm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50miligam/100ml máu hoặc 0,25miligam/1 lít khí thở”.
Đặc biệt, để cụ thể hóa văn bản luật, từ năm 1991 đến nay, Chính phủ đã có trên 8 lần sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho phù hợp với tình hình thực tế của công tác bảo đảm TTATGT. Trong đó, các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn ngày càng chặt chẽ, cụ thể với mức xử lý theo hướng ngày càng tăng nặng, nghiêm khắc hơn.
Mới nhất, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn thành 2 mức đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và 3 mức đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe chuyên dùng. Theo đó mức phạt cao nhất là “Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở” (điểm a, khoảng 9 và điểm đ, khoản 12 Điều 5).
Hoặc “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở” (điểm c, khoản 8 và điểm đ, khoản 12 Điều 6).
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn trong máu hoặc trong khi thở vượt quá ngưỡng cho phép đi vào thực tế còn rất hạn chế. Cụ thể, theo Vụ ATGT (Bộ GTVT), phạm vi áp dụng chế tài này vào xử lý vi phạm hành chính mới chỉ triển khai được ở các thành phố lớn, các khu đô thị trung tâm. Còn theo Cục CSGT (C67) Bộ Công an, hiện trên cả nước, số lượt đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính về lỗi quá nồng độ cồn chỉ chiếm tỷ lệ từ 3-4% trong tổng số các lỗi vi phạm đang được áp dụng.
Xử lý nghiêm vi phạm
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, công tác xử lý vi phạm về TTATGT với lỗi vi phạm nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến những hạn chế nhất định. Trước hết, theo quy định, các đơn vị công an quận, huyện đều có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Song việc thực thi thẩm quyền này ở khu vực trên hiệu quả chưa cao, đặc biệt vùng nông thôn. Thậm chí, có những địa phương, từ đầu năm đến nay chưa hề xử lý trường hợp nào vi phạm về nồng độ cồn. Mặc dù lực lượng làm nhiệm vụ trên đường, bằng mắt thường cũng có thể phát hiện người vi phạm về nồng độ cồn tham gia giao thông, nhất là vào dịp lễ, tết, tiệc cưới hỏi.
Dường như việc xử lý vi phạm người uống rượu bia tham gia giao thông ở vùng nông thôn rất “tế nhị”, nếu như không nói là khó khăn. Ví dụ, cả đoàn người sau tiệc cưới, đã sử dụng rượu bia, tham gia giao thông để đi đón dâu hoặc đưa dâu.
Đến nay, Phòng PC67 - Công an thành phố vẫn là lực lượng chủ công xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Để đẩy lùi vấn nạn “ma men” điều khiển xe máy và ngồi sau vô-lăng, đơn vị đã xây dựng triển khai nhiều kế hoạch cao điểm, đồng thời chỉ đạo các tổ, trạm, đội trực thuộc tập trung làm mạnh về lỗi vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt vào các dịp lễ, tết; trên những tuyến, địa bàn trọng điểm như: đường Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng; các tuyến QL5, QL10…Trong 6 tháng đầu năm 2017, Phòng PC67 đã kiểm tra, xử lý 33.438 trường hợp vi phạm gồm: 19.915 ôtô, 12.843 môtô, 643 xe máy điện, 37 xe thô sơ; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 25,326 tỷ đồng; áp dụng hình thức phạt phụ gồm: tước GPLX 1.698 trường hợp; tạm giữ 380 ô tô, 893 môtô, 50 xe máy điện, 16 xe thô sơ. Riêng với chuyên đề về xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã kiểm tra lập biên bản xử lý 641 trường hợp (gồm 257 xe ô tô, 384 xe mô tô), tiền phạt theo lỗi lên tới 2,584 tỷ đồng, chiếm 1,91% về số lượt vi phạm và chiếm 10,2% về số tiền phạt.
Đại tá Vũ Văn Giới, Trưởng Phòng PC67 nhận định, kết quả xử lý vi phạm về nồng độ cồn chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Dẫu vậy, các lực lượng nghiệp vụ trực thuộc đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ với tinh thần quyết liệt, xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm. Thể hiện rõ nét, quá trình kiểm tra, xử lý lực lượng CSGT đã áp dụng mức phạt tối đa. Nhiều trường hợp, người vi phạm sau khi hết say đã phải tâm phục, khẩu phục.
Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng PC67 đã hoàn tất thủ tục xử lý vi phạm hành, trình Giám đốc Công an thành phố ký quyết định xử lý theo thẩm quyền hàng chục trường hợp. Trong đó, nhiều trường hợp có mức phạt cao nhất về hành vi vi phạm hành chính về nồng độ cồn có trong khí thở khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Điển hình là trường hợp Đỗ Văn Nguyên, ở 22 Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân, Hải Phòng điều khiển xe ô tô BKS 16N-5935. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác Đội CSGT số 2 đã lập biên bản tạm vi phạm lỗi nồng độ cồn trong khí thở đối với anh Nguyên ở mức là 0,423miligam/lít khí thở (vượt quá 0,4miligam/lít).
Áp theo quy định hiện hành, anh Đỗ Văn Nguyên bị xử phạt vi phạm hành chính 17 triệu đồng và tước GPLX thời hạn 5 tháng. Tương tự, Lê Văn Chương, trú tại Lộc Hạ, Nam Định, điều khiển xe ô tô BKS: 18A-06771 bị Trạm CSGT An Hưng kiểm tra, lập biên bản lỗi vi phạm nồng độ cồn trong khí thở là 0,815miligam (vượt quá ngưỡng 0,4miligam/lít); chạy quá tốc độ 18km/h (78km/60km quy định). Giám đốc Công an thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh mức tiền là 19 triệu đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn là 5 tháng…
Theo các CBCS làm nhiệm vụ trên các tuyến giao thông, quá trình thực hiện nhiệm vụ xử lý lỗi vi phạm về nồng độ cồn còn gặp không ít khó khăn có nguyên do cả về chủ quan, lẫn khách quan. Trước hết, có thể nói tập quán uống và sản xuất rượu bia đã trở thành thói quen và tập tục lâu đời ở nước ta. Ở một khía cạnh nhất định, uống rượu bia thể hiện nét văn hóa giao tiếp và nếp sống của người Việt.
Vì vậy, trong sinh hoạt ăn uống, trong nghi thức hiếu, hỷ, lễ, tết đều khó có thể tránh được tục lệ uống rượu bia. Về chủ quan, máy móc thiết bị phục vụ nhiệm vụ này còn thiếu thốn, ít thông dụng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSGT phát hiện, xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn thường là gián tiếp, chỉ phát hiện qua khâu kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm khác. Hơn nữa, đối với người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia hoặc say xỉn thường có thái độ bất hợp tác, thậm chí chống đối lực lượng chức năng.
Cũng theo Đại tá Vũ Văn Giới, Trưởng phòng PC67: Hành vi điều khiển ô tô, mô tô, xe gắn máy trong người đã có rượu bia vượt quá mức cho phép là rất nguy hiểm. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT. Vì vậy, lãnh đạo đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các trạm, đội tập trung cao kiểm tra, xử lý nghiêm. Nếu phát hiện người điều khiển phương tiện chạy xe loạng choạng, mặt đỏ…, có dấu hiệu sử dụng rượu bia, CSGT sẽ cho dừng phương tiện để kiểm tra ngay.
(còn nữa)
ĐOÀN LANH
23:14 20/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết