06:28 17/03/2018 Dư luận dậy sóng sau vụ việc một giáo viên ở Long An bị phụ huynh ép quỳ gối vì cô đã phạt con họ bằng chính hình thức này. Về hành vi phạt học trò bằng đòn roi, quỳ gối của cô giáo, trong khi một số ý kiến ủng hộ thì rất nhiều ý kiến khác lại cho rằng đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại, đặc biệt là phản khoa học và sai luật...
Học sinh bị phạt quỳ không còn phù hợp. Ảnh minh họa
Coi chừng kiểu phạt... “truyền thống”!?
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra trong môi trường giáo dục, như: học trò đánh nhau, thầy đánh trò, trò đánh thầy và cũng có cha mẹ học sinh vào trường đánh thầy cô. Trước những vụ việc liên tiếp xảy ra khiến cho dư luận không thể không đặt ra câu hỏi đâu là giới hạn cho việc xử phạt, răn dạy học sinh và phải chăng đạo nghĩa “tôn sư trọng đạo” trong xã hội ngày nay đang bị lung lay.
Nói đến chuyện nuôi dạy trẻ con, không người lớn nào không có khái niệm thưởng phạt trong đầu. Đủ thứ hình phạt được nghĩ ra, từ xưa đến nay, nhằm mục đích sao cho trẻ “nhớ đời” mà “chừa”, không lặp lại lỗi sai nữa. Những ngày đầu bước chân đến trường không bạn nhỏ nào không lo lắng về hình phạt có thể bị thầy cô áp dụng ở trường.
Một bà mẹ đã từng xót xa khi con bị phạt: “Thằng con đoảng quên vở ở nhà. Thế là cô bắt viết 50 dòng “Từ nay em xin hứa không quên vở nữa”. Khổ cái là bài tập đã nhiều, bò ra làm chưa xong, lại thêm cái bài chép phạt này nữa, nó làm xong thì ngủ gục, chả còn thời gian xếp sách vở cho cẩn thận, hôm sau... lại quên!”.
Một ông bố thì than, chẳng may đưa con đến trường muộn, thế là thằng con bị phạt đứng ngoài cửa hết một tiết. Ngoài ra, còn biết bao hình phạt từ nhẹ nhàng có tính chất cảnh báo đến ghê gớm hơn là làm rối loạn cả cuộc sống bọn trẻ, gọi bố mẹ đến, con khóc mẹ la, rồi cuối cùng là đuổi học.
Một phụ huynh cho rằng nên ủng hộ các hình thức phạt như: đánh tay, quỳ gối để mang tính răn đe bởi học trò có sợ giáo viên thì mới nghe lời. “Thời buổi này, nhiều phụ huynh chiều con quá khiến chúng chả biết sợ ai. Chúng đi học như đi chơi, nói tục, chửi thề, học hành thiếu tập trung, coi trời bằng vung, thiếu tôn trọng giáo viên. Ở nhà cha mẹ đã không dạy bảo nổi thì phải để cho nhà trường dạy dỗ. Nếu không chúng nó sau này ra xã hội thì sẽ thế nào?”- vị phụ huynh chia sẻ. Cùng đồng ý kiến trên thì nhiều người cho rằng việc phạt học trò bằng đòn roi, phạt quỳ, chép vở... là bình thường bởi ngày xưa hỗn là các cụ đánh cho nát đít, rồi đọc sai thì quật thước đỏ cả tay hay quỳ gai mít khi có lỗi, nhớ đến già.
Có một thực tế là cách phạt học trò kiểu truyền thống này có vẻ như dần trở nên “lỗi thời”. Một cô giáo của Trường THPT Quốc học Huế cho biết, các hình thức phạt của thầy chủ nhiệm lúc cô còn đi học khiến cô cứ nghe thấy là sợ, thậm chí còn... bị ám ảnh cho đến tận bây giờ:
“Thời của tôi không có khái niệm thầy chiều trò, bố mẹ chiều con. Mọi thứ đều rất nghiêm và đi vào khuôn khổ nên việc gây ra lỗi ở trường hay ở nhà đều khiến chúng tôi rất lo sợ, sợ bị phạt với các kiểu phạt rất đau và quỳ gối là một trong những kiểu phạt ấy. Chính vì sợ nên không dám vi phạm và mình cũng cảm thấy hình thức phạt ấy hoàn toàn xứng đáng nên tôi thấy thầy phạt trò quỳ gối không có gì oan ức. Nay đề cao cái gọi là sự công bằng nên giáo viên mà áp dụng các hình thức "phạt rắn" như ngày xưa thì dễ bị phản ứng ngay từ chính các học sinh và phụ huynh”...
Cần bỏ cách phạt sai luật, phản khoa học
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ lao động - thương binh và xã hội) khẳng định, Luật bảo vệ trẻ em, Luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác cấm tuyệt đối các biện pháp trừng phạt trẻ em bằng đòn roi, bắt quỳ gối, chạy vòng quanh sân trường, thậm chí liếm ghế. Đó là hành vi bạo lực, sỉ nhục người khác, cần bị xử phạt hình sự, hành chính hoặc các biện pháp kỷ luật của nhà trường.
“Việc giáo viên sử dụng roi vọt hay hạ nhục học sinh tuyệt đối không được, chứ không phải nên hay không? Câu chuyện của cô giáo bắt học sinh quỳ gối là hệ quả của nạn bạo lực sinh ra bạo lực. Ai sai ai đúng đã có luật pháp can thiệp, việc phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi theo kiểu “ăn miếng trả miếng” cũng không thể chấp nhận được”, ông Nam nhấn mạnh.
Cũng có ý kiến phân tích cho rằng, dù với động cơ “muốn học sinh tiến bộ”, “yêu cho roi cho vọt”, giữ “truyền thống kỷ cương giáo dục”... gì gì đi nữa, thì việc bắt học sinh quỳ cũng như tất cả các hình thức xúc phạm đến thân thể, tinh thần học sinh như: đánh đập, nhiếc mắng, đe dọa, bắt đứng úp mặt vào tường, làm nhục, làm tổn thương nhân phẩm, danh dự... học sinh đều không còn phù hợp với quan điểm giáo dục tiến bộ.
Theo ông, cha mẹ và nhà giáo dục phải chấp nhận mọi trẻ em như bản tính nó vốn có, yêu thương, tôn trọng và giúp nó “phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của mỗi em” (Hồ Chí Minh, 1945). Cho nên cha mẹ và giáo viên thấy trẻ phát triển không theo đúng “mục tiêu” mình đặt ra mà thất vọng, bực tức trừng phạt trẻ, thì đó là vì mình, chứ không phải “vì học sinh thân yêu”. Cần khơi dậy, kích thích niềm hứng thú từ đó tạo nên động lực từ bên trong đứa trẻ, chứ không phải từ áp lực bên ngoài.
Như vậy không có nghĩa là “tự do vô kỷ luật” mà trái lại trẻ càng được tôn trọng, tự do, càng làm cho các em có ý thức tự trọng, có trách nhiệm với bản thân và tập thể. Ví dụ, có em hay trêu chọc bạn, mất trật tự, em sẽ bị nhắc nhở, phê bình và cần thì phạt, cho ngồi một mình, tại “bàn cô đơn” một thời gian; nếu em đánh hỏng đồ dùng của bạn, đánh bạn, hay làm vỡ cửa kính nhà trường chẳng hạn, hành vi đó phải lập biên bản, em ký vào, các bạn làm chứng ký vào; cha mẹ và bản thân phải xin lỗi, chuộc lỗi, đền bù.
Tập thể học sinh cũng có thể tự đề ra kỷ luật, chẳng hạn, có em học sinh hay phá quấy, nếu không sửa chữa, có thể không được đi tham quan cùng lớp, vì “sợ rằng bạn ấy lại phá quấy, ảnh hưởng xấu đến danh dự của lớp ta”... Kỷ luật làm sao để học sinh có sai lầm và các em khác rút ra bài học từ những sai lầm, nhưng không được xúc phạm nhân cách học sinh. Có vậy, các em mới trưởng thành đàng hoàng, tử tế.
Để giải quyết được nạn bạo lực học đường cần có sự thống nhất chung tay của toàn xã hội đặc biệt là sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và cộng đồng. Cha mẹ phải xác định mình làm tấm gương không chỉ cho con mà còn cho những người xung quanh để tạo nên môi trường an toàn và tôn trọng. Giáo viên không những cần đáp ứng về năng lực chuyên môn mà còn cần phải được sàng lọc về các tiêu chuẩn đạo đức.
NHẬT LAM
10:41 22/12/2024
14:10 20/12/2024
17:36 19/12/2024
18:52 18/12/2024
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế