60 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn

    21:54 05/12/2020

    Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" - Dự án 585 do Bộ Y tế triển khai từ tháng 2-2013 với mục tiêu bảo đảm tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Theo đó, tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 - 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện khó khăn.

    Bộ Y tế tổ chức Lễ bàn giao 60 bác sĩ trẻ Chuyên khoa cấp I về công tác tại vùng khó khăn

    Sáng 4-12, tại trường ĐH Y - Dược Hải Phòng, Bộ Y tế tổ chức Lễ bàn giao 60 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa I các khóa 9 và 13 trong tổng số 354 bác sỹ đã và đang được đào tạo tại Trường Đại học Y - Dược Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Huế và Trường Đại học Y - Dược Hải Phòng. Dự Lễ bàn giao có đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh miền núi phía Bắc, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các đơn vị Y tế tuyến huyện tham gia dự án.

    Đây là hoạt động thuộc Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)".

     Bảo đảm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn

    Tại Lễ bàn giao, 60 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ Chuyên khoa I các khóa 9 và 13 (trong đó có 50 bác sỹ là người dân tộc H’Mông, Nùng, Tày, Dao, Pu Péo, Sán Chỉ, Mường Thái…) thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Răng - Hàm - Mặt, Ngoại, Nhi, Nội, Phụ sản, Gây mê hồi sức, truyền nhiễm, xét nghiệm và Y học cổ truyền sẽ được cấp bằng Chuyên khoa I và chứng chỉ hành nghề sẽ tình nguyện công tác về 33 huyện nghèo thuộc 9 tỉnh: Hà Giang; Bắc Kạn; Cao Bằng; Điện Biên, Sơn La; Lào Cai; Thanh Hóa; Lạng Sơn và Lai Châu.

    Như vậy, tính đến thời điểm này, với 10 khóa bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp, dự án đã bàn giao 211 bác sĩ cho 68 huyện khó khăn thuộc 21 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

    PGS.TS Phạm Minh Khuê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y - Dược Hải Phòng trao Bằng Chuyên khoa I tới các học viên

    Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội. Triển khai tốt dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

    Hiện, dự án đang đào tạo chuyên khoa I cho 354 bác sỹ thuộc 11 chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mề hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Răng - Hàm - Mặt và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sỹ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sỹ được huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ về công tác lâu dài tại Bệnh viện/TTYT huyện đó.

    PGS.TS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược Hải Phòng trao Quyết định khen thưởng của nhà trường tặng các học viên

    Theo TS. Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc Gia, Cục trưởng Cục KHCN&ĐT, Giám đốc Dự án 585, thời gian tới, hoạt động đào tạo Chuyên khoa I cho các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia dự án bằng nguồn Dự án HPET sẽ kết thúc, song dự án bác sĩ trẻ sẽ tiếp tục triển khai nhằm bảo đảm cung cấp đội ngũ bác sĩ trẻ cho các vùng khó khăn. Dự án sẽ có nhiều điểm mới, như: mở rộng đối tượng đối với các bác sĩ đào tạo theo diện liên thông, chuyên tu; kéo dài độ tuổi 37 tuổi với nữ và 40 tuổi với nam.

    "Chúng tôi tiếp tục kiến nghị Chính phủ, nâng cấp thành dự án của Chính phủ, trước mắt giao cho Cục và các Vụ, Cục của Bộ Y tế xây dựng dự án mới cho toàn bộ vùng khó khăn. Như vậy, ngoài dự án đào tạo bác sĩ trẻ ra, có thể, chúng ta sẽ có một dự án mới cho cả điều dưỡng, kỹ thuật viên, thậm chí đào tạo cả bác sĩ chuyên khoa II", TS. Phạm Văn Tác thông tin.

    TS. Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc Gia, Cục trưởng Cục KHCN&ĐT, Giám đốc Dự án 585 chia sẻ về dự án

     Xúc động trước tinh thần xung kích, tình nguyện của 60 học viên, PGS. TS. Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược Hải Phòng nhắn nhủ: "Các anh, chị hãy không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Các anh, chị có quyền tự hào về kết quả học tập của mình trong những năm học tập ở mái trường này; nhưng những gì anh, chị học được mới chỉ là những kiến thức cơ bản, nền tảng hữu hạn cho hành trang ban đầu. Điều quan trọng chúng ta phải biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, làm giàu và phong phú hơn vốn kiến thức của chính mình".

    Tại hội nghị, Bác sĩ Chuyên khoa I Hoàng Quang Hà, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã chia sẻ niềm xúc động sâu sắc khi tình nguyện đăng ký tham gia dự án, tình nguyện đến công tác tại vùng khó khăn, đồng thời bày tỏ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ tình nguyện, xứng với tinh thần “Lương y như từ mẫu”, xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ.

     HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông