09:23 18/05/2019 Trước diễn biến mới của chiến trường miền Nam, ngày 3-4-1965 Thường trực Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết tăng cường nhiệm vụ cho Đoàn 559, tổ chức tuyến vận tải cơ giới vươn sâu, đánh bại chiến lược từ “chiến tranh cục bộ” đến “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Mở đường cho xe cơ giới chi viện chiến trường miền Nam (ảnh tư liệu)
Theo đó về tổ chức, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh của Đoàn tương đương cấp quân khu trực thuộc Quân ủy Trung ương. Quyết định này đánh dấu bước phát triển mới của Đoàn 559, từ vận tải thô sơ chuyển sang vận tải cơ giới; từ quy mô cấp sư đoàn lên quy mô cấp quân khu với những nhiệm vụ chiến lược to lớn, những cũng vô cùng khó khăn, phức tạp trên một địa bàn rộng.
Đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được Bộ Quốc phòng điều làm Tư lệnh Đoàn 559 kiêm Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần tiền phương. Bắt đầu từ mùa khô 1967, đường giao liên tách khỏi đường ô tô, hệ thống cầu đường được đổi mới một cách cơ bản trong thế trận hiệp đồng chiến đấu giữa các quân, binh chủng trên toàn tuyến, nhờ đó công tác vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam tăng gấp 25 lần, giao cho bạn Lào tăng gấp 12 lần so với năm 1966, đưa bộ đội vào chiến trường tăng gấp 2,5 lần so với chỉ tiêu Bộ giao.
Cuối năm 1967, Đoàn 559 đã xây dựng được một mạng đường vững chắc với 2.959km đường ô tô bao gồm các trục dọc chính, trục dọc phụ, đường ngang, đường vòng tránh và đường vào kho lấy hàng. Đây là một thế trận cầu đường có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Sự phát triển của hệ thống đường Hồ Chí Minh đã phục vụ đắc lực cho công tác vận chuyển chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Năm 1968, Đoàn 559 đã có 25 binh trạm, 23 trung đoàn, quân số lên đến 80.000 người.
Mùa khô 1968-1969, hệ thống đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn không chỉ phát triển vào các chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên mà còn được phát triển mạnh ra phía Bắc, tiếp giáp với hậu phương lớn miền Bắc, đáp ứng với yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường. Tháng 7-1970, Bộ Tư lệnh 559 được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Các binh trạm được tổ chức thành các sư đoàn, nâng tổng quân số lên 92.000 người.
Ngày 5-5-1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn huy động toàn bộ lực lượng công binh và một số lực lượng khác đồng loạt ra quân mở “đường kín” (chạy dưới các tán cây của rừng Trường Sơn). Đến cuối năm 1971, toàn tuyến đã mở được 1.190km đường kín. Vận chuyển trên đường kín đã trở thành xu thế chủ đạo trên đường Hồ Chí Minh, được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đánh giá rất cao, coi đó là một thành tựu có ý nghĩa chiến lược, tạo được thế bất ngờ đối với không quân địch. Hệ thống đường kín tiếp tục được phát triển trong những năm tiếp theo.
Cuối năm 1972, ta đã xây dựng được một mạng đường giao thông vận tải chiến lược gồm nhiều trục dọc, ngang và các đường vòng tránh, hình thành hệ thống đường cho các kiểu, loại xe cơ giới, với tổng chiều dài 11.000km. Giao thông vận tải phục vụ kháng chiến của toàn miền Nam trong năm 1972, đã góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng to lớn của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, buộc đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Pa-ri, đồng thời cũng góp phần cho cuộc tiến công chiến lược của quân và dân Lào giành thắng lợi toàn diện, buộc địch phải ký Hiệp định Viêng Chăn.
Đầu năm 1973, mạng đường chiến lược đã được mở rộng trên địa bàn Tây Trường Sơn, tuy nhiên chỉ bảo đảm vận chuyển được trong mùa khô. Để đáp ứng yêu cầu tăng khối lượng vận chuyển, tăng tốc độ xe chạy, tăng mật độ phương tiện nhằm tổ chức vận chuyển lớn, cơ động lớn và nhanh các binh đoàn chủ lực và binh khí kỹ thuật đến các hướng tác chiến, ta cần nhanh chóng xây dựng, phát triển, hoàn thiện mạng đường giao thông vận tải chiến lược Đông, Tây Trường Sơn ra phía trước. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tổ chức điều chỉnh, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, đồng thời tăng cường lực lượng, phương tiện triển khai trên toàn tuyến làm nhiệm vụ xây dựng, khôi phục và bảo đảm đường vận chuyển.
Cuối năm 1974, tuyến vận tải quân sự chiến lược trên đường Hồ Chí Minh đã thực hiện được chủ trương của Quân ủy Trung ương, hoạt động cả mùa khô và mùa mưa theo tỷ lệ thích hợp. Quân và dân ta đã có một hệ thống đường chiến lược nối liền từ hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường, bảo đảm cho tất cả loại binh khí kỹ thuật cơ động trong đội hình hành quân của các quân đoàn, binh chủng hợp thành ra trận.
Như vậy, từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc... xây dựng trong một thế trận càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường.
(Còn nữa)
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh