Bảo tồn loài cam quý xã Đặng Cương (An Dương)

17:16 22/03/2023

Trong tổng số diện tích đất nông nghiệp 258,97ha, xã Đặng Cương (An Dương) có tới gần 140 ha diện tích đất trồng hoa, cây cảnh. Đất nông nghiệp của địa phương chủ yếu là đất thịt, một phần là đất cát pha rất thích hợp cho việc cấy lúa, trồng rau màu, hoa, cây cảnh và cây ăn quả. Nổi bật trong số đó phải kể đến loài cam chanh.

Cam chanh là một trong những loài cây ăn quả đặc trưng của Đăng Cương. Trước đây, người dân địa phương thường gọi cam chanh là cam đồng tiền hay cam Tiến Vua. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì ở phần bên dưới quả cam có một xoáy nhìn giống hệt như đồng tiền xu, ở giữa rốn hơi lõm xuống.

Trái cam có hình dẹt, không to, vỏ rất mỏng, cuống nhỏ,  nhiều nước lại có hương vị thơm đặc trưng không hề giống với bất kỳ loại cam nào hiện có trên thị trường. Chả thế mà nếu ai đó đã may mắn được thưởng thức một lần thì khó có thể quên được hương vị đặc trưng của loài cam này.

Cam chanh được đánh giá là giống cam quý nổi tiếng khắp cả nước. Do nhiều yếu tố khác nhau, loại cây ăn quả quý này dần dần đã bị mai một. Hiện, trên địa bàn xã Đặng Cương chỉ còn sót lại một cây duy nhất của gia đình cụ Nguyễn Sinh Xúy, ở thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông thành phố cùng đại diện cơ quan chức năng kiểm tra mô hình trồng cam tại xã Đặng Cương (An Dương)

Nhằm góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát triển loài cam đặc sản nổi tiếng của địa phương, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ về việc bảo tồn, lưu giữ, nhân giống, phát triển giống Cam này.

Trên cơ sở đó, cuối năm 2020, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Sở Khoa học và Công nghệ đã về khảo sát, kiểm tra và tiến hành lấy 100 mắt của cây cam duy nhất còn sót lại của xã mang đi nhân giống với mong muốn nhân nên vài nghìn cây giống để phát triển và tạo thương hiệu vùng trồng, sản phẩm chủ đạo của làng quê Đăng Cương.

Đến năm 2022, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Khuyến nông trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, lấy mẫu đất, nước trên từng thửa đất trồng trên địa bàn xã để kiểm tra, xã Đặng Cương đã chọn ra được 6 hộ dân có chất đất phù hợp để trồng cam chanh.

Ngay sau khi có kết quả kiểm tra chất đất, nước trên đồng ruộng, tháng 2-2022, địa phương đã tiến hành trồng thử nghiệm 32 cây trên diện tích 360 m2 tại gia đình anh Nguyễn Ngọc Huy, thôn Chiến Thắng.

Cây sau khi trồng được cán bộ Khuyến nông phối hợp với cán bộ các cơ quan, đơn vị chuyên môn và địa phương thường xuyên kiểm tra, nắm bắt và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho gia đình anh Huy.

Nhờ đó, sau 1 năm trồng, chăm sóc cẩn thận theo đúng quy trình kỹ thuật, diện tích cam canh của gia đình anh Huy cho sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với đồng đất. Cây trồng sạch bệnh hứa hẹn triển vọng sẽ bảo tồn, lưu giữ thành công được giống cam quý hiếm này của địa phương.

Năm 2023, xã Đặng Cương dự kiến sẽ nhân rộng diện tích đất trồng cam canh ra 5 hộ dân khác tại thôn Tự Lập và thôn Hòa Nhất với tổng diện tích là trên 1ha.

Với mong muốn có thể đưa sản vật cam tiến vua (cam chanh) có mặt trên thị trường, phát triển mạnh thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, đồng thời tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất, thông qua các hoạt động khuyến nông, đội ngũ cán bộ Khuyến nông thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục tìm tòi, áp dụng tiến bộ khoa học mới, chia sẻ, đồng hành cùng bà con nông dân địa phương trong quá trình sản xuất.

Qua đó, góp phần bảo tồn, từng bước phát triển, xây dựng thành công vùng sản xuất cam canh, tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân xã Đặng Cương.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông