14:46 25/12/2022 Tại Hải Phòng, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu, ngày 26-10-2021, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, ngày 24-1-2022, UBND TP đã ký Quyết định số 284/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU.
Kết quả bước đầu
Nghiêm túc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy cùng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND TP đã chỉ đạo Sở NN&PTNT thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chuyển đổi số, Tổ Giúp việc đồng thời ban hành Quy chế hoạt động, Chương trình công tác năm 2022.
Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tổ chức, cá nhân liên quan, tính đến nay, ngành Nông nghiệp Hải Phòng đã đạt được một số kết quả khả quan trong quá trình thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số của ngành.
Hiện, 84,60% thủ tục hành chính của Ngành đã đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn diện. 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ mật). 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc sở tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ chuyển đổi số của trung ương, thành phố và của ngành; 100% đã sử dụng các phần mềm ứng dụng CNTT trong công tác quản lý cán bộ, nghiệp vụ kế toán và các nghiệp vụ khác.
Toàn thành phố có trên 270 sản phẩm nông sản tham gia giao dịch thương mại điện tử; trên 100 sản phẩm nông sản được truy xuất nguồn gốc (tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao).
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong xây dựng, triển khai cơ chế chính sách, thực hiện Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 22-11-2020 về hỗ trợ lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, tính đến nay, Hải Phòng đã có 100% tàu cá thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định; 100% tàu cá đăng ký tại địa phương được cập nhật và theo dõi trên hệ thống giám sát tàu cá quốc gia, đáp ứng yêu cầu về chống khai thác IUU.
Sở NN&PTNT cũng đã chủ động phối hợp với Sở KH&CN đặt hàng 4 nhiệm vụ nghiên cứu KHCN. Trong đó, có nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái trong quản lý, giám sát hoạt động sản xuất trồng trọt; diễn biến rừng; các công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn và nghiên cứu tiêu chí, xây dựng mô hình thôn thông minh trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Hải Phòng.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu, các cơ quan, đơn vị thuộc Sở đã được triển khai ứng dụng, vận hành các hệ thống cơ sở dữ liệu của quốc gia và nền tảng công nghệ số sẵn có về chính quyền số, triển khai, áp dụng hiệu quả các ứng dụng.
Về chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, việc ứng dụng CNTT đã được ngành quan tâm. Đơn cử, trong lĩnh vực trồng trọt đã áp dụng tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng; chiếu sáng bằng đèn LED; thiết bị bay không người lái...
Trong chăn nuôi thú ý, Ngành đã áp dụng hệ thống cảm biến điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi, máng ăn - uống tự động; sử dụng dây chuyền giết mổ công nghiệp; quản lý, theo dõi sản xuất, bán hàng trên máy tính. Trong lĩnh vực thủy sản, đã tiến hành quản lý tàu cá trên hệ thống giám sát hành trình, sử dụng thiết bị dò tìm luồng cá; nuôi thủy sản trong nhà bạt, sử dụng quạt nước xục khí tự động, ứng dụng công nghệ quản lý môi trường ao nuôi…
Cùng với đó, việc triển khai chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản đã giúp thành phố kết nối, giới thiệu, đưa trên 270 mã sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử như: Vỏ sò, Postmart, Shopee, Ladaza… Trên 100 sản phẩm khác thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng mã QR thông qua các hệ thống: Traceverified.com, Agricheck.net, Icheck.com.vn, Trace.icheck.vn, Smartcheck.vn.
Về nhiệm vụ triển khai các dự án ưu tiên, thành phố đã hoàn thành xây dựng bản đồ ranh giới Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà; xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu nông sản; chuyển đổi số trong điều tra, giám sát đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.
Mục tiêu phấn đấu
Theo kế hoạch, mục tiêu chung mà chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến là xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu làm nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn dựa trên 3 trụ cột chính là xây dựng “chính quyền số”, phát triển “kinh tế số” và “xã hội số”.
Cùng với đó lầ đổi mới căn bản công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong các cơ quan, đơn vị; phát triển nông nghiệp số, nông dân số và các dịch vụ số tạo sản phẩm an toàn có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân; tăng tỷ trọng của nông nghiệp số trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng đã xây dựng cụ thể 3 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung vào xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phát triển kinh tế số và xã hội số và triển khai hiệu quả 13 dự án, nhiệm vụ ưu tiên cùng 5 nhóm giải pháp liên quan tới công tác chỉ đạo, tuyên truyền; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng, triển khai hệ thống cơ chế, chính sách; thu hút đầu tư; KHCN và khuyến nông.
Hi vọng, với kế hoạch được xây dựng bài bản, chi tiết và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; đưa nông nghiệp, nông thôn thành phố bứt phá lên một tầm cao mới, tạo đà cho nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững; nông thôn hiện đại; nông dân văn minh, làm chủ KHKT.
Khánh Chi
15:04 09/01/2025
12:16 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh