Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: Cảnh báo tình trạng trẻ nhỏ bị hóc dị vật

    15:56 13/10/2022

    Thời gian gần đây, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nuốt dị vật. Đơn vị đã thực hiện nội soi cấp cứu gắp rất nhiều các dị vật khác nhau như: móc câu cá, đinh vít, đinh nhọn, kim làm tuỷ răng, pin cúc, nam châm... Tất cả các trường hợp đều thực hiện thành công và bệnh nhi phục hồi ổn định ngay sau thủ thuật.

    Những ca nuốt dị vật hy hữu

    Trung tuần tháng 8 vừa qua, Bệnh viện vừa cấp cứu thành công một bé trai 22 tháng do nuốt phải một chiếc  đinh vít sắc nhọn dài 1,5 cm vào miệng. Sặc vào phổi, tại thời điểm cấp cứu đinh vít đang găm vào phế quản gốc bên phải. Bé rất mệt, khó thở nhẹ. Nguy cơ thủng đường thở là rất rất cao...

    Theo đó lúc 12h30p,  ngày 12/8 bé B. C. Th tại Đông Khê (quận Ngô Quyền) được gia đình đưa tới khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trong tình trạng trẻ mệt, khó thở. Tại đây kíp trực cấp cứu đã khẩn trương kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện, đồng thời cho chỉ định chụp X_Quang, làm các xét nghiệm máu, khí máu tại giường. Sau khi có kết quả phim X_Quang là 1 dị vật hình ốc vít đang ở phế quản gốc bên phải, đầu nhọn hướng lên trên. Các bác sĩ đã hội chẩn với kíp nội soi, xác định đây là ca bệnh khó, nguy cơ tai biến thủng đường thở hay rách đường thở do đầu nhọn ốc vít di chuyển gây ra. Chỉ sau 5 phút, các bác sĩ đã tiến hành gắp thành công chiếc đinh ốc vít sắc nhọn mà không gây thương tổn gì cho đường thở.

    Hình ảnh dị vật hình ốc vít đang ở phế quản gốc bên phải, đầu nhọn hướng lên trên của bé Th tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng

    Hay như mới đây, vào đầu tháng 10 vừa qua, Bệnh viện Trẻ Em Hải Phòng tiếp nhận 2 bệnh nhi L. H. PH. 17 tháng tuổi (ở Bình Thuận) và L. M. N. 9 tháng tuổi, địa chỉ tại Thủy Triều (huyện Thủy Nguyên) vào viện trong tình trạng ho nhiều sặc, khò khè, khó thở, sốt nhẹ, hai bé được cấp cứu điều trị tại khoa Hô Hấp bệnh viện Trẻ Em Hải Phòng. Với kinh nghiệm trong những ca bệnh trước, các bác sĩ đã nghi ngờ bé bị dị vật đường thở gây khó thở, ho nhiều, thở rít. Bằng các trang thiết bị hiện đại, máy nội soi phế quản OLYMPUS các bác sỹ đã nội soi gắp ra dị vật ở bé PH 17 tháng tuổi là mảnh hạt điều. Theo gia đình cháu PH. cả nhà ăn hạt ngũ cốc và bé đã vô tình cho hạt điều lên miệng ăn, sau bé ho nhiều, tím tái, gia đình mới tá hỏa đưa đến phòng cấp cứu của bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

     Còn bé L. M. N. 9 tháng tuổi các bác sĩ đã tiến hành nội soi ra một nhánh cây cỏ nằm ngã ba hầu họng thanh quản. Nguyên nhân do bé bò ra ngoài vườn, khi phát hiện bé ho, nôn ra thức ăn kèm ít máu. Cả 2 bé đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng nội soi và lấy dị vật ra ngoài thành công, an toàn, không xây xước không chảy máu, bệnh nhi khỏe hoàn toàn sau khi tiến hành thủ thuật và ngày hôm sau các cháu được xuất viện.

    Các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em thực hiện gắp dị vật cho trẻ 

    Ngày 10-10 vừa qua, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cũng tiếp nhận bệnh nhi L.Đ.T.A. 10 tháng tuổi, cân nặng 7kg, địa chỉ tại xã Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo) nhập viện trong tình trạng nôn nhiều và quấy khóc. Theo gia đình bệnh nhi, do trong lúc chơi đùa trẻ đã vô tình cầm nắm và nuốt phải nắp khui lon bia của bố đặt trên bàn. Sau khi xem xét tình trạng hiện tại và đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra cho cháu nhỏ, các bác sĩ hội chẩn và chỉ định bệnh nhi cần được nội soi cấp cứu lấy dị vật. Kíp thực hiện kỹ thuật được thành lập gồm có bác sĩ nội soi, gây mê và kỹ thuật viên. Sau 30 phút dị vật đã được lấy ra một cách an toàn, dị vật là một chiếc nắp lon bò húc đã được nội soi gắp ra khỏi người bệnh nhi thành công và không làm chảy máu, tổn thương thực quản dạ dày. Ngay khi tỉnh lại, bệnh nhi đã nhanh chóng hồi phục hoàn toàn.

    Tình trạng trẻ nuốt sặc dị vật vào trong đường hô hấp rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong hay để lại những di chứng rát nặng nề như: hẹp khí quản do sẹo khi lấy dị vật đâm sâu, viêm phổi thở máy kéo dài, nấm phế quản do dị vật nằm lâu… các loại dị vật như ốc vít kim loại, pin cúc, pin điện thoại… thường rất nguy hiểm, như trường hợp trên, gia đình đã phát hiện sớm, đưa trẻ tới đúng chuyên khoa được xử trí kịp thời nên không để lại biến chứng hay di chứng gì.

    Để các vật nhỏ xa tầm tay và không nên rời mắt khỏi trẻ

    Ths.BS Phạm Toàn, phụ trách đơn vị nội soi - người trực tiếp thực hiện kỹ thuật cho bé L.Đ.T.A vào ngày 10-10 vừa qua cho biết: Có nhiều trường hợp trẻ em nuốt dị vật được đưa đến Bệnh viện cấp cứu, trong đó có những trường hợp trẻ nuốt phải những dị vật nguy hiểm như mảnh đồ chơi sắc nhọn, móc câu, đinh, ốc vít, chìa khóa, pin... rất nguy hiểm đối với sức khoẻ, tính mạng của các cháu nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

    Hình ảnh các dị vật được Các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thực hiện gắp thành công ở trẻ trong thời gian qua

    Bác sĩ Phạm Toàn cũng khuyến cáo đối với các phụ huynh có con nhỏ: Trẻ nuốt phải dị vật gây rất nhiều nguy hại đến trẻ nhỏ có thể có những biến chứng lâu dài hoặc thậm chí nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của trẻ. Vì vậy phải lưu ý tránh để những vật dụng, những đồ chơi có hình dạng nhỏ xung quanh bé, đồ có pin phải có khuy nắp chắc chắn phòng trường hợp bé ngậm và nuốt.

     Với trẻ trên 3 tuổi nên thường xuyên nhắc nhở trẻ không được ngậm đồ chơi hoặc cho vật lạ vào miệng và những nguy hiểm của việc làm này. Khi cho trẻ ăn những thức ăn có hạt, có xương cần lưu ý lấy hết xương, hạt ra trước thật kỹ đồng thời nhắc trẻ ăn từ từ, cẩn thận. Trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng cho trẻ nôn oẹ ra, tránh tình trạng trào ngược chất nôn hoặc dị vật rơi vào đường thở, dẫn đến có thể tử vong, cách làm này cũng có thể gây xước rách chảy máu miệng họng. Khi trẻ không may nuốt hóc dị vật phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ theo dõi cứu chữa kịp thời. Các triệu chứng nghi ngờ một trẻ có thể đang bị mắc, hóc dị vật đường tiêu hoá như: chảy dãi, đau miệng họng cổ, nuốt nghẹn, nôn nhiều, nôn máu, đau bụng, chướng bụng....

    Theo các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, những dị vật mà trẻ thường hay tự nuốt hoặc khi đang cầm chơi thì bị té ngã rơi vào miệng gồm: đồng xu, móc khóa, đinh vít, đinh ghim, bông tai, viên bi... Đây là vấn đề thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi vì trẻ bắt đầu khám phá thế giới và thích cầm nắm, cho vào miệng những vật lạ. Dị vật có thể nằm hầu họng, thực quản, dạ dày, đường ruột. Đa phần khoảng 90% những dị vật có thể đi qua môn vị của dạ dày thì theo đường tiêu hóa tự nhiên ra ngoài theo phân.

    Tuy nhiên, 10% còn lại trong đó có những vật sắc nhọn thì phải can thiệp nội soi gắp sớm để tránh tổn thương đường tiêu hóa. Đặc biệt là những viên pin dẹt trong đồ chơi của trẻ, sau khi nuốt vào dạ dày, phản ứng của pin với dịch dạ dày có thể gây mòn, loét dạ dày, thực quản rất nhanh cần can thiệp càng sớm càng tốt.

    Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh phải thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp vật dụng gọn gàng, nhất là khu vực trẻ hay chơi đùa, để các vật dụng có kích thước nhỏ xa tầm tay của trẻ để hạn chế thói quen bỏ các vật lạ vào miệng.

    Do đó, tình trạng trẻ em nuốt dị vật trong lúc chơi khá phổ biến, nên bố mẹ cần để trẻ trong tầm mắt, chú ý những biểu hiện cần cấp cứu cho trẻ như: trẻ đột ngột khó thở, khó nuốt, nôn khan, khàn tiếng, tím quanh môi, khạc nhổ liên tục, chảy nước dãi… là nghi ngờ trẻ có nguy cơ mắc dị vật ở đường hô hấp.

    Khi phát hiện những triệu chứng bất thường như vậy, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay, không cố móc miệng trẻ vì có thể gây tổn thương khoang miệng và đẩy dị vật vào sâu hơn làm gia tăng nguy cơ gây ngưng thở ngay do phản xạ co thắt thanh quản.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông