19:39 19/06/2024 Thông tin từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, từ 1/5/2024 đến 16/6/2024, Khoa Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho gần 70 trẻ mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Các bệnh nhân tập trung chủ yếu ở khu vực quận Lê Chân, rải rác vài ca tại quận Ngô Quyền và Hải An. Hiện nay, số ca SXHD chiếm hơn 75% tổng số bệnh nhân nội trú, khoảng 20 - 25% trường hợp SXHD có dấu hiệu cảnh báo. Dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên (thuộc họ Flaviridae), truyền qua muỗi đốt, có thể bùng phát thành dịch. gặp ở tất cả các lứa tuổi, trong đó nhóm trẻ em vẫn là đối tượng nhận được sự quan tâm hàng đầu. Khí hậu nóng ẩm nước ta rất thuận lợi cho sự phát triển của virus Dengue. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, đặc biệt là vào các tháng 7, 8, 9.
Aedes Aegypti và Aedes Albopictus (thuộc nhóm Aedes) là 2 véc tơ chính truyền bệnh SXHD. Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng, cư trú tại những vùng nước sạch, góc tối trong nhà. Muỗi cái đẻ trứng ở nơi ẩm thấp, đọng nước ở trong và xung quanh nơi ở: bể nước, giếng, ao hồ,…Muỗi vằn sinh sôi và phát triển mạnh vào mùa mưa, đốt người vào thời điểm chập choạng tối. Nhưng theo nghiên cứu gần đây, những đặc tính này đang có sự thay đổi đáng kể. Muỗi có thể sinh trưởng ở những nơi nước bẩn và đốt ngay cả ở thời điểm ban ngày. Chúng không bay xa nên rất dễ gây thành dịch nguy hiểm. Bệnh do 4 tuýp huyết thanh gây nên: DEN -1, DEN -2,DEN -3, DEN -4. và không tạo miễn dịch chéo (một người bệnh có thể mắc nhiều lần do nhiễm các tuýp khác nhau).
Triệu chứng của SXHD rất dễ nhầm lẫn với các bệnh có sốt, phát ban do virus khác (tay chân miệng, sốt mò, sốt rét,…). Bệnh tiến triển qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm (thường từ ngày thứ 3 – 7 của bệnh, cần đặc biệt chú ý những dấu hiệu cảnh báo: li bì, nôn nhiều, đau bụng, tiểu ít, chảy máu,…), giai đoạn hồi phục (hết sốt, toàn trạng tốt lên, có thể phát ban da, nhịp tim chậm, tiểu nhiều,…). Với đặc tính thoát huyết tương khỏi lòng mạch, khiến hematocrit tăng cao, trẻ có thể rơi vào tình trạng sốc nếu như không được theo dõi chặt. Nhiều gia đình có tâm lý chủ quan khi con đã hết hoặc giảm sốt (bước vào giai đoạn nguy hiểm vì thời điểm này có thể xuất hiện những triệu chứng nặng), xem nhẹ những dấu hiệu cảnh báo, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Do vậy, trẻ cần được chẩn đoán sớm, tuân thủ đúng phác đồ và có sự theo dõi sát sao của nhân viên y tế để hạn chế tối đa biến chứng, giảm thời gian nằm viện.
Theo WHO, hiện đã có vaccin phòng bệnh SXHD, bộ Y tế Việt Nam đã cấp phép nhưng vẫn chưa đưa vào tiêm chủng tại nước ta. Bởi vậy, việc tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh theo đúng phương châm “không có loăng quăng, không có sốt xuất huyết “ vẫn giữ vài trò chủ đạo. Ưu tiên giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh, loại trừ nơi cư trú của muỗi: phát quang bụi rậm, che đậy, hạn chế những nơi tù đọng nước để cắt đứt nơi sinh sản của muỗi, phun thuốc diệt muỗi, ngủ màn để tránh muỗi đốt.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, dịch đang có xu hướng bùng phát và lan rộng trên địa bàn thành phố. Do vậy, khi trẻ có triệu chứng sốt gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để trẻ được khám và phát hiện sốt xuất huyết để có kế hoạch điều trị kịp thời.
VŨ DUYÊN
15:49 22/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết